Vận hành, quản lý tàu điện đô thị là lĩnh vực hoàn toàn mới
Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết song song với quá trình hoàn thành đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị (metro) số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội để đưa vào khai thác vào vào nửa cuối năm 2021, Ban cũng đang tập trung thúc đẩy tiến trình thực hiện đoạn ngầm.
“Trong năm nay sẽ đón máy đào hầm TBM (Tunnel Boring Machine) do công ty Herrenknecht của Đức sản xuất và bắt đầu khoan ngầm vào quý 1/2021,” ông Minh khẳng định.
Đối với các vướng mắc trước đây về giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các ga gầm đã được UBND thành phố, các quận vào cuộc quyết liệt, ông Nguyễn Cao Minh cho biết, đến nay đã cơ bản giải quyết xong các vướng mắc liên quan tới mặt bằng, hiện còn một số khiếu kiện còn lại đang được tập trung giải quyết.
Theo Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tính đến cuối tháng 9/2020, tiến độ chung dự án đạt khoảng 65,91%, trong đó tiến độ thi công và lắp đặt thiết bị cho đoạn trên cao đạt xấp xỉ 80,8%. Đặc biệt, vào ngày 18/10, dự án đón đoàn tàu đầu tiên trong số 10 đoàn tàu khởi hành từ cảng Dunkirk (Pháp) về tới cảng Hải Phòng, rạng sáng ngày 20/10/2020, đoàn tàu được đưa về khu Depot Nhổn đảm bảo an toàn tuyệt đối, được lắp đặt lên ray để tiếp tục chạy thử trước khi đưa vào vận hành khai thác.
Chỉ ra những thách thức hiện nay của dự án, ông Minh cho hay, phía MRB đang theo dõi chặt chẽ, phối hợp với các nhà thầu và tư vấn tham gia dự án về tiến trình liên quan và đưa ra các giải pháp cụ thể để giảm thiểu ảnh hưởng của tất cả các thiết bị được sản xuất tại châu Âu mà khu vực này đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Thừa nhận đây là một trong những dự án Metro đầu tiên ở Hà Nội nên các quy trình liên quan đến quá trình thử nghiệm, căn chỉnh, nghiệm thu, bàn giao các thủ tục hành chính còn nhiều điểm mới, theo ông Minh, ngay từ giai đoạn trước, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội xây dựng các đề cương cụ thể chi tiết cho từng việc, đặc biệt là với công tác thử nghiệm, căn chỉnh, nghiệm thu, bàn giao, phối hợp các cơ quan quản lý chuyên ngành Chính phủ Việt Nam để đảm bảo các quy định của pháp luật và yêu cầu, tiêu chuẩn của dự án.
“Metro Nhổn-ga Hà Nội là một dự án đầu tư công nên chịu các vướng mắc, khó khăn chung của tất cả các dự án đầu tư công, xây dựng cơ bản. Những vướng mắc này đang được trình Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước tháo gỡ, để thực hiện mục tiêu kép theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy đầu tư công song song với việc phòng tránh dịch Covid-19,” ông Minh cho hay.
Quyết tâm vận hành tuyến Metro kiểu mẫu đúng tiến độ
Đề cập đến việc kiểm soát an toàn, đánh giá chất lượng dự án metro Nhổn-ga Hà Nội, ông Minh tiết lộ, quá trình thiết kế, chế tạo đoàn tàu nói riêng và các thiết bị cho dự án nói chung đều tuân thủ theo các quy định, tiêu chuẩn tiên tiến nhất hiện nay ở châu Âu. Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội cũng thuê tư vấn độc lập là một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc giám sát các dự án đường sắt đô thị ở châu Âu đánh giá an toàn hệ thống.
“Hiện nay, các đoàn tàu của liên danh đang trong quá trình thử nghiệm, căn chỉnh theo đúng kế hoạch, quy trình thực hiện và tin tưởng dự án sẽ cung cấp hệ thống Metro và các đoàn tàu đảm bảo yêu cầu chất lượng, đặc biệt là các yêu cầu an toàn,” ông Minh quả quyết.
Ông Nicolas Warnery, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam cho biết phía Pháp cam kết đồng hành với thành phố Hà Nội, Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội để thực hiện những mục tiêu đưa ra và thời gian tới sẽ cố gắng đưa thêm các chuyên gia sang Việt Nam nhằm triển khai và hoàn thành dự án trong thời gian sớm.
“Việc vận chuyển đoàn tàu đầu tiên về Việt Nam đã diễn ra suôn sẻ, đưa về đến khu Depot theo đúng yêu cầu. Mặc dù đây là công việc phức tạp nhưng phía Pháp sẽ triển khai thành công cho 9 toa tàu tới theo dự kiến,” ông Nicolas Warnery khẳng định.
Theo dự kiến, tuyến metro số 3 tiếp tục đi ngầm dưới phố Trần Hưng Đạo rồi sang phía Nam thành phố tới quận Hoàng Mai, thêm 8km ngầm nữa. Các nghiên cứu đã được tiến hành để công việc bắt đầu trên cơ sở tiếp tục dự án hiện tại. Dự án này có thể nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ châu Âu, trong đó có Cơ quan Phát triển Pháp, bên cạnh Ngân hàng Phát triển châu Á.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km có 12 ga, trong đó có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, đi qua các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.
Thành phố Hà Nội dự kiến khai thác thương mại đoạn tuyến trên cao dài 8km từ Nhổn đến Cầu Giấy vào nửa cuối năm 2021. Đoạn đi ngầm của tuyến đường sắt này dài 4,5km còn lại sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2022.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước./.