
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14/4 đến 15/4 theo lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường. Phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với TS. Trần Anh Tuấn - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc về sự kiện này.

PV: Thưa ông, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, ông có cảm nhận thế nào về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 14–15/4/2025 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình?
TS. Trần Anh Tuấn: Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, tôi đánh giá rất cao ý nghĩa chính trị và chiến lược sâu sắc của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước đang phát triển hết sức tích cực và có chiều sâu.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ tư của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc, cho thấy sự coi trọng đặc biệt mà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc dành cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng gần gũi và hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Điều đáng ghi nhận là chuyến thăm này diễn ra chưa đầy một năm sau chuyến thăm cấp Nhà nước rất thành công của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Trung Quốc vào tháng 8/2024. Qua đó, hai bên tiếp tục khẳng định quyết tâm triển khai hiệu quả những nhận thức chung quan trọng đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, đồng thời cụ thể hóa sáu phương hướng lớn nhằm làm sâu sắc và gắn kết hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.
Tôi cho rằng chuyến thăm lần này không chỉ là dịp để hai bên củng cố vững chắc lòng tin chính trị, tăng cường phối hợp chiến lược, mà còn góp phần mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác thực chất trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục, khoa học và giao lưu nhân dân… nhằm hướng tới xây dựng một cộng đồng hữu nghị Việt – Trung chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, vì lợi ích căn bản, lâu dài của nhân dân hai nước.

PV: Theo ông, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa như thế nào và sẽ tạo ra tác động ra sao với Năm Giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc 2025?
TS. Trần Anh Tuấn: Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra đúng thời điểm Năm Giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc 2025 đang được triển khai với nhiều hoạt động phong phú và có chiều sâu. Chính vì vậy, chuyến thăm lần này không chỉ mang ý nghĩa về mặt đối ngoại cấp cao mà còn có giá trị đặc biệt trong việc thúc đẩy nền tảng xã hội và sự gắn kết giữa nhân dân hai nước – một trong sáu trụ cột hợp tác lớn mà hai bên đã xác định trong khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Xét về phương diện văn hóa – xã hội, chuyến thăm này sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, bồi đắp tình cảm hữu nghị truyền thống được xây dựng và vun đắp bởi các thế hệ lãnh đạo tiền bối của hai Đảng, hai Nhà nước, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Thông qua chuyến thăm, hai bên có thể sẽ thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận, chương trình hành động cụ thể trong các lĩnh vực hợp tác nhân văn như giáo dục, du lịch, báo chí, xuất bản, phim ảnh, thể thao và các hoạt động hữu nghị quần chúng. Những hoạt động này sẽ góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, đặc biệt là tại các địa phương có chung đường biên giới, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân hai nước tiếp cận nhiều hơn với văn hóa, truyền thống và phong tục của nhau.
Tôi tin tưởng rằng, Năm Giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc 2025 sẽ là một dấu mốc đặc biệt trong lịch sử quan hệ song phương, không chỉ mang lại những kết quả thiết thực trong giao lưu văn hóa – xã hội mà còn tạo nên nền tảng vững chắc để phát triển bền vững tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước trong tương lai.
PV: Tuyến đường sắt Việt Nam – Trung Quốc sắp được khởi công là điểm nhấn đáng chú ý trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Cá nhân ông có cảm nhận, kỳ vọng như thế nào về tuyến đường sắt này?
TS. Trần Anh Tuấn: Việc hai bên thúc đẩy hợp tác để chuẩn bị cho khởi công tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là một dấu ấn quan trọng và rất đáng hoan nghênh. Dự án không chỉ mang giá trị kinh tế - hạ tầng đơn thuần mà còn là một biểu tượng sinh động của sự kết nối chiến lược giữa hai quốc gia láng giềng gần gũi.
Tuyến đường sắt sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho lưu thông hàng hóa, hành khách giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ đó nâng cao hiệu quả thương mại song phương, rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistic và thúc đẩy liên kết vùng giữa các khu vực cửa khẩu, vùng sâu vùng xa và các trung tâm phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh hai nước và một số quốc gia khác cùng tham gia các sáng kiến khu vực như “Hai hành lang, một vành đai” và “Vành đai và Con đường”, tuyến đường sắt này càng trở nên có ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối hạ tầng khu vực, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và liên kết kinh tế chặt chẽ hơn trong khu vực Đông Á.
Dưới góc độ của người hoạt động trong công tác đối ngoại nhân dân, tôi đánh giá rất cao giá trị trên nhiều phương diện của tuyến đường sắt này. Nó không chỉ giúp kết nối các trung tâm kinh tế, các hoạt động giao lưu văn hóa mà còn gắn kết trái tim hữu nghị giữa nhân dân hai nước, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động giao lưu, thăm thân, du lịch, hợp tác giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ được diễn ra thuận lợi hơn.
Cá nhân tôi kỳ vọng rằng, dự án này sẽ được triển khai với chất lượng cao, công nghệ hiện đại, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, bền vững, an toàn và thân thiện với môi trường. Đồng thời, tôi hy vọng rằng trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp, chuyên gia và người dân hai quốc gia sẽ có thêm cơ hội hợp tác, học hỏi và cùng phát triển. Đây cũng chính là tinh thần xây dựng tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, cùng chia sẻ tương lai, nơi mà lợi ích hài hòa, hợp tác cùng thắng được đặt lên hàng đầu.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!