Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản phản hồi UBND tỉnh Thái Nguyên liên quan đến kiến nghị đầu tư mở rộng đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên từ 4 làn xe lên 6 làn xe.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường Cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên (CT.07) có chiều dài 66km, quy mô 6 làn xe. Hiện nay, tuyến cao tốc đã được đầu tư quy mô 4 làn xe, đưa vào khai thác từ tháng 1/2014.
Nhìn nhận dự án hiện nay đã đưa vào khai thác 10 năm, lưu lượng xe trên tuyến tăng, nên việc nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến Cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên là cần thiết, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng do kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 phân bổ cho bộ chỉ đủ cân đối đầu tư các tuyến cao tốc xây dựng mới, một số dự án cấp bách, nên chưa thể nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên như kiến nghị của Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền để đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên khi có điều kiện phù hợp về nguồn vốn.
Về việc đầu tư tuyến Cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo số 29/TB-VPCP ngày 15/2/2023, số 63/TB-VPCP ngày 2/3/2023 yêu cầu “không đầu tư đường cao tốc 2 làn xe…", Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 180/QĐ-BGTVT ngày 27/2/2024, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư là 5.751 tỷ đồng, dự kiến khởi công dự án năm 2024, hoàn thành năm 2026.
Liên quan đến bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Thái Nguyên-Bắc Kạn, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021, đến năm 2030 chưa quy hoạch tuyến đường sắt Thái Nguyên-Bắc Kạn, đến năm 2050 sẽ từng bước quy hoạch, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối vùng trong đó có tuyến đường sắt Thái Nguyên-Tuyên Quang-Yên Bái với chiều dài khoảng 73km, khổ 1.435 mm.
“Mặt khác, điều kiện tự nhiên khu vực Thái Nguyên-Bắc Kạn có địa hình phức tạp, đèo dốc nên việc đầu tư, khai thác các tuyến đường sắt không thuận lợi, kinh phí đầu tư lớn. Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp nên mới chỉ ưu tiên nghiên cứu tuyến đường sắt kết nối đến Thái Nguyên”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Trong quá trình rà soát quy hoạch theo quy định, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu tính toán, quy hoạch các tuyến đường sắt bảo đảm phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và vùng Trung du, miền núi phía Bắc.