Lãnh đạo Cục CSGT lý giải về tín hiệu đèn "vừa xanh đã nhảy đỏ"

Văn Ngân/VOV.VN | 02/01/2025, 21:40

Lãnh đạo Cục CSGT lý giải việc đèn tín hiệu "vừa xanh đã nhảy đỏ" là do một số đèn tín hiệu giao thông thế hệ cũ, phải điều khiển thủ công nên có độ trễ khi điều chỉnh chu kỳ đèn trong ngày.

Liên quan đến một số hình ảnh đèn tín hiệu "đang xanh nhảy sang đỏ", Đại tá Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết: "Nhiều người dân bày tỏ băn khoăn về hiện tượng đèn tín hiệu giao thông "đang xanh bỗng dưng đỏ" khiến họ có thể bị phạt oan, nguyên nhân của tình trạng trên do ở một số đèn tín hiệu giao thông thế hệ cũ, phải điều khiển thủ công nên có độ trễ khi điều chỉnh chu kỳ đèn trong ngày. Một cột đèn tín hiệu giao thông sẽ chuyển chu kỳ từ khung giờ cao điểm sang thấp điểm hoặc ngược lại. Để khắc phục tình trạng này, Cục CSGT đã có văn bản chỉ đạo công an các địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát sửa chữa đèn tín hiệu, kiến nghị đơn vị vận hành, quản lý đèn tín hiệu giao thông sớm nâng cấp các đèn đã cũ".

Theo Phó Cục trưởng Cục CSGT, những nút giao có hiện tượng "nhảy đèn", CSGT cũng không xử phạt, ngoài ra, hiện tượng đèn có độ trễ đó cũng không nhiều: "Người dân yên tâm sẽ không bị CSGT phạt oan, phạt sai trong các trường hợp này. Khi lập biên bản xử phạt đối với một trường hợp nào đó, lực lượng phụ trách đèn tín hiệu sẽ phối hợp với CSGT tại chốt, trích xuất camera, hình ảnh vi phạm của họ, cho họ xem trực tiếp diễn biến hành vi vi phạm và tín hiệu đèn thời điểm đó".

Đối với việc phạt nguội, lãnh đạo Cục CSGT cho biết, CSGT sẽ cho người vi phạm xem lại clip diễn biến toàn trình của vi phạm vượt đèn đỏ trước khi lập biên bản, đảm bảo người dân "tâm phục, khẩu phục", tránh oan sai. Cũng theo lãnh đạo Cục CSGT, với trường hợp lái xe không chấp hành tín hiệu đèn để nhường đường cho xe ưu tiên, xe cấp cứu… sẽ không bị xử phạt do Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết.

Luật này cũng nêu rõ, tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

"Quan điểm của chúng tôi là nâng mức xử lý vi phạm hành chính để răn đe giáo dục một bộ phận nhỏ người dân tham giao thông ý thức chưa tốt. Đồng thời khích lệ động viên và bảo vệ đại đa số người tham gia giao thông. Đã đến lúc phải thay đổi những thói quen xấu khi tham gia giao thông vì nó làm méo mó hình ảnh văn minh đô thị, hình ảnh của đất nước. Đối tác nước ngoài họ đánh giá thấp hoặc lo sợ khi đi ra đường cũng làm giảm nhu cầu đầu tư nước ngoài. Tai nạn cướp đi nhiều nhân lực quý giá của đất nước. Hệ lụy bao gia đình phải chăm lo người tai nạn khuyết tật bỗng dưng đang cống hiến cho xã hội là trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội", Phó Cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, chính thức có hiệu lực. Nghị định này sẽ thay thế cho nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123). Kể từ hôm nay (1/1/2025), nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ bị tăng mức phạt gấp nhiều lần so với trước, thậm chí có những lỗi sẽ tăng gấp gấp 36-50.

Ghi nhận thực tế, tình hình giao thông tại các nút giao có chuyển biến rõ rệt, phần lớn người dân đều có ý thức chấp hành đèn tín hiệu. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít những người không chú ý, hoặc cố tình vi phạm đã bị lực lượng CSGT nhắc nhở, xử lý. 

Theo Bộ Công an, về cơ bản ý thức tham gia giao thông của người dân đã được nâng cao rất nhiều trong thời gian qua, đây là tín hiệu tích cực cho thấy hiệu quả từ công tác tuyên truyền cũng như việc lực lượng chức năng tăng cường xử lý vi phạm. Tuy nhiên, nhìn nhận rõ vẫn tồn tại một bộ phận ý thức tuân thủ là rất kém, thường tìm đủ lý do để biện minh cho mình. Việc tăng mức xử phạt không chỉ nhằm tăng tính răn đe mà còn để xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự giao thông.

Theo Cục CSGT, ngày 1/1/2025 toàn quốc xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông, làm chết 28 người, bị thương 35 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 50 vụ, làm chết 27 người, bị thương 35 người. Đường sắt xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người.

Lực lượng CSGT Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 13.591 trường hợp vi phạm; phạt tiền dự kiến khoảng  27 tỷ 978 triệu đồng; tạm giữ 82 xe ô tô, 4.050 xe mô tô, 111 phương tiện khác; tước 2.603 GPLX các loại.Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 2.789 trường hợp; vi phạm về tốc độ 3.105 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 241 trường hợp; quá khổ giới hạn 34 trường hợp; vi phạm ma túy 43 trường hợp. Các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT kiểm tra, lập biên bản 195 trường hợp vi phạm, phạt tiền (dự kiến) 684,8 triệu đồng, tước GPLX 94 trường hợp, tạm giữ 4 phương tiện.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng cho ý kiến tháo gỡ vướng mắc cho VOV trong xử lý các vấn đề của VTC
Nói về các vấn đề của VTC trong xử lý vấn đề nhân sự, Thủ tướng chỉ rõ, tinh thần chung là đảm bảo được quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Mới nhất