Ngộ độc methanol do uống cồn sát khuẩn - lời cảnh tỉnh cho những ai nghiện rượu

Hà An | 24/01/2025, 20:13

Bệnh nhân T.V.T (66 tuổi) được chẩn đoán ngộ độc methanol biến chứng hôn mê, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thận cấp.

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn đã tiếp nhận và điều trị một trường hợp ngộ độc methanol nghiêm trọng. Bệnh nhân là ông T.V.T (66 tuổi), có thói quen uống rượu thường xuyên.

Theo lời kể của người nhà, vào chiều 29/12/2024, sau khi uống nhầm khoảng 500ml cồn sát khuẩn, ông T có biểu hiện mệt và nôn ói nhiều. Đến trưa ngày 31/12, người nhà phát hiện bệnh nhân hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng nên đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn.

Dựa vào kết quả xét nghiệm: PH 6.9; PCO2 1.4mm/Hg; HCO3 5.5mmol/l; BE -28mmol/l; chức năng thận giảm, bệnh nhân T được chẩn đoán: Ngộ độc Methanol biến chứng hôn mê, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thận cấp.

Bệnh nhân sau đó được các bác sĩ tại bệnh viện nhanh chóng đặt ống nội khí quản, thở máy và tiến hành bơm rượu Ethanol qua Sonde dạ dày kết hợp với lọc máu để loại bỏ Methanol và chất độc chuyển hóa ra khỏi cơ thể.

BS.CKI Huỳnh Phước Hưng, BVĐK Tâm Trí Sài Gòn đang tiến hành điều trị cho bệnh nhân T.V.T
BS.CKI Huỳnh Phước Hưng, BVĐK Tâm Trí Sài Gòn đang tiến hành điều trị cho bệnh nhân T.V.T

Sau 24 giờ điều trị tích cực, tri giác bệnh nhân cải thiện dần, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, bệnh nhân được rút nội khí quản và được chỉ định xuất viện sau đó 1 ngày.

Bệnh nhân T.V.T tỉnh lại sau 24 giờ điều trị.
Bệnh nhân T.V.T tỉnh lại sau 24 giờ điều trị.

Vậy Methanol là gì? Tại sao methanol lại nguy hiểm?

Methanol còn được biết đến với tên gọi cồn công nghiệp, là một hợp chất hóa học có công thức phân tử CH3OH hay CH4O. Nó được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp, từ sản xuất nhiên liệu đến làm dung môi trong nhiều quy trình hóa học.

Bản thân methanol có độc tính nhẹ nhưng những chất chuyển hoá của nó lại có độc tính rất cao. Khi vào cơ thể, methanol được chuyển hóa bởi enzyme alcohol dehydrogenase thành formaldehyde và sau đó thành axit formic, cả hai chất này đều cực kỳ độc.

Axit fomic tích tụ trong cơ thể có thể gây:

- Tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến mù lòa.

- Tổn thương não, gan và thận.

- Toan chuyển hóa, gây suy đa cơ quan và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bệnh nhân bị ngộ độc cồn.
Bệnh nhân bị ngộ độc cồn.

Trong những ngày cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ rượu bia gia tăng cũng là thời điểm số lượng các ca ngộ độc rượu, ngộ độc rượu chứa methanol tăng cao. Để ngăn ngừa tình trạng này, BS.Lê Trung Tuấn - Phụ trách khoa Hồi sức Cấp cứu BVĐK Tâm Trí Sài Gòn - khuyến nghị:

- Không để chung các chế phẩm cồn với thực phẩm, đồ uống.

- Không uống rượu không rõ nguồn gốc.

- Không uống rượu khi đang đói, đang mệt, đang uống thuốc điều trị.

- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

Sự việc là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người nghiện rượu và có thói quen sử dụng rượu bừa bãi. Hãy luôn cảnh giác với các chế phẩm chứa methanol, không lạm dụng bia rượu, đặc biệt trong dịp Lễ Tết. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc, hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Hà An
Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư: Hội nghị Trung ương bàn 5 nội dung, trọng tâm là sắp xếp bộ máy
Chiều 23/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng khai mạc trọng thể Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và có bài phát biểu khai mạc quan trọng tại hội nghị. VOV trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Mới nhất