Nga tích lũy ngày càng nhiều lợi thế
Theo The Economist, lần đầu tiên kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như ở vị thế có thể giành chiến thắng. Nền kinh tế Nga được đặt trong chế độ thời chiến và năng lực quốc phòng không ngừng được nâng cao. Moscow cũng tăng cường hợp tác với các nước như Iran và Triều Tiên. Trong khi đó, sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine đang giảm dần và Kiev đứng trước nhiều sức ép cả trên mặt trận quân sự, chính trị và kinh tế.
The Economist cho rằng những gì Moscow giành được không chỉ là lãnh thổ mà còn khẳng định ưu thế về khả năng chống chịu. Theo đó, Nga không chỉ đối phó hiệu quả với cuộc phản công của Ukraine mà còn có khả năng chống đỡ trước đòn trừng phạt dồn dập của phương Tây.
Quân đội hai nước đang ở vị thế mà không bên nào có thể đánh bật bên còn lại khỏi các vùng lãnh thổ họ đang kiểm soát. Cuộc phản công của Ukraine đã chững lại. Nga tăng cường tấn công nhưng cũng đối mặt tổn thất trong cuộc giao tranh ác liệt giành Avdiivka - một thành phố có tầm chiến lược quan trọng và là cửa ngõ vào Donbass. Đây là một cuộc chiến của các bên phòng thủ, có thể kéo dài nhiều năm.
Tuy nhiên, tình hình chiến trường đang định hình cả những diễn biến chính trị. Đà tiến công sẽ ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu. Nếu Ukraine ngừng chiến đấu, tiếng nói bất mãn ở Kiev sẽ ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, phương Tây sẽ đặt câu hỏi liệu việc họ cung cấp tiền và vũ khí cho Ukraine có phải sự lãng phí hay không. Năm 2024, ít nhất thì Nga sẽ ở vị trí chiến đấu mạnh hơn bởi nước này sở hữu nhiều UAV và đạn pháo. Bên cạnh đó, quân đội Nga đã phát triển thành công các chiến thuật tác chiến điện tử nhằm đối phó với các vũ khí của Ukraine.
Theo Business Insider, để đối phó với mối đe dọa từ các UAV phát nổ của Ukraine, Nga dường như đã gắn các thiết bị gây nhiễu lên xe tăng và các phương tiện chiến đấu của mình. Động thái này là minh chứng gần đây cho tác chiến điện tử đang được sử dụng thế nào trên chiến trường Ukraine. Cả hai bên đều tăng cường các biện pháp phòng thủ để bảo vệ quân đội trước UAV, phương tiện hiện đã trở thành mối đe dọa lớn khi nó có thể săn lùng xe tăng, xe bọc thép, xe tải, các đơn vị bộ binh và thậm chí các binh lính đơn lẻ. Cùng với những nỗ lực triển khai các hệ thống tác chiến điện tử, quân đội hai bên cũng đẩy mạnh phát triển UAV có khả năng chống chịu trước các thiết bị gây nhiễu.
Phương Tây cho rằng sự hỗ trợ nước ngoài ngày càng gia tăng có thể giải thích phần nào cho lợi thế của Nga trên chiến trường. Họ cho rằng Moscow đã nhận được UAV từ Iran và đạn pháo từ Triều Tiên. Ở một diễn biến khác, kế hoạch của phương Tây nhằm hạn chế doanh thu dầu mỏ của Nga bằng cách áp giá trần dầu thô 60USD/thùng đã thất bại bởi một cấu trúc thương mại song song xuất hiện ngoài phương Tây. Giá dầu thô Urals của Nga hiện là 64 USD/thùng, tăng gần 10% kể từ đầu năm 2023.
Bất lợi gia tăng cho Ukraine
Tại Ukraine, bầu không khí có vẻ ảm đạm. Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy các vụ bê bối tham nhũng của một số quan chức và lo ngại về tương lai Ukraine đã ảnh hưởng đến hình ảnh của Tổng thống Zelensky trong mắt các cử tri.
Các chính phủ phương Tây tuyên bố họ sẽ sát cánh với Kiev lâu nhất có thể. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát trên thế giới cho thấy nhiều ý kiến đã bày tỏ hoài nghi về cam kết đó. Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đang chật vật để thuyết phục Quốc hội thông qua gói ngân sách trị giá 60 tỷ USD. Cuộc bầu cử tổng thống năm sau ở Mỹ cũng sẽ sớm diễn ra. Nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, Washington có thể sẽ dừng hỗ trợ vũ khí cho Kiev.
Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, ông Trump nhiều lần tuyên bố chiến sự Nga - Ukraine sẽ không xảy ra nếu ông vẫn còn là tổng thống và ông sẽ chấm dứt xung đột trong 1 ngày nếu tái đắc cử vào năm 2024.
Châu Âu lẽ ra cần chuẩn bị cho khả năng lấp đầy khoảng trống Mỹ để lại nhằm duy trì sự hỗ trợ liên tục cho Ukraine, song các nhà lãnh đạo EU cũng đang ở tình thế không khác Tổng thống Biden là bao. EU cam kết hỗ trợ Ukraine 50 tỷ euro (56 tỷ USD) nhưng số tiền này đang bị trì hoãn bởi lập trường phản đối của Hungary.
Gần đây, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, chiến lược của EU trong cuộc xung đột ở Ukraine đã thất bại, Nga không thể bị đánh bại và vì vậy EU phải chuyển sang kế hoạch hành động mới.
Theo ông Orban, thay vì xem lại chiến lược, Brussels lại đề xuất tiếp tục hỗ trợ quân sự và tài chính cho Kiev. Ông nhận định, “sẽ thật vô nghĩa nếu chỉ đơn giản gửi tiền cho Ukraine. Điều đó sẽ không đến đâu". Ông Orban nhấn mạnh, cách duy nhất để "chấm dứt thương vong vô nghĩa" là ngay lập tức ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình để đạt được thỏa thuận cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Séc Jana Cernochova hồi cuối tháng 11 cũng thông báo kho vũ khí của Cộng hòa Séc không còn nhiều để có thể gửi cho Kiev. Thông báo trên được đưa ra sau khi chính phủ mới ở nước láng giềng Slovakia ngăn chặn kế hoạch của người tiền nhiệm về việc cung cấp 40,3 triệu euro (43 triệu USD) vũ khí, đạn dược cho Kiev và Đức đối mặt với cuộc khủng hoảng ngân sách chưa từng có.
Trong khi đó, đánh giá tình báo phương Tây cảnh báo, các lực lượng của Ukraine đang đối mặt với một mùa đông cam go và một năm khó khăn phía trước. Trong tương lai gần, các cơ quan tình báo phương Tây dự báo Nga sẽ mở rộng tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng của Kiev. Tiến triển trên chiến trường đã chậm lại trong những tuần gần đây với việc các lực lượng của Ukraine chỉ tiến được một vài km tại một số khu vực. Tiền tuyến được dự báo sẽ khó có khả năng thay đổi nhiều trong những tháng tới.
Một vấn đề cản trở cuộc phản công của Ukraine là thiếu phương tiện trên không để hỗ trợ các chiến dịch mặt đất. Tiêm kích F-16 mà NATO cam kết hỗ trợ chưa thể đến tay Kiev sớm và không đủ về số lượng để thay đổi tình hình chiến trường.
Giới tình báo phương Tây cũng cảnh báo giao tranh chững lại trong năm 2024 sẽ khiến xung đột "đóng băng" và mang lại lợi thế lợi cho Nga.