Theo Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về chiến lược phát triển kinh tế biển VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… đến năm 2030 phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển. Trong đó, kinh tế hàng hải đứng thứ 2 theo thứ tự ưu tiên, sau nhóm ngành Du lịch và dịch vụ biển và trước nhóm ngành Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác…
Ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: "Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Và hiện nay, Bộ đang giao cho Cục Hàng hải VN triển khai xây dựng 2 quy hoạch chi tiết là quy hoạch chi tiết 5 nhóm cảng biển và quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước của tất cả các cảng biển trong cả nước. Kinh nghiệm cho thấy trong 10 năm qua, 86% tổng mức đầu tư vào ngành hàng hải là từ các thành phần kinh tế khác, đủ cho thấy mức độ hấp dẫn của hệ thống cảng biển của Việt Nam"
Còn theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi "Quy hoạch không gian biển là một hành động phải đi trước hành động phát triển, không thể đi sau. Đó là nguyên tắc. Và quy hoạch phải có cấp độ. Từ những phân bổ không gian của quy hoạch không gian biển quốc gia cho các ngành và các địa phương thì sắp tới các ngành các địa phương nên sử dụng công cụ phân vùng chức năng biển, để cụ thể hóa những đơn vị không gian do quốc gia đã phân bổ cho ngành hoặc tỉnh mình"
Quy hoạch không gian biển quốc gia với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển. Đây được xem là công cụ quan trọng để cụ thể hóa “Quy hoạch tổng thể quốc gia” và tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển một cách hiệu quả. Qua đó góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân; giữ vững chủ quyền, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng biển của Việt Nam.