Thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM chiều 29/5, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) góp ý về cơ chế thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu, với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; Thành phố cũng được thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng BT và thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố...
Tuy nhiên đối với các dự án PPP, Đại biểu cho rằng, theo luật, hợp đồng PPP chỉ cho phép tỷ lệ nhà nước đầu tư dưới 50%. Song hiện nay một số nhà nhà đầu tư phản hồi, nếu thực hiện như vậy nhà đầu không đủ khả năng hùn vốn với Nhà nước để đầu tư theo tỷ lệ 50:50, vì phần lớn nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng, và với số vốn lớn như vậy khó có ngân hàng nào dám tung vốn ra cho nhà đầu tư vay.
“Nếu nhà nước mở cơ chế mới cho đầu tư tới gần 70% ngân sách, nhà đầu tư chỉ 30% thì TP.HCM sẽ thực hiện dự án PPP đạt được hiệu quả cao. Các dự án BT qua quá trình thực hiện thực tế phát sinh nhiều tiêu cực, nếu TP.HCM vẫn tiếp tục đề xuất thực hiện sẽ phải rất cảnh giác và chủ động, không để rơi vào “vết xe đổ” trước đây”, Đại biểu Hòa thẳng thắn.
Nêu ý kiến trong lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường, Đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất theo đề xuất của TP.HCM, đó là các dự án nhà ở thương mại sau khi hoàn thành đều phải trích 20% diện tích dành cho xây dựng nhà ở xã hội.
Lý do được đại biểu nêu ra là đất đai tại TP.HCM thuộc loại đắc địa có giá rất cao, nếu trích 20% diện tích lại cho nhà ở xã hội, kể cả khi xây xong những người có nhu cầu nhà ở loại này chắc chắn không đủ tiền mua. Do vậy, cần thiết cho phép TP.HCM có cơ chế đặc thù linh động, tùy theo điều kiện thực tiễn của mỗi dự án mới trích lại đất theo tỷ lệ quy định, không nhất thiết phải là 20%.
Không đồng tình với đề xuất giao cho HĐND thành phố quyết định cơ cấu, số lượng công chức viên chức, lượng chức danh, chế độ chính sách cho người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn,… đại biểu Phạm Văn Hòa góp ý mô hình tổ chức bộ máy tổ chức cần có quy định cứng, không giao cho thành phố tự quyết định cơ cấu chính sách và nhân sự cấp chính quyền, cấp cơ sở.
Nghị quyết chi tiết cụ thể mới dễ triển khai
Thời gian qua, các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế phát triển đã thúc đẩy các địa phương có thế mạnh phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng, chia sẻ lợi ích cho các vùng ít có lợi thế hơn. Đặt trong bối cảnh hiện nay và quá trình phát triển, có nhiều cơ chế chung sẽ không phù hợp với bối cảnh cụ thể của TP.HCM.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết lại là vấn đề được Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) quan tâm, mong muốn Chính phủ nên tập trung nhiều công sức hơn cho việc tổ chức triển khai nghị quyết này. Kinh nghiệm được rút ra từ Nghị quyết 54 của TP.HCM trước đây dù được ban hành nhưng mất rất nhiều thời gian để tổ chức triển khai thực hiện. Chính vì thế Nghị quyết phát triển TP.HCM lần này cần được gia cố, cụ thể và chi tiết hơn và khác so với trước đây.
“Nghị quyết càng chi tiết càng cụ thể chắc chắn khâu tổ chức triển khai sẽ được rút ngắn. Các cơ chế trong Nghị quyết nên gắn với những địa chỉ công việc cụ thể, thậm chí phải tính đến các nguồn lực, tránh những cơ chế chung chung sẽ không đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết đề ra”, Đại biểu Phan Đức Hiếu góp ý.
Đi vào các vấn đề cụ thể, Đại biểu Phan Đức Hiếu quan ngại việc TP.HCM có một số cơ chế huy động nguồn lực trực tiếp từ người dân, ví dụ như vấn đề phí và lệ phí; vấn đề về thu phí đối với DN trong việc nâng cấp hạ tầng. Theo đại biểu, cơ chế này đã có trong Nghị quyết 54 nhưng chưa bao giờ được hiện thực hóa tại TP.HCM, bởi việc thu phí trực tiếp từ người dân sẽ làm tổn hao nguồn lực, gây tác động tâm lý rất lớn, làm gia tăng chi phí của người dân và DN trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
“Nếu thành phố tiếp tục duy cơ chế này phải thu hẹp phạm vi và phải có cơ chế, nguyên tắc ràng buộc để tránh làm gia tăng các chi phí cho đời sống người dân cũng như DN, đặc biệt trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay”, Đại biểu lưu ý.
Quan tâm đến lĩnh vực đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Đại biểu Hà Thị Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề xuất Nghị quyết nên thống nhất việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, với những lý do đã được nêu và giải trình trong báo cáo giải trình. Cơ sở thực tế cho đề xuất này chính là trong thời gian 6 năm vừa qua, TP.HCM đã thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm từ tháng 6/2017 hoạt động hết sức hiệu quả. Hoạt động của Ban quản lý này đã có những đóng góp rất tích cực cho đời sống xã hội trong việc thực hiện các chính sách an sinh, đảm bảo duy trì an toàn thực phẩm đối với một đô thị rất đông dân như TP.HCM./.