Kịch bản Nga đánh bại quân đội Ukraine khiến phương Tây "mất ăn mất ngủ"

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: SCMP | 20/12/2023, 09:46

Dòng viện trợ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine bị nghẽn lại khiến các đồng minh của Ukraine bắt đầu suy nghĩ về điều mà họ không muốn tượng tưởng trước đây, khi Nga mới phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”: Tổng thống Putin đang có cơ giành được thắng lợi lớn tại chiến trường Ukraine.

Tình hình ảm đảm cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga

Trước thực trạng hơn 110 tỷ USD viện trợ bị kẹt trong những tranh cãi chính trị ở Washington (Mỹ) và Brussels (Bỉ), người ta ngày càng nghi ngờ khả năng của Ukraine ngăn chặn đà tiến của quân Nga cũng như bảo vệ các thành phố, hải cảng của Ukraine trước những đòn tập kích tên lửa của đối phương.

Ngoài các hậu quả mang tính thảm kịch cho Ukraine, một số đồng minh châu Âu đã bắt đầu lặng lẽ suy xét tác động từ thất bại của khối quân sự NATO trong cuộc xung đột vũ trang lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.

Những đồng minh này đang tái đánh giá rủi ro mà nước Nga sẽ tạo ra cho các thành viên NATO ở phía Đông, theo những người thân cận với các nguồn tin nội bộ giấu tên.

Những người này cho rằng, tác động sẽ mang tầm thế giới, khi các đối tác và đồng minh của Mỹ đặt dấu hỏi đối với mức độ tin cậy trong những lời hứa hẹn của Washington về phòng thủ. Theo họ, tác động từ một bước lùi chiến lược như vậy có thể sâu sắc hơn nhiều so với hệ quả của việc Mỹ rút hết quân khỏi Afghanistan vào năm 2021.

Đấy là chưa kể triển vọng ông Donald Trump có thể tái đắc cử tổng thống Mỹ vào năm tới (2024) và thực hiện các cam kết của mình về việc rút khỏi những liên minh lớn, trong đó có NATO, để đạt một thỏa thuận với Tổng thống Nga Putin trong vấn đề Ukraine.

Tâm lý bi quan ngày càng công khai

Mức độ lo lắng như vậy đã chuyển hóa thành các thông báo công khai của các nhà lãnh đạo phương Tây. Họ ngày càng lớn tiếng về tình trạng những bên viện trợ đang khẩn thiết kêu gọi các đối thủ của mình đừng đem vấn đề trong nước ra để cản trở hoạt động viện trợ cho Ukraine - điều này trước đây hiếm khi xuất hiện.

Thủ tướng Ireland Leo Varadkar phát biểu tại Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) mới đây rằng “nếu Ukraine không có được sự ủng hộ của EU và Mỹ thì lúc ấy ông Putin sẽ chiến thắng”.

Tại cuộc họp thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo đã không vượt qua được sự phản đối ngày càng gia tăng đối với gói viện trợ 50 tỷ euro (tương đương 55 tỷ USD) trong năm tới (2024) và họ chỉ phê chuẩn được động thái thiên về tính biểu tượng, đó là mở cửa tư cách thành viên cho Ukraine vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Tại Mỹ, Tổng thống Biden tuần trước cam kết hậu thuẫn cho Ukraine “thật lâu trong khả năng”. Đây là một bước thay đổi sơ với cam kết trước đây - ủng hộ Ukraine tới cùng, khi nào Ukraine còn cần đến Mỹ.

Những đảng viên Cộng hòa cứng rắn trong Quốc hội Mỹ đã từ chối phê chuẩn 61 tỷ USD ủng hộ Ukraine trong năm tới chừng nào ông Biden không nhượng bộ yêu cầu của họ về việc áp dụng các biện pháp siết chặt biên giới phía Nam của nước Mỹ.

Cho tới nay, các nỗ lực đạt một thỏa thuận vẫn thất bại. Hôm 18/12, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng tiền dành cho việc cung cấp vũ khí mới cho Ukraine sẽ cạn kiệt vào ngày 30/12 nếu các nhà lập pháp Mỹ không ra tay.

Trong khi đó, dân chúng các nước phương Tây cũng ngày càng hoài nghi về cái giá của việc ủng hộ Ukraine. Kết quả ảm đạm của Ukraine trong đợt phản công lớn vừa qua càng làm người ta nghi ngờ về khả năng Ukraine đạt được mục tiêu thu hồi lại tất cả những lãnh thổ do quân đội Nga chiếm giữ.

Gió đảo chiều trên các mặt trận

Kristine Berzina - Giám đốc điều hành của Quỹ Marshall Đức tại Washington, nói: “Khả năng Ukraine mất thêm lãnh thổ, thậm chí chủ quyền, vẫn đang được bàn thảo”.

Giới chức châu Âu cho rằng, Nga có khả năng chiếm thêm lãnh thổ của Ukraine và phá hủy thêm cơ sở hạ tầng của nước này nếu họ không nhận được những vũ khí cần thiết cho việc phòng thủ. Theo các quan chức này, khi đó, Ukraine có thể buộc phải chấp nhận một thỏa thuận đình chiến theo hướng có lợi cho Nga.

Những người ở Mỹ và EU hậu thuẫn cho Ukraine đánh giá rằng viện trợ có thể được phê chuẩn vào đầu năm tới (2024) nhưng ngay cả khi ấy, các quan chức trên cho biết, chưa chắc Ukraine đã tạo được đột phá trên chiến trường.

Viễn cảnh Ukraine ngày càng mịt mùng, với chiến sự có thể kéo dài thêm vài năm. Tại các nước Baltic, giới chức đã thông báo cho công chúng hãy sẵn sàng cho cuộc chiến kế tiếp bởi lẽ các lực lượng Nga sẽ không bị đánh bại ở Ukraine.

Người đứng đầu quân đội Estonia, Martin Herem, phát biểu thẳng thắn trên truyền hình địa phương rằng “Nga không sợ NATO”. Vị này còn dự báo quân đội Nga có thể sẵn sàng tấn công NATO trong vòng một năm nữa nếu như xung đột tại Ukraine kết thúc.

Trước đây phương Tây cho rằng việc Nga đưa quân vào Ukraine sẽ là một “thất bại chiến lược: cho nhà lãnh đạo Nga Putin. Nhưng giờ đây, niềm tin này đã phai nhạt. Thay vào đó, người ta bắt đầu tin rằng ông Putin cuối cũng có thể vượt qua Mỹ và đồng minh trong cuộc đấu này.

Trước viễn cảnh Nga thắng lớn đó, Phần Lan đã bắt đầu củng cố quốc phòng của mình.

Trong khi đó, một quan chức phương Tây còn đánh giá, một thắng lợi tổng thể của Nga sẽ kích hoạt làn sóng người di cư đổ vào EU, gây thêm áp lực và căng thẳng cho khối này.

Quan chức này cũng dự báo kịch bản phong trào “kháng chiến” của Ukraine phải chuyển sang chiến tranh du kích, nghĩa là biên giới phía Đông của EU sẽ rơi vào tình trạng bất ổn.

Các quan chức khác thì lại dự báo rằng một số nước châu Âu có thể chuyển sang củng cố quan hệ với Nga hoặc Trung Quốc để tránh phải dựa dẫm quá nhiều vào Mỹ mà theo họ là không còn đáng tin cậy nữa.

Bài liên quan
Người đẹp Ukraine đăng quang Hoa hậu Môi trường, đại diện Việt Nam trượt top 21
Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà là người trao vương miện cho tân Miss Eco International - Hoa hậu Môi trường Thế giới 2024 đến từ Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Chiều 29/4, tiếp tục chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương nơi có dự án đi qua đã đi kiểm tra các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2021 - 2025.
  • Những điểm lý tưởng ngắm pháo hoa tối 30/4 ở TP.HCM
    Công viên bờ sông Sài Gòn, Bến Bạch Đằng, các quán cà phê ở tòa nhà cao nhất Việt Nam là địa điểm lý tưởng “bắt trọn” khoảnh khắc pháo hoa rực sáng tối 30/4.
  • Lượng khách đi máy bay qua Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ giảm mạnh
    Thống kê của ngành hàng không cho thấy, sau 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng hành khách đi, đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã giảm tương đối nhiều, nhất là lượng khách đi các tuyến nội địa.
  • Thiêng liêng hành trình ra Trường Sa ngày Giải phóng
    Chào mừng 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2024), sáng nay, đoàn công tác số 14 trên tàu Kiểm Ngư 491/CĐKN 4 - Vùng 4 Hải Quân do Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải Quân làm trưởng đoàn đã khởi hành đi thăm động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK-1.
Mới nhất