Một số bài thuốc chữa bệnh từ quả khế bạn nên biết

Nguyễn Ngoan | 23/05/2024, 16:24

VOVLIVE - Khế là loại quả quen thuộc trong cuộc sống, không chỉ là loại quả để ăn mà nó còn có tác dụng chữa bệnh.

BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, khế là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tốt, giàu chất chống oxy hóa tự nhiên như vitamin C, β-carotene và axit galic. Hơn nữa, khế là nguồn cung cấp magie, sắt, kẽm, mangan, kali và phốt pho dồi dào. Khế cũng chứa lượng chất xơ cao và lượng calo thấp có thể hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu.

Theo y học cổ truyền Việt Nam, quả khế vị chua và ngọt, tính bình có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, làm long đờm và tiết nước bọt. Rễ khế vị chua và chát, tính bình tác dụng trừ phong thấp, giảm đau. Thân và lá khế vị chua và chát, tính bình tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu. Hoa kế vị ngọt, tính bình tác dụng trừ sốt rét.

Quả khế trị ho, đau họng, lách to sinh sốt. Rễ khế trị đau khớp, đau đầu mạn tính. Thân và lá khế trị sổ mũi, viêm dạ dày ruột, giảm niệu, mụn nhọt và viêm mủ da. Hoa khế trị sốt rét, chứng thận hư, kém tinh khí, ho khan, ho đờm, kiết lỵ. Vỏ cây khế chữa ho, trẻ em lên sởi.

Lợi ích của khế đối với sức khoẻ.
Lợi ích của khế đối với sức khoẻ.

Một số bài thuốc từ khế

Trị ho và đau họng: Quả khế tươi khoảng 100-150g ép nước uống trong 3-5 ngày.

Chữa tiểu tiện không thông: Theo Nam dược thần hiệu, lấy khế 7 quả, mỗi quả lấy 1/3 quả chỗ gần cuống sắc với 600ml nước để còn 300 ml, uống lúc ấm nóng. Kết hợp 1 quả khế giã nát với 1 củ tỏi đắp lên rốn, dùng liên tục 3-5 ngày.

Trị cảm cúm (sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau mình mẩy): Khế 3 quả nướng sau vắt lấy nước cốt hòa cùng 50 ml rượu trắng và uống chia 1 hoặc 2 lần, làm trong 3 ngày, không uống khi quá no hoặc đói.

Chữa ho khan, ho có đờm: Hoa khế (sao với nước gừng) 12g, cam thảo nam 12g, tía tô 10g, kinh giới 10g, gừng tươi 3 lát. Nấu 750 ml nước, còn 300 ml, chia 2 lần uống trước ăn.

Không nên ăn khế khi đói
Không nên ăn khế khi đói

Chữa cảm nắng: Lá khế bánh tẻ tươi 100g, lá chanh tươi 40g, rửa sạch, giã vắt lấy nước uống. Bã đắp vào thái dương và gan bàn chân. Hoặc lấy một quả khế già chưa chín, nướng qua, sắc nước uống.

Chữa dị ứng, mẩn ngứa:Lấy lá khế tươi 20g nấu nước uống. 30 - 50g lá tươi nấu nước tắm.

Phòng bệnh sốt xuất huyết: Sắc lá khế 16g với sắn dây, lá dâu, lá tre, mã đề, sinh địa mỗi thứ 12g lấy nước uống hằng ngày trong thời gian địa phương có dịch bệnh sốt xuất huyết có thể chủ động đề phòng được bệnh.

Ngoài ra, vỏ thân và vỏ rễ cây khế vị chua chát, hơi ngọt, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, trừ ho, điều trị đau khớp, đau đầu mạn tính và viêm dạ dày.

Khế mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khoẻ, nhưng không nên ăn nhiều là lúc đói. Người bị bệnh về dạ dày cũng không nên ăn khế chua bởi quả khế chua có nhiều axit.

Cần tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ để sử dụng khế có lợi cho sức khỏe cũng như hạn chế độc tính từ khế.

Nguyễn Ngoan
Bài liên quan
Người dân khệ nệ mang quà quê lên Hà Nội trong cái nắng như thiêu đốt
VOVLIVE - Kết thúc kỳ nghỉ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, nhiều gia đình vác theo đồ đạc, quà quê bắt xe khách trở lại Hà Nội từ sớm nhằm tránh cảnh tắc đường.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Viêm thanh quản ở trẻ em trong mùa lạnh: Nhận diện, điều trị và phòng bệnh
Thanh quản là bộ phận tạo ra âm thanh khi nói, vì thế khi viêm thanh quản sẽ dẫn đến khàn tiếng, ho, khó thở và các triệu chứng khác, đặc biệt vào mùa đông khi thời tiết lạnh và độ ẩm cao.
Mới nhất