Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng phim nên có hai bản gốc, bởi nếu chỉ có một bản gốc thì bản gốc đó sẽ không bao giờ được trình chiếu và sẽ mãi mãi nằm trong kho vì sợ bị hư hỏng.
Mâu thuẫn khó giải quyết
Mâu thuẫn giữa tổng cty vận tải thủy (Vivaso) và nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam bắt đầu sau 2 tháng cổ phần hóa. Nghệ sĩ thất vọng vì Vivaso phá vỡ cam kết ban đầu về tiền lương, tạo việc làm cho nghệ sĩ.
Thời điểm đó, đại diện Vivaso cho rằng cách làm việc của các nghệ sĩ ở hãng phim khác xa doanh nghiệp và doanh nghiệp chỉ trả lương cho những người đi làm.
"Nghệ sĩ ở hãng phim có người quanh năm không thấy mặt, không làm gì, vẫn đòi nhận lương. Thậm chí, có người nhận lương ở hãng phim, nhưng lại đi làm ngoài, đi làm thêm cho các đoàn phim ở cơ quan khác”, đại diện Vivaso nêu.
Người đứng đầu Vivaso cho biết việc cơ cấu lại và chuyển đổi cách thức làm việc từ một cơ quan Nhà nước sang cách thức làm việc của một doanh nghiệp sẽ có nhiều thay đổi, nhưng trong suốt quá trình đó, họ không nhận được sự hợp tác, lắng nghe từ giới nghệ sĩ.
Không chỉ dừng lại ở câu chuyện nợ lương, các nghệ sĩ cho rằng Vivaso đang phá hủy di sản điện ảnh của hãng khi không thể bảo quản hàng trăm tác phẩm điện ảnh do các thế hệ nghệ sĩ hãng phim sản xuất.
300 cuộn phim bị hỏng trong kho của Hãng phim truyện Việt Nam như “giọt nước tràn ly” khiến mối quan hệ giữa tổng cty vận tải thủy (Vivaso) và nghệ sĩ hãng phim trở nên ngày càng gay gắt.
Mâu thuẫn nhiều năm qua cho thấy hai bên luôn có sự đối lập trong cách nhìn nhận vấn đề. Cả hai hoàn toàn không thể tìm được tiếng nói chung, đặc biệt liên quan đến 300 cuộn phim bị hỏng trong kho hãng phim truyện Việt Nam.
Đối với nghệ sĩ, 300 cuộn phim đó được coi là máu, mồ hôi, nước mắt, công sức của biết bao thế hệ các nhà làm phim. Còn trong mắt đại diện Vivaso, những cuộn phim này vốn đã được lưu trữ ở Viện phim Việt Nam ở 2 bản (âm bản, dương bản), vì vậy, việc lưu trữ những bộ phim này ở hãng phim là lãng phí, không cần thiết.
"Hiện nay, không có nơi nào còn sử dụng máy chiếu phim nhựa, vì thế những phim nhựa này không còn được sử dụng nữa. Tại sao chúng tôi lại phải bỏ ra nhiều tiền, cơ sở vật chất lẫn con người để lưu trữ những phim này, trong khi bản gốc đã có ở Viện phim? Đây thực sự là một sự lãng phí vì nó chỉ là tài sản thông thường để khai thác, không phải di sản hay tài liệu quý của Nhà nước cần bảo tồn", ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Vivaso từng nói.
Nhiều nghệ sĩ lên tiếng phản đối bởi quy mô lưu trữ của Viện phim còn hạn chế. Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải nhấn mạnh trong tình trạng hiện nay, khi bản phim gốc đã bị hỏng, rất khó để nghệ sĩ mượn phim để chiếu ở các Liên hoan phim.
"Tôi cho rằng nên có hai bản gốc. Nếu chỉ có một bản gốc thì bản gốc đó sẽ không bao giờ được trình chiếu và sẽ mãi mãi nằm trong kho vì sợ bị hư hỏng”, NSƯT Bùi Trung Hải nêu.
Thế giới vẫn chuộng phim nhựa
Trước thông tin từ Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) Vi Kiến Thành rằng Viện phim Việt Nam lưu trữ đầy đủ 2 bản phim (cả âm bản, dương bản) cho mỗi tác phẩm, NSƯT Bùi Trung Hải khẳng định việc lưu trữ phim ở Viện Phim Việt Nam hoàn toàn không liên quan đến việc phim bị hỏng ở Hãng phim truyện Việt Nam.
"Kể cả khi ở Viện phim có một bản gốc, 300 bản phim của hãng phim vẫn giữ nguyên giá trị. Nó có thể thay thế, bổ sung cho bản phim còn lại ở Viện phim trong trường hợp có những hỏng hóc như thiếu tiếng, thiếu hình... Đó là những đảm bảo duy nhất còn lại để tránh trường hợp những bộ phim, di sản điện ảnh vĩnh viễn mất đi", NSƯT Bùi Trung Hải giải thích.
Thực tế, tại Mỹ phim nhựa vẫn được các đạo diễn, nhà sản xuất ưa chuộng. Bằng chứng là trong những phim lọt vào vòng đề cử giải thưởng Oscar năm 2020 có đến 52% phim quay bằng phim nhựa còn phim kỹ thuật số chiếm 48%.
Mới đây, trong danh sách đề cử giải Quả cầu vàng 2024 có rất nhiều bộ phim được quay bằng phim nhựa như Oppenheimer, Killers of the flower moon, Maestro, Poor things, Past lives… Không chỉ được đề cử mà phim Oppenheimer còn thắng nhiều giải lớn.
Nhà quay phim, nhiếp ảnh gia, NSƯT Phạm Thanh Hà khẳng định chất lượng hình ảnh của phim nhựa vẫn là đích để hình ảnh số hóa phấn đấu. Chất liệu phim nhựa cho phép tái hiện được tới 800 triệu màu sắc so với 17 triệu của khuôn hình video chuẩn điện ảnh.
"Hình ảnh quay bằng máy quay kỹ thuật số chuẩn điện ảnh 24P của Sony có tỷ lệ tương phản tối đa 150:1, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 1000:1 của phim nhựa. Như vậy hình ảnh phim nhựa chuyển đổi trung thành hơn từ màu này qua màu khác, từ độ chói này qua độ chói khác", NSƯT Phạm Thanh Hà nêu.
Để bảo tồn và lưu trữ hình ảnh động, phim nhựa vẫn là sự lựa chọn hàng đầu. "Phương thức ghi hình bằng chất liệu phim nhựa và làm hậu kỳ bằng công nghệ kỹ thuật số là giải pháp tối ưu nhất đối với công nghiệp sản xuất phim điện ảnh hiện nay", NSƯT Phạm Thanh Hà khẳng định.
Sau khi khảo sát trực tiếp, đoàn công tác Bộ Văn hóa, Thể thao và Văn hóa (VHTTDL) nhận thấy kho lưu trữ phim đã xuống cấp trầm trọng, không đủ tiêu chuẩn để lưu trữ, các bản phim không thể sử dụng do không được kiểm tra, bảo dưỡng trong một thời gian dài.
"Các bộ phim trong kho phim bị hư hỏng thuộc trách nhiệm của công ty. Công ty phải để xuất phương án khắc phục báo cáo Bộ VHTTDL và trả lời cho tập thể nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên của công ty biết", đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL nêu rõ.