Theo ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật học quốc gia Gamaleya của Nga, các thử nghiệm vaccine chữa ung thư vú và ung thư tuyến tuỵ có thể bắt đầu vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2026.
"Nếu nhận được số tiền tài trợ phù hợp với các thỏa thuận, chúng tôi sẽ tích cực theo đuổi nỗ lực này, song song với các nghiên cứu về bệnh ung thư khác để phát triển các mô hình vaccine bổ sung. Sau bệnh ung thư hắc tố da, chúng tôi có kế hoạch chế tạo vaccine ung thư phổi tế bào nhỏ - loại ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao nhất ở người với hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu cho các loại ung thư thận cụ thể, ung thư vú và tuyến tụy nằm trong lộ trình của chúng tôi", ông Gintsburg chia sẻ, đồng thời cho biết thêm rằng các thử nghiệm vaccine ung thư cho bệnh nhân ung thư hắc tố dự kiến bắt đầu vào tháng 9.
Ông Gintsburg đề cập rằng dựa trên tình hình tài trợ, hai hoặc ba bộ nghiên cứu mới trên động vật về các mô hình ung thư cũng sẽ được thực hiện.
"Vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, các trung tâm ung thư có thể bắt đầu thử nghiệm vaccine ung thư trên những bệnh nhân được chẩn đoán mắc các loại ung thư liên quan", ông giải thích rõ.
Trước đó, ông Gintsburg nói rằng nghiên cứu tiền lâm sàng về vaccine ung thư cho thấy hiệu quả trong việc ức chế sự phát triển của khối u. Ông nhấn mạnh rằng những người đầu tiên được tiêm vaccine ung thư trong các thử nghiệm lâm sàng là những bệnh nhân mắc bệnh ung thư hắc tố và ung thư phổi tế bào nhỏ.
Ông Andrey Kaprin, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu y khoa X quang thuộc Bộ Y tế Nga, trước đó cũng xác nhận rằng các nghiên cứu tiền lâm sàng về vaccine đã được hoàn thiện.