Làm thế nào để học sinh đến trường, nhưng vẫn an toàn trước COVID-19?

Thiên Bình/VOV.VN Thực hiện | 09/12/2021, 06:33

Theo các chuyên gia, trẻ em là đối tượng ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Với diễn biến dịch tại Việt Nam, số F0 được xác định sẽ tăng khi các hoạt động được nới lỏng. Với trẻ em, khi tỷ lệ người lớn được tiêm vaccine nhiều, thì trẻ sẽ bớt nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em, mở cửa lại trường học để các em đi học trực tiếp là điều được dư luận đặc biệt quan tâm. Sau thời gian dài học trực tuyến, không chỉ các học sinh, thầy cô giáo mà các bậc phụ huynh cũng có mong mỏi con em được sớm trở lại trường. 

Vậy làm thế nào để học sinh đến trường nhưng vẫn an toàn phòng, chống dịch? Việc tiêm vaccine có đảm bảo an toàn, đảm bảo để học sinh trở lại trường? Trả lời lời những câu hỏi này của PV VOV.VN, TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, khi không tiêm vaccine, tỷ lệ mắc và chuyển biến nặng ở trẻ cũng thấp hơn rất nhiều so với người lớn. Đến nay, khi người lớn đã tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao thì nguy cơ trẻ lây bệnh cũng thấp hơn. Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, khi mở cửa lại trường học, chúng ta đều phải xác định, chắc chắn có ca mắc là học sinh. Vấn đề này phải chấp nhận và điều quan tâm trên hết là cách hành xử và xử trí các trường hợp F0 trong trường học như thế nào?

PV: Thưa TS. Nguyễn Việt Hùng, Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em, theo đó, mong mỏi của các em và của các bậc phụ huynh khi đồng ý cho con tiêm vaccine là để sớm trở lại trường học trực tiếp. Các nhà trường cũng có những biện pháp sẵn sàng đón học sinh trở lại. Vậy theo ông, trong diễn biến dịch vẫn đang phức tạp thì để trẻ em trở lại trường có đảm bảo an toàn, phòng chống dịch?

TS. Nguyễn Việt Hùng: Việt Nam triển khai tiêm vaccine COVID-19 phổ cập cho người dân từ tháng 7-8/2021 trở lại đây. Như trước đó, đợt dịch tại TP.HCM, người dân chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Những thống kê cho thấy, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 chiếm khoảng 10% và tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 0,2% trong số ca tử vong do COVID-19. 

Khi không tiêm vaccine, tỷ lệ mắc và chuyển biến nặng ở trẻ cũng thấp hơn rất nhiều so với người lớn. Đến nay, khi người lớn đã tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao thì nguy cơ trẻ lây bệnh cũng thấp hơn. Dù trẻ em có thể lây nhiễm bệnh từ nhau. Nhưng chủ yếu hiện nay, trẻ em lây bệnh từ người lớn. Khi các em chủ yếu ở nhà còn người lớn vẫn đi làm và tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động sản xuất… Người lớn khi tiêm đủ vaccine thì nguy cơ lây nhiễm bệnh và lây bệnh cho trẻ em cũng thấp. 

Hiện nay, trên 70% người trên 18 tuổi tại Việt Nam đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và 80-90% người trưởng thành đã được tiêm 1 mũi. Khi nguy cơ lây nhiễm ở người lớn thấp đi, thì nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ em càng thấp.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT đã có những quy định, quy định liên ngành về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi đón học sinh trở lại học trực tiếp. Trong đó, có việc giám sát học sinh trước khi đến trường. Nếu học sinh có biểu hiện, triệu chứng của bệnh, biểu hiện ho sốt, hoặc học sinh ở trong vùng dịch có nguy cơ ở cấp độ 3-4, hay học sinh ở trong vùng phong tỏa sẽ tạm thời không đến trường. 

Học sinh phải đeo khẩu trang trong quá trình từ nhà đến trường, phải khai báo y tế, khử khuẩn tay trước khi vào trường, trước khi vào lớp. Học sinh cũng phải duy trì khoảng cách, không phải như trước đây 2 học sinh/bàn; hoặc nếu không đảm bảo được khoảng cách 2m thì cũng phải đảm bảo mỗi học sinh một bàn; cửa sổ, cửa lớp học phải mở thông thoáng… Ngoài ra nhà trường có thể sử dụng hệ thống camera trong lớp học để giám sát, nhắc nhở học sinh giữ khoảng cách. Hoặc tổ sao đỏ, cờ đỏ của các lớp cũng có nhiệm vụ giám sát… Tất cả những điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ học sinh mắc bệnh, nghi nhiễm hoặc học sinh đến từ vùng nguy cơ cao. Chúng ta phải hiểu rằng, dịch bệnh sẽ không tuyệt đối không lây nhiễm trong môi trường trường học. Theo đó, bố mẹ, gia đình và các thầy cô đóng vai trò rất lớn trong hướng dẫn, giám sát trẻ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Với quy định về phòng, chống dịch trong nhà trường và độ bao phủ vaccine cho thầy cô giáo, nhân viên trong trường, thì trường lớp không phải là môi trường nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nguyên nhân chính khiến trẻ mắc COVID-19 chủ yếu vẫn là lây nhiễm từ gia đình, lây nhiễm từ môi trường xã hội. 

Việc tiêm vaccine, hiện nay, trong số trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm vaccine, sau 2 tuần tiêm một mũi, khả năng bảo vệ đã khá cao, đạt 40-50%, do vậy nguy cơ trẻ lây nhiễm dịch bệnh càng thấp. 

Vậy chúng ta còn chờ đến bao giờ để mở cửa lại trường học?

PV: Khi học sinh trở lại trường, việc giữ khoảng cách hay hạn chế các em chơi đùa không phải là điều dễ. Theo ông, các nhà trường, các gia đình cần có biện pháp phối hợp như thế nào để đảm bảo trẻ đến trường an toàn?

TS. Nguyễn Việt Hùng: Tại trường học, trẻ em khó giữ được khoảng cách trên 2m trong lớp học. Do vậy, nếu có một trường hợp F0 trong lớp học thì những người khác trong lớp học có thể bị lây nhiễm bệnh. Khi mở cửa lại trường học, chúng ta đều phải xác định, chắc chắn có ca mắc là học sinh.

Vấn đề này phải chấp nhận và điều quan tâm trên hết là cách hành xử và xử trí các trường hợp F0 trong trường học như thế nào. Về cơ bản, nguy cơ lây nhiễm trong nhà trường thấp hơn rất nhiều so với lây nhiễm tại môi trường là nhà hàng, quán ăn, công xưởng sản xuất…

Tại trường học, các giáo viên, nhân viên nhà trường đều phải tiêm đủ vaccine mới được đi làm. Như vậy, cơ bản người lớn ở trong trường học đã được bảo vệ. 

Chúng ta không thể chờ cho đến khi tất cả mọi người đều được tiêm vaccine. Nhưng điều này cũng không thể loại bỏ được nguy cơ lây nhiễm. 

PV: Ông vừa trao đổi về ứng xử khi có F0 trong trường học, xin ông nói cụ thể hơn về vấn đề này?

TS. Nguyễn Việt Hùng: Việc có F0 trong trường học, có học sinh là F0 là vấn đề được lường trước khi mở cửa lại trường học. Nhưng theo tôi, vấn đề là chúng ta và chính trẻ em phải hiểu được giá trị của việc tiêm vaccine. Đó là giảm nguy cơ lây nhiễm và khi mắc bệnh sẽ giảm nguy cơ diễn tiến nặng và nguy cơ tử vong. 

Trẻ em là đối tượng khá đặc biệt. Không phải trẻ nào cũng đáp ứng tốt với vaccine hay thuốc. 

Trong chiến lược tiêm vaccine trẻ em, chúng ta xác định tiêm vaccine trên tinh thần tình nguyện. Quan trọng nhất là việc hướng dẫn, nâng cao ý thức để trẻ tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. 

Nếu một học sinh luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn tay, không chơi đùa, nghịch ngợm… ở trong lớp hay khi đến trường; không đi lại nhiều, đến nhiều nơi trước và sau giờ học, thì những trẻ em này phải được tôn trọng và chính những biện pháp phòng dịch mới là yếu tố giúp trẻ hạn chế nguy cơ lây nhiễm. 

Cách tiếp cận và hành xử của chúng ta là phải theo hướng tôn trọng trẻ em tuân thủ tốt các quy định phòng, chống dịch. Chứ không phân biệt đối xử với trẻ thông qua việc đã tiêm vaccine hay chưa.  

Đây mới chính là ý nghĩa của việc tiêm vaccine và vai trò của các biện pháp phòng, chống dịch. Từ đó, các bậc phụ huynh, giáo viên hướng dẫn, giáo dục cho trẻ hiểu và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. 

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Hàng ngàn học sinh lớp 12 Hà Nội đến trường

VOV.VN - Ngày đầu được đến trường từ sau khai giảng năm học, bên cạnh cảm xúc vui mừng, hào hứng được gặp lại thầy cô, bạn bè, nhiều học sinh vẫn đan xen những lo lắng khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Bài liên quan
Hà Nội chỉ còn 94 ca mắc COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện
Trong 24 giờ qua, Hà Nội ghi nhận 370 ca mắc COVID-19 mới. Hiện trên địa bàn thành phố còn 94 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất