Lũ đất đá tương tự làng Nủ: Dấu hiệu nào nhận biết để phòng tránh?

Quách Đồng/VOV Giao thông | 05/10/2024, 10:30

Mưa lũ, sạt lở đất, đặc biệt là lũ đất đá liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tại sao lại có hiện tượng lũ kèm đất đá?

Có những dấu hiệu nào để có thể nhận biết và phòng tránh thảm họa lũ đất đá ập đến bất ngờ? PV có cuộc đối thoại với GS.TS. Đỗ Minh Đức - Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật và phát triển hạ tầng, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội – đơn vị vừa thực hiện khảo sát hiện tượng lũ đất đá ở các tỉnh miền núi phía Bắc xung quanh nội dung này.

PV: Lũ đất đá gây ra thảm họa và hậu quả vô cùng lớn và thời gian gần đây thì xảy ra ngày càng nhiều. Xin ông cho biết những nguyên nhân gì gây ra hiện tượng lũ đất đá nguy hiểm như vậy?

GS.TS. Đỗ Minh Đức: Thời gian vừa qua, hiện tượng sạt lở, lũ bùn đá diễn ra rất nhiều ở khu vực miền núi phía Bắc và gây thiệt hại trầm trọng. Đặc biệt mấy hôm vừa qua đã mở rộng ra một số khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Có 3 nhóm yếu tố chính làm hiện tượng sạt lở và lũ bùn đá ngày càng gia tăng. Thứ nhất là điều kiện địa hình, địa chất của lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là những vùng miền núi có địa hình dốc, mức độ hoạt động địa chất diễn ra rất là mạnh mẽ trong suốt một thời kỳ địa chất lâu dài, dẫn đến là đất đá bị phá hủy. Đấy là nhóm yếu tố về các điều kiện địa hình, địa chất bất lợi.

Nhóm yếu tố thứ hai là các hình thế thời tiết cực đoan thời gian gần đây đã diễn ra ngày càng khốc liệt, trầm trọng hơn và phần nào đó nó liên quan đến những tác động do biến đổi khí hậu.

Nhóm yếu tố thứ ba, đó là các hoạt động dân sinh.

Để phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và các khu vực định cư, rồi phát triển hạ tầng đã can thiệp ngày càng mạnh mẽ vào các vùng đất dốc và làm mất cân bằng nghiêm trọng các điều kiện ổn định tự nhiên của mái dốc để từ đó tổ hợp cả 3 nhóm nguyên nhân chính như vậy nó làm cho các hiện tượng sạt lở lũ đá gia tăng trong thời gian gần đây.

PV: Theo ông có những dấu hiệu nào để có thể nhận biết sớm thảm họa lũ đất đá xảy ra. Bởi vì như trận lũ đất đá xảy ra tại làng Nủ vừa rồi, người dân phản ánh có nghe thấy tiếng nổ lớn, nhưng gần như ngay lập tức là thảm họa đã xảy ra rồi và người dân không kịp phòng tránh?

GS.TS Đỗ Minh Đức: Đúng như phản ánh, khi diễn ra một hiện tượng sạt lở hay lũ bùn đá quy mô lớn thường kèm theo tiếng nổ. Nhưng chúng ta phải khẳng định với nhau là khi mà đã nghe tiếng nổ thì cơ hội để chúng ta phản ứng kịp thời, cho dù có cũng là rất nhỏ.

Bởi vì tốc độ và quy mô diễn ra hiện tượng như vậy nó diễn ra rất nhanh và tác động lớn, nên khả năng ứng phó một cách kịp thời đối với nhiều người không phải lúc nào cũng có thể đáp ứng được.

Cho nên chúng ta phải tập trung vào những dấu hiệu khác để chúng ta phát hiện sớm những nguyên nhân, ví dụ như là các khu vực có dấu hiệu về các khe nứt ở trên mái dốc, hay là những khu vực nước chảy đang trong thì chuyển sang đục và những khu vực đã được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu khoanh định là các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét xảy ra.

Rồi những yếu tố khác như các hoạt động xây dựng các công trình nhà cửa, đường sá mới xây dựng, nó cũng góp phần nâng cao khả năng diễn ra sạt lở và lũ quét. Đối với người dân, một trong những dấu hiệu, cảm nhận thì có thể bằng những cái rà soát ngoài hiện trường, bằng các tổ đội xung kích, chúng ta rà soát các mái dốc.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải biết được là mình ở trong khu vực nào trong bản đồ phân vùng nguy cơ và sẵn sàng ứng phó khi có các sự kiện như mưa lớn cực đoan xảy ra.

PV: Cơ quan chức năng địa phương cũng như người dân có thể căn cứ vào đâu để có thể phòng tránh lũ đất đá, nhất là khu vực miền núi?

GS.TS Đỗ Minh Đức: Đặc trưng của sạt lở, lũ bùn đá là nó diễn ra gây tác hại sẽ rất khốc liệt, tuy nhiên, diện tích và phạm vi diễn ra lại không phải là lớn, mà rất cục bộ, thế nên để có thể ứng phó hiệu quả với hiện tượng sạt lở, lũ bùn đá thì chính quyền và người dân trước hết phải tuân thủ và thường xuyên cập nhật những thông tin về dự báo, cảnh báo thời tiết cực đoan của Trung tâm Khí tượng dự báo thủy văn Quốc gia, các Đài khí tượng vùng, Đài khí tượng của tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan.

Thứ hai nữa là chính quyền cơ sở và người dân cần phải tuyệt đối tuân thủ những hướng dẫn trong phòng, chống thiên tai và mỗi người dân và chính quyền cơ sở phải nắm rõ được danh sách, những địa điểm, vị trí nào có nguy cơ cao về sạt lở và lũ quét.

Khi có những bản tin cảnh báo thì chúng ta phải có những kịch bản để ứng phó, mà phải khẳng định là kịch bản này chỉ phát huy hiệu quả khi mà chúng ta có sự diễn tập, tập luyện trước và tất cả các kịch bản hành động như thế nào phải được lên kế hoạch trước và thậm chí cả tập luyện nhiều lần, đảm bảo thành thục khi không may thiên tai thực sự xảy ra.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan
Thông xe qua đèo Khánh Lê trên Quốc lộ 27C - Nha Trang - Đà Lạt vào 7h ngày 22/12
7h sáng mai (22/12), chính thức thông xe qua đèo Khánh Lê trên Quốc lộ 27C từ Nha Trang đi Đà Lạt.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Mới nhất