Ngân hàng Nhà nước trình phương án tăng vốn điều lệ cho Big 4

23/10/2023, 19:21

Ngân hàng Nhà nước vừa trình phương án tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.

Trong báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và hoạt động ngân hàng năm 2023, định hướng năm 2024 được Ngân hàng Nhà nước đã ban hành ngày 23/10, cơ quan này trình phương án tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.

Phần lớn các ngân hàng đã gửi phương án cơ cấu

Theo báo cáo, nhằm góp phần nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã có Tờ trình trình Thủ tướng quyết định Phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn Nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.

Phần lớn các ngân hàng đã gửi phương án cơ cấu và xử lý nợ xấu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phần lớn các ngân hàng đã gửi phương án cơ cấu và xử lý nợ xấu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn xin ý kiến Bộ Tài chính về Dự thảo Tờ trình Thủ tướng và Quyết định của Thủ tướng về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Vietinbank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009-2016 và năm 2021.

Đơn vị đang dự thảo văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành về dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Tờ trình Quốc hội đối với phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay phần lớn các tổ chức tín dụng đã gửi phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (4 ngân hàng thương mại Nhà nước, 11 tổ chức tín dụng nước ngoài, 22 ngân hàng thương mại cổ phần, 20 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 4 tổ chức tài chính vi mô) để cơ quan này có ý kiến/phê duyệt theo thẩm quyền.

Các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các tổ chức tín dụng cả về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại Nhà nước đã và đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro...

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn đẩy mạnh cơ cấu lại mạng lưới kênh phân phối, trong đó ưu tiên phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn theo các định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; cơ cấu lại hoạt động kinh doanh theo hướng lành mạnh, hiệu quả; phát triển dịch vụ ngân hàng mới, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin; thường xuyên thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống quản trị rủi ro, kiểm soát, kiểm toán nội bộ và rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy.

Agribank là một trong 4 ngân hàng đang được Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phương án tăng vốn điều lệ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Agribank là một trong 4 ngân hàng đang được Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phương án tăng vốn điều lệ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh.

Các ngân hàng đã tích cực mở rộng quy mô, đẩy mạnh tín dụng, huy động vốn, cải thiện khả năng chi trả và các chỉ số an toàn, lành mạnh tài chính; nợ xấu được các ngân hàng tập trung xử lý và tăng cường các biện pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; thực hiện cơ cấu lại hoạt động theo hướng an toàn, lành mạnh hơn, kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản.

Khối này cũng đẩy mạnh phát triển và đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng, trong đó tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng truyền thống và phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại (dịch vụ thanh toán, ngoại hối, đầu tư, quản lý tài sản, quản lý rủi ro cho khách hàng...).

Hạn chế nợ xấu phát sinh

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai các biện pháp tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Ngành cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tích cực triển khai các biện pháp để hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ nhóm 2, nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với một số lĩnh vực rủi ro; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ đối với hoạt động cấp tín dụng...; thực hiện giám sát thường xuyên tiến độ, kết quả xử lý nợ xấu của Công ty quản lý nợ của của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Ngân hàng Nhà nước cũng đã báo cáo Thủ tướng về tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó có đánh giá thực trạng nợ xấu, xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và các giải pháp, biện pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng xác định theo Nghị quyết 42, tổng nợ xấu tăng 3,42% so với cuối năm 2022. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 425.900 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của các cấp.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc là Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng (CB Bank), Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (Dong A Bank); hoàn thiện phương án xử lý Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

(Nguồn: vietnamplus)

Bài liên quan
Giá bất động sản liên tục tăng cao ngất: Có nên xây giá trần để 'ghìm cương'?
Giá bất động sản thời gian gần đây liên tục "phi mã" khiến giấc mơ an cư của nhiều người ngày càng xa vời, vậy có nên áp dụng giá trần để kiểm soát tình trạng này?

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: Chưa có chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành phố
VOVLIVE - Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định điều này tại buổi tiếp xúc với đông đảo các cử tri trên địa bàn thành phố Hưng Yên.
Mới nhất