
Sự kiên nhẫn cạn dần
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz hôm 20/2 thừa nhận rằng sự kiên nhẫn của ông Trump với ông Zelensky đang cạn kiệt và cho biết các cuộc thảo luận hôm 19/2 giữa Đặc phái viên Mỹ về Ukraine Keith Kellogg với các quan chức Ukraine tập trung vào việc hỗ trợ Kiev "hiểu" cuộc xung đột này phải dừng lại.
"Rõ ràng Tổng thống Trump hiện rất thất vọng với Tổng thống Zelensky. Thực tế là ông ấy đã không đến bàn đàm phán và ông ấy đã không sẵn sàng nắm bắt cơ hội mà chúng tôi đưa ra", ông Waltz nói với các phóng viên hôm 20/2 trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, đồng thời cho biết: "Tôi hy vọng ông ấy cuối cùng sẽ nhanh chóng hiểu được điều đó".

"Việc cuộc xung đột này kéo dài mãi chắc chắn không có lợi cho Nga hay Mỹ. Vì vậy, một phần quan trọng trong cuộc trao đổi của ông Keith Kellogg là giúp Tổng thống Zelensky hiểu rằng cuộc xung đột này cần phải chấm dứt", ông Waltz nói.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance hôm 20/2 cũng bảo vệ quyết định của chính quyền Mỹ về việc gặp gỡ các quan chức Nga tại Saudi Arabia, bất chấp sự thất vọng từ Ukraine khi họ vắng mặt trong các cuộc họp đó. Ông Vance nhấn mạnh, việc trao đổi với Nga là chìa khóa để thúc đẩy một thỏa thuận và cho biết ông tin rằng châu Âu đang tiến gần hòa bình lần đầu tiên sau 3 năm.
"Làm sao có thể chấm dứt xung đột nếu không trao đổi với Nga. Bạn phải trao đổi với tất cả các bên tham gia xung đột nếu thực sự muốn chấm dứt nó", ông Vance phát biểu.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ cũng đã gặp các quan chức Ukraine để thảo luận về một thỏa thuận hòa bình và ông Kellogg tiết lộ ngày 19/2 trong một bài đăng trên mạng xã hội X rằng Mỹ vẫn cam kết chấm dứt xung đột và tìm cách thiết lập "hòa bình bền vững".
Áp lực gia tăng với Ukraine để đồng ý thỏa thuận diễn ra sau nhiều ngày căng thẳng giữa ông Trump và ông Zelensky khi mỗi bên liên tục chỉ trích lẫn nhau sau các cuộc họp giữa các quan chức Mỹ và Nga.
Trong khi ông Zelensky cáo buộc Tổng thống Trump đang bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch từ Nga thì nhà lãnh đạo Mỹ đã đáp trả gay gắt và gọi Tổng thống Zelensky là một "nhà độc tài" khiến đất nước thất vọng.
Ukraine đứng trước nhiều sức ép
Ngoại trưởng Marco Rubio, Đặc phái viên tại Trung Đông Steve Witkoff và ông Waltz đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và cố vấn ngoại giao của Tổng thống Putin - ông Yuri Ushakov tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 18/2 để thảo luận về các cách chấm dứt xung đột.
Ông Zelensky cho biết Ukraine không nhận được lời mời tham dự cuộc họp và trao đổi với các phóng viên tại Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày rằng "không ai có quyền quyết định bất cứ điều gì sau lưng chúng tôi", sau khi nhấn mạnh trong những ngày gần đây rằng Kiev sẽ không đồng ý đàm phán hòa bình nếu không có sự tham gia của Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ đã ra tín hiệu quan tâm đến việc nhượng bộ một số yêu cầu của Nga về một thỏa thuận hòa bình trong những ngày gần đây và ông Trump nói với BBC hôm 19/2 rằng, Nga là bên "có một chút lợi thế vì họ đã chiếm được rất nhiều lãnh thổ".
Theo Viện Nghiên cứu Brookings, tính đến tháng 1/2025, Nga đã kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói ngày 12/2 rằng việc Ukraine giành lại biên giới trước xung đột với Nga là không thực tế, làm dấy lên chỉ trích rằng Ukraine đang bị ép phải nhượng bộ.
"Tổng thống Putin hiểu điều này và sẽ yêu cầu nhiều hơn", Giám đốc phụ trách hợp tác toàn cầu dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - ông Brett Bruen nói ngày 13/2.
Ngoài ra, Mỹ gợi ý rằng họ ủng hộ việc tổ chức cuộc bầu cử ở Ukraine - một điều kiện quan trọng để Nga đồng ý với một thỏa thuận hòa bình.
Gần 1 năm sau khi nhiệm kỳ 5 năm của ông Zelensky kết thúc, ông vẫn giữ nguyên vị trí lãnh đạo Ukraine vì hiến pháp nước này cấm tổ chức bầu cử do lệnh thiết quân luật được áp dụng từ cuối tháng 2/2022.
Tuy nhiên, Nga không phải là nước duy nhất gây sức ép buộc Ukraine phải tổ chức bầu cử, ông Trump cho biết hôm 18/2 tại khu điền trang Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach, Florida.
Kết quả là, theo cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump - K.T. McFarland, ông Zelensky có thể bị "trói tay" và không còn lựa chọn nào khác ngoài nhượng bộ.
"Nếu Tổng thống Zelensky định từ bỏ điều này và nói rằng: "Tôi phản đối bất kỳ thỏa thuận nào với Nga và với Mỹ. Vậy thì ông ấy định giữ cho đất nước này an toàn trong 20, 30, 40 năm tới như thế nào?", ông McFarland đặt câu hỏi hôm 20/2 trong một cuộc trả lời phỏng vấn với chương trình "Mornings with Maria" của FOX Business Network.
Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022 và ông Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử năm 2024 rằng ông sẽ nỗ lực chấm dứt xung đột nếu được bầu lại.