Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: "Văn chương là chỗ để tôi tu thân"

Hà Phương – Hạnh Lê/VOV.VN | 13/12/2022, 07:37

Tôi coi văn chương như chỗ để tu thân, như lời của bố tôi dặn, anh muốn viết những điều tử tế và thuyết phục được người khác thì trước hết anh phải tử tế”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ tâm sự.

Đầu tháng 12, Bộ VHTT&DL thông tin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký 4 quyết định tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho 128 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (VHNT) năm 2022 trong đó có 18 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lần này với tác phẩm “Quyên”. “Quyên” là tiểu thuyết đầu tay của ông, xuất bản năm 2009. Tác phẩm kể về Quyên - một cô gái Hà Nội gốc nghe theo chồng vượt biên từ Nga sang Đức. Cuộc ra đi tìm kiếm đất hứa trở thành cuộc phiêu lưu 9 năm với biết bao bất ngờ, như con thuyền nhỏ lênh đênh ở xứ người chính ngay giữa đồng bào mình.

Với sự xuất hiện của “Quyên”, Nguyễn Văn Thọ được đánh giá là "một trong số ít những cây bút đương đại xuất sắc nhất về đề tài người Việt ở hải ngoại".

Vinh dự lớn lao của một đời văn

PV: Cảm xúc của ông như thế nào khi được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với tiểu thuyết “Quyên”?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi bất ngờ và cảm động. Bởi vì rõ ràng công sức của mình đóng góp cho dòng chảy văn học nước nhà đã được Nhà nước ghi nhận.

Thực ra khi nhà văn viết, người ta cũng không có ý định viết để được giải hay trở thành hội viên. Hầu hết những nhà văn lao động nghiêm túc đều như thế cả. Vì điều quan trọng nhất đối với một tác phẩm văn học đó là sức bền với thời gian, được công chúng, được bạn đọc đánh giá. Nhưng giải thưởng Nhà nước là giải thưởng cao quý mà không phải ai tham gia dòng chảy văn học cũng có được vinh dự được giải.

Tất nhiên không phải khi được giải mình cảm thấy mình là nhất, đánh giá ấy vẫn là của thời gian và bạn đọc. Nhưng bằng một giải 5 năm mới xét 1 lần và xét trong rất nhiều người, trong hàng ngàn tác giả, nhà văn và tác phẩm, đối với tôi, đây là vinh dự lớn lao của một đời văn.

Những ngày này, tôi hay nghĩ đến những ngày đầu mình theo đuổi sự nghiệp văn chương. Tôi nhớ đến nhà thơ Bế Kiến Quốc - một người đã động viên tôi rất nhiều trong chặng đường sáng tác của mình. Anh là người đầu tiên nhận những tác phẩm đầu tiên, dặn dò tôi rất nhiều chuyện, trao đổi nhiều kinh nghiệm viết văn. Chính những lời động viên ấy đã làm tôi tin vào con đường sáng tác mình đã chọn.

Con đường sáng tác của tôi rất dài, trải qua nhiều thăng trầm. Trên con đường ấy, tôi cũng biết ơn các nhà văn đã đi trước như: Trần Lê Văn, Tô Hoài, Lê Đạt, Phạm Tiến Duật, Hữu Nhuận... vì đã cho tôi nhiều kinh nghiệm và những bài học hay về sáng tác.

PV: Nhắc đến Bế Kiến Quốc, ông có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ với cố nhà thơ?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Đó là khi tôi viết tác phẩm đầu tay “Rồi chúng con sẽ trở lại quê hương” năm 1985. Thời điểm đó bắt đầu cuộc sống sau hậu chiến rất khó khăn, lúc bấy giờ chúng ta chưa có đổi mới văn nghệ. Trước những năm đổi mới, người ta vẫn còn tuyên truyền một chiều. Đó là những câu chuyện về người lính, tại sao ra trận, ở lại mặt trận, thậm chí có những người lính bị thương rồi vẫn ở lại mặt trận để trả thù cho đồng đội, làm nên những kỳ tích... Tôi xem một vở kịch và thấy không đúng với tinh thần chúng tôi từng chiến đấu. Vì thế tôi viết tác phẩm đầu tay, đánh vật với nó mấy tháng trời.

Viết xong, tôi không biết đưa đi đâu để thẩm định. Sau đó, tôi được chỉ cho mang tác phẩm đến tòa soạn báo Văn nghệ. Người nhận bản thảo là chị Đỗ Bạch Mai – vợ nhà thơ Bế Kiến Quốc. Tôi nói với chị, đây là tác phẩm quan trọng đối với cuộc đời tôi. Ngay ngày hôm sau, tôi nhận được điện thoại của nhà thơ Bế Kiến Quốc, mời tôi đến tòa soạn. Anh góp ý và bảo sẽ in truyện này. Bắt đầu từ truyện ngắn ấy cho đến vài truyện ngắn nữa, tác phẩm của tôi đều được chọn in vào số đặc biệt hoặc số Tết của báo Văn nghệ như “Sương đêm”, “Muối mặn”…

Nhà thơ Bế Kiến Quốc và tôi trở thành bạn văn chương. Anh luôn hướng dẫn, nhắc nhở, tâm sự về nghề với tôi. Kể cả đến khi tôi chán viết, tôi tự thấy mình viết nữa cũng không hơn trước, tôi bỏ không viết nữa, đi ra nước ngoài kiếm sống, anh vẫn thường xuyên liên lạc. Những bài thơ tôi viết, anh đều đọc. Trở về từ Đức, tôi quay lại với văn xuôi, anh đọc, duyệt, in, quảng bá cho mọi người. Bằng kinh nghiệm của người biên tập lâu năm, làm ở tờ báo lớn, bằng tình bạn, tình yêu đối với văn học, Quốc chia sẻ với tôi rất nhiều. Đối với tôi, anh là người làm báo rất tử tế.

PV: Điều quan trọng nhất mà nhà thơ Bế Kiến Quốc chia sẻ với ông trên con đường theo đuổi sự nghiệp văn chương?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi tâm niệm với Bế Kiến Quốc, là làm văn chương phải hướng đến phần sáng của cuộc đời, bởi cái thiện và cái ác luôn luôn tồn tại song trùng. Nhiệm vụ của nhà văn là chống lại cái ác, cổ động cái thiện thì nhà văn phải hướng đến cho con người ta tính thiện, mầm thiện, đời sống lương thiện.

Cuộc sống là thật, nhà văn phải đầm mình, không hoang tưởng

PV: Đâu là cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp cầm bút của ông?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi viết truyện ngắn “Muối mặn” năm 1986. Bấy giờ đời sống diêm dân rất khổ. Dù Miền Bắc nắng to được mùa muối, nhưng lương thực, thực phẩm không có. Đồng muối Nghệ Tĩnh mùa hè năm 1986 chết mất 7 người. Khi đó, Tổng Công ty Muối tổ chức một đoàn nhà báo, nhà văn đi để động viên, viết gương người tốt việc tốt.

Tôi cũng tham gia đoàn và viết truyện ngắn “Muối mặn”. Bản thảo đầu tiên tôi đưa đến cho Bế Kiến Quốc, đọc xong anh phê bình mạnh mẽ, bảo, truyện này viết giả lắm. Tôi quyết định bỏ hẳn bản thảo đó để viết lại một truyện dựa vào cốt ấy nhưng bằng phương pháp biểu đạt khác, để cho nó thật hơn, sống động hơn. Truyện ngắn ấy sau đó được in biếu 500 số cho đại biểu Đại hội 6. Nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ ngay sau đó cũng chuyển thành vở chèo “Muối mặn đời em”.

Tôi rút được kinh nghiệm, cuộc sống là thật, nhà văn phải đầm mình không hoang tưởng. Nhưng quan trọng là, chọn phương pháp nào, thể hiện ra sao để khiến người ta tin vào sự thật mà mình dựng lại?

Sự thành công của “Muối mặn” khi ra đời chính là nằm ở sự bình dị, kể về câu chuyện khốc liệt trên cánh đồng muối, trên mặt trận sản xuất lúc bấy giờ.

Đó là bài học kinh nghiệm, và cũng theo suốt với tôi, kể cả khi tôi viết tiểu thuyết, dùng 1 cách diễn ca, dung dị nhất để cận với sự thật, làm cho độc giả tin mọi chuyện xảy ra đúng như thế.

PV: “Quyên” là tiểu thuyết đầu tay của ông, cũng là tác phẩm mang đến cho ông nhiều giải thưởng văn chương và lần này là giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Lúc này, ông có thể nói gì về “đứa con tinh thần” của mình?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tiểu thuyết “Quyên” ra đời hơn chục năm nay rồi. Tác phẩm đã được bạn đọc khắp nơi đón nhận và được trao giải Nhì văn học cuộc thi tiểu thuyết ba năm của Hội NV VN.

Nói theo thuyết nhân quả thì tôi viết “Quyên” như một sự trả nợ sau ngần ấy năm tháng bôn ba nơi đất khách đã cho tôi nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời.

Từ cuộc sống ấy, tôi nhận thức được ra bè bạn tôi ở bên Đức như thế nào, những người dân bản địa sống như thế nào, văn hóa người ta ra sao. Đây là tác phẩm ghi dấu ấn trong một thời gian tương đối khốc liệt và nó được đánh giá một trong những tác phẩm sớm nhất, tương đối thành công khi nói về đời sống di dân, khi mà một bộ phận người Việt Nam sau hậu chiến phải ra nước ngoài lam lũ làm việc kiếm tiền.

Tác phẩm “Quyên” cũng có tiếng vang nhất định, nhất là sau khi được dựng thành phim năm 2015. Người Việt ở Đức hưởng ứng lắm. Vì người ta đều tìm thấy quá khứ của mình trong “Quyên”. Đấy là điều an ủi, động viên tôi nhất. Vì với 1 tác phẩm ra đời, viết về nhân vật mà họ không quan tâm thì đó là một thất bại.

PV: Văn chương đã đem lại cho ông những gì?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi vốn không có ý định theo nghề cầm bút. Tôi từng có ước mơ trở thành một kỹ sư điện. Tôi viết văn từ những năm ngoài 30 tuổi nhưng đứt quãng. Mãi đến tuổi 50, tôi mới quay trở lại văn chương như là sự sẻ chia những chìm nổi của cuộc đời, để giải tỏa những ẩn ức trong đời sống, giải tỏa nỗi cô đơn.

Tôi coi viết văn là việc quan trọng vì chính văn chương tạo điều kiện cho tôi nhìn rõ bản thân mình, đất nước mình hơn. Tôi coi thân phận mỗi cá nhân phụ thuộc vào thân phận của dân tộc. Mình viết văn là soi xét thân phận từng cá nhân, cũng như thân phận của cả đất nước, dân tộc này trải qua chiều dài lịch sử mà mình đã tham chiến, cùng sống với nó. Đó là một công việc nghiêm túc. Khi nhìn lại cá nhân mình, đất nước mình, tôi tựa vào đấy để tìm ra con đường sống tốt đẹp hơn, lương thiện hơn, tử tế hơn, nhân ái hơn. Tôi coi văn chương như chỗ để tu thân, như lời của bố tôi dặn: “Anh cầm bút, muốn viết những điều tử tế và thuyết phục được người khác thì trước hết anh phải tử tế.”

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Bài liên quan
Lệ Quyên khoe Lâm Bảo Châu dùng hết cát sê quảng cáo mua hàng hiệu tặng cô
Lệ Quyên tiết lộ, để mua được chiếc váy và đôi giày hàng hiệu làm quà sinh nhật cho cô, Lâm Bảo Châu đã phải dùng hết tiền hợp đồng quảng cáo của anh.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
VOVLIVE - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, tỉnh Phú Thọ và nhân dân về dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Mới nhất