Ngày lễ Vu lan báo hiếu diễn ra vào dịp rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm, là một trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo và người Việt Nam nói chung. Ngày lễ Vu lan báo hiếu năm 2024 rơi vào Chủ nhật 18/8 Dương lịch.
Nguồn gốc của ngày lễ Vu lan
Lễ Vu lan xuất phát từ sự tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu lan bồn kể về câu chuyện tôn giả Mục Kiền Liên (Mogallana) cứu mẹ. Theo truyền thuyết này, bà Thanh Đề (mẹ của Mục Kiền Liên) là một người sống xa hoa, tham lam, độc ác và không tin vào Tam Bảo. Thường ngày, bà nấu rất nhiều thức ăn và làm vương vãi khắp nơi trên mặt đất nhưng không bố thí cho ai.
Mục Kiền Liên hiền lành, chịu khó, trái ngược hoàn toàn với mẹ. Ngài được mọi người xung quanh yêu mến, khen ngợi hết lời. Sau khi bà Thanh Đề qua đời, Mục Kiền Liên xuất gia và là một đại đệ tử của Đức Phật, nổi tiếng với khả năng thần thông.
Sau khi đạt những thành tựu lớn trong tu tập, Mục Kiền Liên nhớ đến người mẹ quá cố của mình và sử dụng phép thần thông để tìm kiếm bà. Ông phát hiện ra mẹ mình đang chịu khổ trong cảnh giới ngạ quỷ vì những nghiệp xấu đã tạo ra khi còn sống.
Mục Kiền Liên cố gắng dâng thức ăn cho mẹ. Do đói lâu ngày nên khi ăn, mẹ ông dùng một tay che bát cơm của mình, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Vì tâm tham lam, thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Quá đau lòng và bất lực, Mục Kiền Liên tìm đến Đức Phật để xin giải pháp. Đức Phật chỉ dạy rằng chỉ bằng lòng hiếu thảo của một cá nhân và phép thần thông của ông sẽ không đủ, mà cần sự hợp lực của cả tăng đoàn, với sự thanh tịnh và tập trung cao độ, mới có thể cứu thoát mẹ ông khỏi kiếp khổ.
Theo chỉ dạy của Đức Phật, vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch, Mục Kiền Liên và cả tăng đoàn đã cùng nhau thực hiện nghi lễ cúng, có sức mạnh vô biên để giải thoát cho mẹ ông khỏi cảnh ngạ quỷ, tái sinh lên cõi lành. Pháp Vu lan bồn sau đó được Đức Phật cho phép áp dụng rộng rãi để cứu khổ chúng sinh.
Ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan
Câu chuyện về nguồn gốc lễ Vu lan kể trên mang cả ý nghĩa báo hiếu và ý nghĩa xá tội vong nhân của ngày rằm tháng 7.
Lễ Vu Lan không chỉ là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn và hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ vẫn còn sống mà còn là cơ hội để tưởng nhớ, cầu phúc cho những người thân đã qua đời.
Trong dịp này, Phật tử thường thực hiện nghi thức cúng dường, phóng sinh, làm từ thiện nhằm tích thêm công đức, hồi hướng cho cha mẹ. Các hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích tâm linh mà còn thể hiện rõ ràng tinh thần nhân văn, từ bi và tình thương yêu giữa người với người.
Một trong những hình ảnh đặc trưng của lễ Vu lan ở Việt Nam là bông hồng cài áo. Người tham gia lễ Vu lan sẽ cài lên áo mình một bông hồng đỏ nếu cha mẹ còn sống, hoặc bông hồng trắng nếu cha mẹ đã qua đời. Điều này không chỉ là dấu hiệu để nhận biết mà còn là một cách nhắc nhở mỗi người về tình cảm và trách nhiệm đối với đấng sinh thành.
Vu lan còn là dịp để mọi người nhìn lại bản thân, sống chậm lại và suy ngẫm về đạo lý làm người. Qua các hoạt động hiếu lễ, con cái học cách tri ân báo đáp, biết sống có trách nhiệm và yêu thương nhau hơn.
Ngày lễ Vu lan báo hiếu là một lễ hội truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa và tín ngưỡng Phật giáo. Từ nguồn gốc gắn liền với câu chuyện về lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên, lễ Vu lan đã lan tỏa và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Đó là dịp để tất cả mọi người, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, cùng nhau tri ân và bày tỏ lòng hiếu kính đối với cha mẹ, góp phần gìn giữ và phát huy đạo đức và giá trị nhân văn cao đẹp của xã hội.