Lần đầu đến Việt Nam, tình nguyện viên Mỹ mặc áo dài, phát biểu bằng tiếng Việt

Lê Anh/VOV.VN | 30/12/2022, 19:55

Tôi muốn cảm ơn người dân Việt Nam vì đã chào đón và trao cho chúng tôi cơ hội này. Chúng tôi sẽ tiếp tục học hỏi nhiều hơn trong 2 năm tới. Tuy là giáo viên tiếng Anh nhưng chúng tôi hiểu chúng tôi cũng là học trò trên đất nước Việt Nam”, một tình nguyện viên của Chương trình Hòa bình tại Việt Nam chia sẻ bằng tiếng Việt.

Ngày 30/12, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của mình kể từ khi nhậm chức, Tổng Giám đốc Chương trình Hòa Bình, bà Carol Spahn đã tới chủ trì và chúc mừng buổi Lễ tuyên thệ của nhóm Tình nguyện viên đầu tiên của Chương trình Hòa Bình tại Việt Nam tại Hà Nội. Tham gia buổi lễ lịch sử này có đại diện các cơ quan Bộ, ban ngành của Chính phủ Việt Nam, trong đó có ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; phía đại diện Chính phủ Mỹ có bà Melissa A. Bishop Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội; cùng ban giám hiệu và giáo viên từ các trường nơi mà các Tình nguyện viên sẽ đồng giảng dạy.

Phát biểu tại Lễ tuyên thệ tình nguyện viên lần thứ nhất Chương trình Hòa bình tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Chương trình Hòa Bình, bà Carol Spahn chia sẻ: “Năm mới sắp tới, và buổi Lễ Tuyên thệ ngày hôm nay là lúc chúng ta dành thời gian lắng đọng khỏi cuộc sống thường nhật bận rộn để trân trọng và nhận thấy sức mạnh của sự kết nối giữa con người. Là quốc gia đối tác thứ 143 của Chương trình Hòa Bình, chúng tôi chào đón Việt Nam tham gia vào mạng lưới toàn cầu của chúng tôi, và tôi mong chờ được thấy các tình nguyện viên và giáo viên cùng nhau làm việc truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng chương trình sẽ mang đến những kết quả tốt và đặc biệt là sự lan tỏa các phương pháp giảng dạy, phát triển kỹ năng cũng như cách thức học tiếng Anh tiên tiến, hiện đại. Chương trình giảng dạy tiếng Anh của Chương trình Hòa bình dù quy mô nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn. Ngoài việc dạy tiếng Anh, chương trình còn mang đến sự trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và nước ngoài”.

“Chúng tôi là giáo viên những cũng là học trò trên đất nước Việt Nam”

Chương trình giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam của Chương trình Hòa bình, chính thức được thành lập từ sau lễ ký kết hiệp định thực thi vào tháng 7/2020, là sự hợp tác giữa Chương trình Hòa bình và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Từ khi tới Việt Nam vào tháng 10, chín tình nguyện viên dạy tiếng Anh đã xuất sắc hoàn thành chương trình đào tạo đa văn hóa, ngôn ngữ và chuyên môn. Chương trình đào tạo được thiết kế toàn diện để trang bị cho tình nguyện viên sự hiểu biết và tuân thủ các chính sách và quy định của hệ thống giáo dục Việt Nam, cũng như để có thể đồng giảng dạy cùng các giáo viên Việt Nam trong hai năm công tác.

Đại diện cho các tình nguyện viên của Chương trình Hòa bình tại Việt Nam, một tình nguyện viên chia sẻ bằng tiếng Việt: "Chúng tôi rất háo hức khi giờ phút quan trọng này đã đến. Chúng tôi hiểu rằng việc giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam là một trách nhiệm lớn và chúng tôi sẽ học được rất nhiều điều từ các giáo viên và cả các em học sinh. Trong 2 năm tới đây, chúng tôi mong muốn được học hỏi và trưởng thành. Chúng tôi vô cùng háo hức được bắt đầu hành trình này".

Một tình nguyện viên khác bày tỏ: "Tôi muốn cảm ơn người dân Việt Nam vì đã chào đón và trao cho chúng tôi cơ hội này. Tôi cũng muốn cảm ơn các nhân viên Chương trình Hòa bình đã giúp chúng tôi chuẩn bị công cụ và kiến thức để có thể làm những gì tốt nhất cho các em học sinh Việt Nam. Đặc biệt, tôi muốn cảm ơn các thầy cô dạy ngôn ngữ và văn hóa đã dạy tiếng Việt cũng như chia sẻ với chúng tôi về vẻ đẹp và lịch sử Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục học hỏi nhiều hơn trong 2 năm tới. Tuy chúng tôi là giáo viên tiếng Anh nhưng chúng tôi hiểu, chúng tôi cũng là học trò trên đất nước Việt Nam”.

“Nếu chọn 1 từ để nói về Chương trình Hòa bình, tôi sẽ dùng từ kết nối”

Theo bà Carol Spahn, sự kiện lễ tuyên thệ tình nguyện viên lần thứ nhất Chương trình Hòa bình tại Việt Nam có ý nghĩa rất lớn cho thấy chương trình được chào đón ở Việt Nam với vòng tay rộng mở.

“Hy vọng đây là bước khởi đầu tuyệt vời để chúng ta có sự phát triển bền vững trong tương lai. Tôi rất tự hào về các tình nguyện viên và các nhân viên chương trình hòa bình tại Việt Nam, các cơ quan đối tác, các bộ, ngành và các trường học. Sáng kiến này là công sức của rất nhiều người với một hệ thống hỗ trợ lớn. Chúng tôi đầu tư rất nhiều vào 9 tình nguyện viên bởi chúng tôi tin là họ sẽ mang đến sự kết nối để từ đó có những hợp tác tốt đẹp từ khởi đầu này”, Tổng Giám đốc Chương trình Hòa bình cho hay.

Nói về quy trình tuyển chọn các tình nguyện viên, bà Carol Spahn cho biết, chương trình tập trung vào những người có thái độ và tinh thần phù hợp, đó là sự cởi mở, thích nghi với thay đổi, ham học hỏi và sẵn sàng tiếp nhận những điều mới.

Bà cũng cho rằng: “Chúng tôi tin rằng việc thúc đẩy hòa bình không chỉ là trách nhiệm của chính phủ mà còn là trách nhiệm của người dân, của mỗi chúng ta. Chúng ta phải hợp tác và xây dựng các mối quan hệ. Chúng tôi sẽ bắt đầu từ quy mô nhỏ để học và hiểu môi trường, cơ hội cũng như thách thức ở nước sở tại”.

Về chương trình giảng dạy của các tình nguyện viên tại các trường học ở Hà Nội, bà Carol Spahn nói, các tình nguyện viên sẽ đồng giảng dạy với các giáo viên Việt Nam và tuân theo chương trình của Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Tuy nhiên họ có thể áp dụng một số phương pháp giảng dạy mới, theo đó tăng cường sự tương tác với học sinh, dạy các em cách phát âm, cũng như khuyến khích sự tham gia của người học.

Các tình nguyện viên sẽ không chỉ dạy tiếng Anh mà còn học hỏi văn hóa, ngôn ngữ và trao đổi với người dân địa phương.

Theo bà Carol Spahn, nếu chọn một từ để mô tả về chương trình hòa bình, bà sẽ chọn từ kết nối. Bà cũng khẳng định, giá trị của chương trình còn giúp những người trẻ nhận ra rằng họ có nhiều cơ hội và có thể làm điều mà mình mong muốn. “Chúng tôi muốn đóng góp những ánh lửa nhỏ để giúp những người trẻ thấy rằng những gì họ mong muốn không phải là bất khả thi. Một điều tuyệt vời là khi những người trẻ bước ra khỏi vùng an toàn, họ sẽ phải vật lộn, sẽ phải đấu tranh nhưng khi họ hoàn thành quá trình đó và đạt được mong muốn, điều đó thật đẹp đẽ và tuyệt vời biết bao”.

Sau Lễ Tuyên thệ ngày hôm nay, các tình nguyện viên sẽ bắt đầu nhận công tác tại các trường trung học phổ thông trên các quận huyện ở Hà Nội cùng các giáo viên và các học sinh Việt Nam. Họ sẽ gia nhập gần 900 Tình nguyện viên khác của Chương trình Hòa Bình hiện đang công tác tại 45 quốc gia ở châu Phi, châu Âu, Địa Trung Hải và châu Á, châu Mỹ và Thái Bình Dương để góp phần hỗ trợ các ưu tiên của các chính phủ và cộng đồng địa phương./.

Bài liên quan
Nâng cao năng lực tiếng Việt cho cán bộ, nhân viên công nghệ truyền thông Lào
Sáng nay (4/4), tại thủ đô Vientiane, Trường Đại học Cửu Long phối hợp với Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào tổ chức khai giảng Lớp tiếng Việt khoá 1 cho các chuyên viên trong và ngoài Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất