Người dân Thái Nguyên có thể dùng chữ ký số cá nhân để sử dụng dịch vụ công

Vân Anh/VOV.VN | 11/07/2022, 20:05

Người dân Thái Nguyên có cơ hội trải nghiệm giải pháp ký số từ xa miễn phí để thực hiện các giao dịch điện tử, tăng tính tiện ích và cải thiện lòng tin khi tham gia giao dịch điện tử.

Chiều 11/7, tại Thái Nguyên, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên chủ trì, phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ Thông tin và Truyền thông, Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam chính thức khai trương tích hợp giải pháp ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Thái Nguyên tiên phong đi đầu ứng dụng chữ ký số trong dịch vụ công

Để phủ sóng chữ ký số cho người dân, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, Thái Nguyên là một trong các địa phương tiên phong và thành công trong việc tích hợp dịch vụ Chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công, giúp đơn giản hóa việc người dân sử dụng chữ ký số, đồng thời, vẫn bảo đảm tính toàn vẹn, tính xác thực và tính chống chối bỏ của dữ liệu khi được ký số, nhờ đó đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), hiện có khoảng 1,5 triệu chữ ký số được các cơ quan, tổ chức sử dụng và khoảng 350.000 chữ ký số cá nhân. Nhưng hoạt động trực tuyến dùng chữ ký số mới giới hạn chủ yếu ở 4 hoạt động gồm hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử, hải quan điện tử và bảo hiểm xã hội. Đối với dịch vụ công trực tuyến, việc sử dụng chữ ký số bước đầu được triển khai nhưng còn gặp khó khăn do người dân dùng dịch vụ chữ ký số của nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau.

“Sự kiện hôm nay mang tính cách mạng của ngành chữ ký số. Từ hôm nay, với việc tích hợp giải pháp chữ ký số cá nhân vào Cổng dịch vụ công tỉnh Thái Nguyên, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thể đăng ký, sử dụng chữ ký số trên di động để thực hiện các thủ tục hành chính, tăng tính công khai, minh bạch”, ông Nghĩa cho hay.

“Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên đã giải quyết bài toán này, áp dụng theo một chuẩn thống nhất, nhờ đó, tất cả nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số đều có thể kết nối qua cổng dịch vụ công của tỉnh”, ông Nghĩa đánh giá.

Người dân có thể dùng điện thoại di động cá nhân để ký số

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc tích hợp giải pháp ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công Thái Nguyên sẽ giúp đơn giản hoá việc người dân sử dụng chữ ký số, đồng thời vẫn đảm bảo tính toàn vẹn, tính xác thực và tính chống chối bỏ của dữ liệu khi được ký số, giúp đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.

"Thái Nguyên đặt mục tiêu chuyển đổi số nhanh và bền vững. Tỉnh sẵn sàng làm cơ sở thí điểm triển khai các giải pháp công nghệ mới. Đây có thể xem là kênh mở rất mới cho tất cả các doanh nghiệp chuyên giải pháp công nghệ", ông Hòa nêu rõ.

Ông Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cho biết, với việc tích hợp giải pháp ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công tỉnh Thái Nguyên, người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng chính chiếc điện thoại di động sử dụng hàng ngày để ký số, mang lại thay đổi căn bản, thuận lợi cho người dùng.

“Chúng tôi kỳ vọng việc triển khai dịch vụ ký số từ xa rộng rãi sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, trong đó tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%. Việc tích hợp chữ ký số từ xa trên hệ thống công của Thái Nguyên sẽ là hình mẫu để nhân rộng ra các địa phương khác”, ông Ngô Tuấn Anh nói.

Cũng tại sự kiện, các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cũng thực hiện ký kết bản ghi nhớ đối với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên, để cung cấp cho người dân sử dụng dịch vụ miễn phí trong thời gian 6 tháng…

Với thỏa thuận này, người dân Thái Nguyên có cơ hội trải nghiệm giải pháp ký số từ xa để thực hiện các giao dịch điện tử, nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, tăng tính tiện ích và cải thiện lòng tin khi tham gia giao dịch điện tử./.

Bài liên quan
Thái Nguyên lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu của chuyển đổi số
Theo biểu đồ xếp hạng chỉ số tổng hợp về chuyển đổi số mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Thái Nguyên hiện đang đứng ở vị trí thứ 8 trong 63 tỉnh thành.
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu nhậm chức: Giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong Đảng
Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh tiếp tục giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
  • Kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo tăng trưởng cao trong 2024 và 2025
    Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 được đánh giá tiếp tục phục hồi. Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đã nâng dự đoán tăng trưởng GDP 2024 của Việt Nam so với trước đó.
  • Đề xuất Nhà nước độc quyền đầu tư và phát triển điện hạt nhân
    Theo dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
  • Tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường
    Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, quê ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Ông có trình độ chuyên môn là Cử nhân Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước. VOV xin trân trọng giới thiệu tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường.
Mới nhất