Nhà thơ Y Phương tên thật Hứa Vĩnh Sước, sinh năm 1948 tại Trùng Khánh, Cao Bằng. Nhà thơ Y Phương nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1981, nhà thơ Y Phương ra quân và theo học Trường Điện ảnh Việt Nam khóa 2.
Nhà thơ Y Phương có một thời gian dài làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Cao Bằng, rồi chuyển về Hà Nội định cư từ năm 2000.
Nhà thơ Y Phương gây ấn tượng mạnh mẽ cho độc giả từ tập thơ “Tiếng hát tháng giêng” đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986. Nhắc đến nhà thơ Y Phương không thể không nhắc đến những câu thơ độc đáo: “Mùa hoa/ Người đàn bà/ Mặt đỏ phừng/ Đủ sức vác ông chồng/ Chạy phăm phăm lên núi/ Mùa hoa/ Người đàn ông/ Mệt như chiếc áo rũ/ Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ”.
Ngoài ra, nhà thơ Y Phương còn có những tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa Tày như “Lời chúc”, “Đàn then”, “Chín tháng”, “Ngược gió”, “Đò trăng”...
Nhà thơ Y Phương quan niệm: “Văn chương là một việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình”. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
Dịp tết Nhâm Dần, nhà thơ Y Phương bị cảm sốt. Không ngờ chứng bệnh nhẹ ấy đã khiến ông không thể gượng dậy và trút hơi thở cuối cùng vào đêm 9/2 giữa tiết trời Hà Nội giá lạnh.
Nhà thơ Y Phương là gương mặt thi ca tiêu biểu nhất của dân tộc Tày. Ông viết về cội nguồn mình bằng tất cả sự đau đáu:
“Ta mãi là đứa con của núi
Cho dù hàng ngày nói tiếng Kinh
Nhưng khi buồn
Ta khóc bằng tiếng Tày
Tiếng Tày của ta không nho nhỏ, không be bé
Tiếng Tày rộn ràng trong ngực mỗi ngày
Tiếng Tày thì thầm trong dưới lưng mỗi đêm
Ta gối lên tiếng Tày nằm ngủ
Ta ôm tiếng Tày mà thở
Tiếng Tày là quê hương thiêng liêng trong nhà ta”.
(Nguồn: Báo Nông Nghiệp)