Khi được hỏi về khả năng Nga tham gia đàm phán sau hậu bầu cử ở Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết điều này phụ thuộc vào việc ai sẽ trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo.
Cũng theo ông Zelensky, Nga tỏ ra thận trọng trước các cam kết từ hai ứng viên đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Nếu đắc cử, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Ukraine. Tuy nhiên, bà Harris vẫn có một số cam kết khác biệt khi ủng hộ Kiev, điển hình như việc cấm Ukraine sử dụng vũ khí NATO tấn công vào lãnh thổ Nga.
Còn ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump lại nói sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine và lệnh ngừng bắn sẽ được đưa ra chỉ trong 24 giờ. Kế hoạch chấm dứt xung đột Ukraine do ứng cử viên phó tổng thống JD Vance đưa ra cũng ủng hộ mục tiêu này của ông Trump.
Các nhà phân tích nhận định, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ có nhiều thay đổi, dựa trên kết quả bầu cử nhưng điều này chưa chắc đã tạo ra bước ngoặt trong các cuộc đàm phán hòa bình. Ngoài ra Moskva không có động thái nào cho thấy sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, bất kể ai trở thành "ông chủ" Nhà Trắng.
Thomas Graham, một chuyên gia về chính sách đối ngoại về Nga cho biết: "Những gì ông Trump đưa ra chỉ là cách tạo ấn tượng và không dựa trên bất cứ cơ sở nào. Tôi không nghĩ quá trình này sẽ diễn ra nhanh như cam kết của ông Trump".
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc cắt giảm viện trợ quân sự của Mỹ rất có thể sẽ dẫn đến những thay đổi trên chiến trường.
Graham nhận định, Nga sẽ tìm cách khai thác những bất ổn chính trị ở Mỹ sau bầu cử, cũng như mối quan hệ đồng minh giữa các phương Tây.
Những bất ổn đó có thể xuất hiện dưới thời ông Trump. Điển hình như việc Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự cho các nước đồng minhh, NATO, hoặc tệ hơn là mâu thuẫn giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đối với các gói viện trợ quân sự.
"Nếu phương Tây không đoàn kết và không thể hiện chung tầm nhìn đối với xung đột Ukraine, Nga không có lý do gì để xem xét lại mục tiêu của họ trong xung đột ở thời điểm hiện tại", ông Graham nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho biết, quy mô của cuộc chiến đã trở nên quá lớn đối với một cuộc đàm phán đơn giản giữa Moskva và Kiev. Đây là rõ ràng là cuộc xung đột giữa Nga và phương Tây.
John Lough, thành viên tổ chức tư vấn Chatham House ở London lại cho rằng: "Đối với Nga, chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine chỉ là phương tiện để đạt được mục đích. Mục tiêu của Moskva là hạn chế hơn nữa ảnh hưởng của Mỹ đối với các vấn đề quốc tế".