Người thu nhập 30 triệu đồng mua hàng thường không quan tâm khuyến mãi

Chí Hiếu | 14/11/2024, 19:30

Khảo sát của YouNet ECI và YouNet Media trên 700 người tiêu dùng cho thấy, người tiêu dùng có mức thu nhập từ 30 triệu đồng/tháng không phụ thuộc vào khuyến mãi.

Khi thu nhập của người dân ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ngày càng phát triển, hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Kết quả này nhấn mạnh thương mại điện tử ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam.

Báo cáo YouNet ECI và YouNet Media trên 700 người tiêu dùng đến từ các thành phố tại Việt Nam cho thấy, ở mức thu nhập từ 30 triệu đồng/tháng trở lên thì người tiêu dùng Việt Nam mua sắm gần như không phụ thuộc vào các chương trình khuyến mãi của sàn mà có thể mua bất cứ khi nào có nhu cầu. 

Tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam được dự báo có tiềm năng đạt mốc 49,9 tỷ USD vào năm 2028. (Ảnh minh họa)
Tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam được dự báo có tiềm năng đạt mốc 49,9 tỷ USD vào năm 2028. (Ảnh minh họa)

Cũng trong năm 2023, sự xuất hiện của nền tảng TikTok Shop cùng sự phát triển của xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment) đang làm thay đổi hoàn toàn thói quen mua sắm và mức chi cho thương mại điện tử của người tiêu dùng. 

Những yếu tố này có khả năng làm tăng dự báo tăng trưởng thị trường TMĐT Việt Nam lên mức tối đa 35% CAGR (tăng trưởng kép hàng năm) từ năm 2024 đến năm 2028, tích cực hơn mọi dự báo trước đây từ các bên.

Cụ thể, YouNet ECI và YouNet Media dự báo tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam có tiềm năng đạt mốc 49,9 tỷ USD / năm vào năm 2028, nếu TMĐT Việt Nam đạt được hết những cơ hội tăng trưởng đang xuất hiện.

Giải thích về sự tăng trưởng nhanh chóng này, ông Nguyễn Phương Lâm - Giám đốc Phân tích Thị trường, YouNet ECI đưa ra nhận định: “Cơ sở cho dự báo tích cực này của chúng tôi là 3 cơ hội tăng trưởng rõ rệt mà chúng tôi nhìn thấy từ dữ liệu thu nhập của người dân Việt Nam gia tăng dẫn đến chi tiêu cho TMĐT tăng theo trong 5 năm tới, cùng với đó là xu hướng mua sắm kết hợp giải trí kích thích tiêu dùng và cuối cùng sự chuyển dịch đáng kể của những ngành hàng giá trị cao từ kênh offline lên TMĐT”.

Trong khảo sát đưa ra của đơn vị này, với mẫu 700 người tiêu dùng đến từ các thành phố tại Việt Nam, 62,8% người tiêu dùng số (digital consumers) hiện chốt đơn trên các sàn TMĐT ít nhất một lần mỗi tuần.

Khi đào sâu phân tích nhóm người tiêu dùng số này theo chiều thu nhập, nghiên cứu nhận thấy có tỷ lệ thuận rõ rệt giữa mức thu nhập với tần suất mua sắm trực tuyến và kích thước giỏ hàng của người tiêu dùng.

Đặc biệt, ở mức thu nhập từ 30 triệu đồng / tháng trở lên thì người tiêu dùng Việt Nam mua sắm gần như không phụ thuộc vào các chương trình khuyến mãi của sàn mà có thể mua bất cứ khi nào có nhu cầu. 

Xét theo độ tuổi, nhóm mua sắm hàng tuần có 53,4% thuộc Gen Z và 46,6% là Millennials (thế hệ sinh năm 1981 - 1995).

Thu nhập khác nhau dẫn đến sự khác biệt rõ rệt giữa hai thế hệ này về tần suất mua sắm, mức chi tiêu, danh mục sản phẩm yêu thích và cách ra quyết định khi mua sắm trực tuyến.

51% Gen Z cho biết họ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng trên mạng xã hội khi chọn mua sản phẩm mới.
51% Gen Z cho biết họ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng trên mạng xã hội khi chọn mua sản phẩm mới.

Thế hệ Gen Z, đại diện cho thời đại kỷ nguyên số, là nhóm dẫn đầu trong việc tạo ra và thích nghi với các xu hướng mới. Theo báo cáo, 51% Gen Z cho biết họ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng trên mạng xã hội khi chọn mua sản phẩm mới.

Các sản phẩm họ thường mua sắm trên TMĐT chủ yếu thuộc danh mục thời trang, sắc đẹp và chăm sóc cá nhân, thể hiện sự quan tâm đến việc chăm sóc bản thân và tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với lối sống hiện đại.

Khảo sát cũng cho thấy 55% người tiêu dùng Gen Z thường xuyên tham khảo đánh giá từ các micro-influencers (10.000 - 100.000 người theo dõi) có phong cách tương đồng với họ trước khi đưa ra quyết định mua hàng trực tuyến, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang và làm đẹp.

Gen Millennials (sinh ra trong thời gian 1981-1995) mua sắm trực tuyến với tần suất nhiều hơn Gen Z, khoảng 1-3 lần mỗi tuần.

Đối với thế hệ Millennials chi nhiều cho các sản phẩm điện gia dụng và điện tử tiêu dùng.
Đối với thế hệ Millennials chi nhiều cho các sản phẩm điện gia dụng và điện tử tiêu dùng.

Giá trị trung bình mỗi đơn hàng của Gen Millennials lên đến 125 USD, cao hơn nhiều so với Gen Z. Ngoài các sản phẩm chăm sóc cá nhân như thời trang và làm đẹp, Millennials còn chi nhiều cho các sản phẩm điện gia dụng và điện tử tiêu dùng.

Với nhu cầu khác biệt, Millennials cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về dịch vụ và độ tin cậy. Top 3 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định mua sắm của họ là: chính sách hoàn trả và bảo hành rõ ràng, phương thức thanh toán thuận tiện trên một nền tảng và khả năng thỏa thuận thời gian giao hàng với người bán. Trong khi đó, giá cả và mã khuyến mãi chỉ đứng ở vị trí thứ 5 và 10.

Không giống Gen Z, Millennials thường cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua, kể cả trong các livestream với nhiều ưu đãi.

Chí Hiếu
Bài liên quan
Ông Trump chọn Gen Z làm Thư ký báo chí Nhà Trắng
Ông Trump tuyên bố chọn bà Karoline Leavitt, 27 tuổi, vào vị trí lãnh đạo quan hệ với báo chí, truyền thông của Nhà Trắng cho nhiệm kỳ sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tôn vinh những điển hình tiên tiến cống hiến hết mình dựng xây đất nước
VOVLIVE - Ngày 21/11, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin - Truyền thông, thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Chương trình Giao lưu điển hình tiên tiến với chủ đề “Mỗi tấm gương một khát vọng cống hiến”.
Mới nhất