Video có nội dung nhảm nhí, giật gân, độc hại đang là vấn nạn trên Youtube và các nền tảng mạng xã hội. Những người tạo nội dung “bẩn” sẵn sàng thực hiện những hành vi lệch lạc, gây ảnh hưởng đến nhận thức của người xem nhất là đối tượng trẻ em, nhằm tăng lượt xem, tăng tương tác, tăng thu nhập.
Nguồn thu từ việc làm video nhảm nhí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng thậm chí hàng tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, hình thức xử phạt với vi phạm này chủ yếu là xử phạt hành chính. Theo các chuyên gia, mức xử phạt vài triệu hoặc vài chục triệu đồng từ các cơ quan chức năng vẫn chưa đủ sức răn đe trong thực tiễn.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội nêu vấn đề: “Bản thân tôi khi xem những video như vậy cảm thấy vô cùng bức xúc. Người ta cố tình câu view, câu like và kiếm tiền bằng hình thức bẩn. Nó làm lệch lạc văn hóa truyền thống cũng như tư tưởng, tư duy của những người xem.
Tuy nhiên, như vậy mà lại chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt rất thấp. Nó không thấm vào đâu. Trong khi đó, những người này có thể thu lại hàng trăm triệu đồng. Rõ ràng, mức phạt này chưa đủ sức răn đe, chưa đủ sức giáo dục đối với xã hội cũng như các đối tượng vi phạm. Chúng ta cần phải có những cái hình thức xử phạt bổ sung.
Ví dụ, yêu cầu Youtube hay là nền tảng mạng xã hội phải ngừng cung cấp tài khoản cho người vi phạm hoặc đình chỉ tài khoản một thời gian. Có như vậy thì mới hạn chế được tình trạng đăng bữa bãi video lên Youtube như hiện nay”.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, số tiền xử phạt với đối tượng làm nội dung độc hại cần tính dựa trên tổng thu nhập từ video xấu độc. Ông Hậu cũng cho rằng, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp cần thiết.
“Tôi thấy doanh thu của những video rác, câu view, câu like trên mạng xã hội là rất lớn, trong khi chế tài xử phạt hiện nay quá thấp. Chúng ta phải tính tiền xử phạt trên tổng thu nhập từ nguồn này, như vậy mới đủ sức răn đe.
Tôi đề nghị là phải sửa lại những quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay, hình thức xử phạt còn thấp. Nếu chứng minh được video gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, một đứa bé xem video xong bắt chước và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự, bởi lẽ tác hại với xã hội là rất lớn” - Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Bên cạnh việc tạo ra những hình thức xử phạt thích đáng, mang tính răn đe, việc tìm giải pháp để ngăn chặn nội dung xấu, độc trên mạng xã hội là yêu cầu cấp bách. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, phải có giải pháp công nghệ để ngăn chặn nguy cơ từ công nghệ. Bên cạnh đó, trẻ em cần sự đồng hành từ gia đình và nhà trường để tránh tác hại từ những video nhảm nhí trên mạng xã hội.
“Vấn đề từ công nghệ thì chúng ta cũng phải dùng công nghệ để đối phó luôn. Chúng ta phải có những phần mềm để loại trừ video rác, ngăn không cho chúng đến với trẻ em. Các công ty công nghệ phải làm ra những phần mềm để loại trừ những nội dung độc hại trên mạng. Giải pháp tiếp theo là công tác giáo dục trong gia đình và nhà trường. Chúng ta cần phải quan tâm, theo dõi, nhắc nhở các em nhỏ không được làm theo những video độc hại trên mạng xã hội” - Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho hay.