Với luật vừa được thông qua, mặt hàng phân bón được đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với mức thuế suất 5%. Đây là một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại kỳ họp lần này.
Sáng cùng ngày, Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến dự thảo luật, trong đó có việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT.
Kết quả lấy phiếu xin ý kiến cho thấy có 234 đại biểu Quốc hội (chiếm 72,67% tổng số đại biểu cho ý kiến) tán thành quy định đưa phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản quay lại diện chịu thuế VAT 5%.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật do ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, trình bày nêu rõ đề xuất đưa phân bón vào diện áp dụng thuế suất VAT 0% (hoặc 1%, 2%) sẽ bảo đảm lợi ích cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu vì phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước đều sẽ được hoàn số thuế VAT đầu vào đã nộp và không phải nộp thuế VAT đối với phân bón khi bán ra.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, hằng năm ngân sách Nhà nước (NSNN) sẽ phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để hoàn thuế GTGT đầu vào cho các doanh nghiệp. Ngoài yếu tố bất cập đối với NSNN, việc áp dụng thuế suất 0% đối với phân bón là trái với với nguyên tắc, thông lệ của thuế VAT là thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, không áp dụng với tiêu dùng trong nước. Việc áp dụng theo hướng này sẽ phá vỡ tính trung lập của chính sách thuế, tạo tiền lệ xấu và không công bằng với các ngành sản xuất khác.
Về ý kiến cho rằng "áp dụng thuế VAT 5% làm tăng giá phân bón", Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết các chuyên gia đã tính toán đối với phương án chuyển phân bón sang áp dụng thuế suất 5%, thì giá phân Urê, DAP và lân sản xuất trong nước có dư địa giảm.
Theo cấu trúc thị trường phân bón hiện tại (tiêu thụ phân bón sản xuất trong nước chiếm trên 70%, tiêu thụ phân bón nhập khẩu chiếm dưới 30%), sẽ cho phép doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước dẫn dắt điều chỉnh mặt bằng giá thị trường phân bón.
Với chính sách áp dụng thuế suất thuế VAT 5% đối với phân bón, giá thành phân bón sản xuất trong nước giảm, giá bán phân bón sản xuất trong nước có dư địa giảm, sẽ tạo tác động dẫn đến các nhà nhập khẩu phân bón cũng sẽ phải giảm giá bán phân bón nhập khẩu theo mặt bằng giá thị trường, đem lại lợi ích lớn cho bà con nông dân.
Về khả năng doanh nghiệp lợi dụng chính sách làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá phân bón trên thị trường như lo ngại của một số đại biểu Quốc hội, UBTVQH cho rằng hoàn toàn có cơ sở. Song hiện nay, phân bón là mặt hàng thuộc diện Nhà nước bình ổn giá. Vì vậy, nếu thị trường có dấu hiệu bất ổn, các cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Quản lý giá, như kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về các yếu tố hình thành giá, kiểm soát hàng tồn kho, đánh giá cung cầu,... để xác định nguyên nhân xem có yếu tố trục lợi hay không để áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.
Về ý kiến cho rằng áp dụng thuế VAT 5% phân bón, NSNN được tăng thêm 1.500 tỉ đồng và người nông dân phải gánh chịu, UBTVQH nhấn mạnh nếu áp dụng thuế suất 5% thì các đơn vị nhập khẩu phân bón sẽ phải nộp vào NSNN là 1.500 tỉ đồng thuế VAT từ khâu nhập khẩu.
Tuy nhiên, kim ngạch phân bón nhập khẩu sẽ có xu thế giảm do áp dụng thuế VAT 5% dẫn đến số thu thực tế vào NSNN (nếu có) cũng sẽ thấp hơn con số 1.500 tỉ đồng. Ngoài ra, số thuế VAT thu được từ phân bón nhập khẩu sẽ còn phải được bù trừ với phần thuế VAT sẽ còn phải hoàn cho doanh nghiệp trong nước nên tác động tăng thu NSNN do áp dụng thuế VAT 5% là không đáng kể và nếu có thì cũng sẽ thấp hơn nhiều so với con số 1.500 tỉ đồng.
Về tác động thực tế đối với người nông dân, UBTVQH cho rằng người nông dân có thể lựa chọn mua phân bón sản xuất trong nước có giá rẻ hơn thay vì mua phân bón nhập khẩu. Bên cạnh đó, các đơn vị nhập khẩu sẽ phải cân đối giá bán một cách hài hòa với mặt bằng chung trên thị trường trong nước để bảo đảm khả năng tiêu thụ.
Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.