Không để người lao động bị “treo” quyền lợi bảo hiểm xã hội

Thanh Thủy, Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc | 30/04/2023, 15:06

Nhiều năm về trước, tình trạng đơn vị sử dụng lao động nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi và đời sống của người lao động ở tỉnh miền núi Sơn La. Để hạn chế và giải quyết tình trạng này, cả hệ thống chính trị ở Sơn La đã vào cuộc để răn đe, giải quyết.

Theo thống kê của ngành BHXH tỉnh Sơn La, tổng số nợ BHXH, BHYT chuyển sang năm 2023 là 20,8 tỷ đồng; trong đó số nợ của các đơn vị khoanh nợ, dừng đóng là 13,3 tỷ đồng, số nợ của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn là 4,5 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ngoài sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, còn do một số đơn vị ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp chưa tốt, nhất là ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 Việc doanh nghiệp nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm sẽ khiến người lao động gặp khó, bởi họ sẽ không chốt được sổ bảo hiểm xã hội khi chuyển công tác; thẻ bảo hiểm y tế sẽ bị “đóng băng” nếu chậm đóng BHYT trên 1 tháng; khi đó, các quyền lợi như thanh toán các chế độ thai sản, ốm đau, hưu trí... sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nỗ lực giảm nợ bảo hiểm xã hội

Tới từng đơn vị chậm đóng để đôn đốc nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động là một trong những công việc thường xuyên mà chị Nguyễn Thị Khích và các cán bộ chuyên quản thu ở Bảo hiểm xã hội huyện Mộc Châu (Sơn La) đảm nhiệm. Được giao nhiệm vụ chuyên quản thu hơn 100 đơn vị tại một địa bàn rộng, khối lượng công việc lớn, đòi hỏi chị Khích phải rất trách nhiệm và nỗ lực.

"Chuyên quản thu là công việc đầu vào của ngành BHXH nên cũng nhiều khó khăn; như việc đôn đốc các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, nhất là trong thời điểm dịch covid-19, nhiều đơn vị gặp khó khăn... chúng tôi thường xuyên phải đến tận đơn vị, lập biên bản, đôn đốc các đơn vị nộp BHXH cho người lao động", chị Khích nói.

Là địa phương phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, huyện Mộc Châu có hơn 200 doanh nghiệp đứng chân với khoảng 2.500 người lao động tham gia bảo hiểm. Hết năm 2022, BHXH huyện Mộc Châu đã hoàn thành việc thu với 100% đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn.

Ông Khúc Ngọc Nam, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện cho biết, để có được kết quả đó, đơn vị đã tích cực tham mưu cho huyện, phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp, không để tình trạng doanh nghiệp nợ kéo dài, cũng như nỗ lực thu hồi nợ đọng: “Khó khăn là địa bàn huyện rộng, gồm 2 thị trấn, việc đi lại đôn đốc các đơn vị dừng thu cũng khó. Cán bộ chuyên quản công việc rất nhiều, phải làm việc buổi tối, ngày nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó với các các đơn vị chậm đóng, dừng đóng, thu khoanh nợ, có nhiều biện pháp xử lý nhưng các đơn vị không còn trên địa bàn nên số nợ ấy treo”.

Tại huyện Yên Châu, dù chỉ có 135 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, người lao động ít; tuy nhiên, ngành BHXH đã rất nỗ lực, sát sao với tình hình hoạt động của doanh nghiệp để đôn đốc thu; không để phát sinh nợ kéo dài, hoặc nợ với số tiền lớn.

Ông Phạm Đình Đạt, Phó Giám đốc BHXH huyện Yên Châu cho biết: “Trước năm 2018, Yên Châu có một số doanh nghiệp xây dựng nợ đọng, không còn trên địa bàn, hiện vẫn đang khoanh nợ. Từ 2019 đến nay, chúng tôi yêu cầu cán bộ chuyên quản bám sát đơn vị; đơn vị nào nợ 2 tháng trở lên chúng tôi có biện pháp xử lý ngay; gửi văn bản đôn đốc 15 ngày 1 lần, quá 2 lần mà đơn vị không chuyển tiền thì chúng tôi cử cán bộ đến nắm tình hình, đôn đốc. Kể cả trong những năm dịch covid khó khăn nhưng cũng không có đơn vị nào nợ cả”.

Đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành, “mạnh tay” xử lý vi phạm

Thời gian qua, BHXH tỉnh Sơn La đã chủ động phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế… trong hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Tăng cường khai thác, phân tích dữ liệu để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với các đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH trên 3 tháng…

Ông Đinh Thanh Tùng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La cho biết: “Việc thanh tra, kiểm tra đã giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về BHXH, xử lý nghiêm với các đơn vị chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT. Đồng thời, qua thanh tra, kiểm tra giúp đơn vị, người lao động hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình trong việc chấp hành pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người tham gia; duy trì sự phát triển ổn định của doanh nghiệp”.

Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La, kết quả này đã góp phần vào công tác thu của BHXH tỉnh. Đến hết năm 2022, số thu toàn tỉnh là 2.290 tỷ đồng, vượt kế hoạch BHXH Việt Nam giao; số nợ giảm sâu so với những năm trước. Đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Oanh, Trưởng bộ phận nhân sự, Khách sạn Mường Thanh Holiday Mộc Châu và bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc điều hành Trường mầm non Little Star, huyện Mộc Châu (Sơn La) cho biết: “Đúng ngày 25 hằng tháng là chúng tôi hoàn thành việc nộp bảo hiểm cho BHXH huyện Mộc Châu. Trong thời điểm dịch COVID-19 phức tạp, chúng tôi vẫn đóng bảo hiểm cho cán bộ và nhân viên kịp thời”.

Đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động

Không chỉ tăng cường thanh, kiểm tra, thu hồi nợ đọng, ngành bảo hiểm xã hội Sơn La cũng chủ động, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp. 

Ông Khúc Ngọc Nam, Phó Giám đốc BHXH huyện Mộc Châu cho biết: “Đợt dịch COVID-19 vừa qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành bảo hiểm xã hội đã triển khai 2 đợt hỗ trợ theo các nghị quyết 68 và 16. Các đơn vị được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất và được giảm tiền đóng quỹ tai nạn lao động, quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bởi vậy, sau đợt dịch, các đơn vị đã hoạt động trở lại bình thường và số tiền thu nộp đã quay lại đúng guồng”.

Thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hơn 10 năm nay, bà Vũ Thị Yến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Yến Minh, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, chia sẻ: “Trong quá trình tham gia đóng bảo hiểm, công ty có 2 trường hợp lao động nữ sinh con. Khi chúng tôi làm các thủ tục để hưởng BHXH đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình của BHXH Yên Châu, người lao động được chi trả quyền lợi về thai sản rất kịp thời”.

Tỉnh Sơn La hiện có trên 3.200 đơn vị tham gia BHXH bắt buộc, với hơn 60.500 lao động tham gia. Từ đặc thù của tỉnh miền núi phần lớn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, ngành BHXH đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động, để quyền lợi của họ không bị “treo”.

Ông Phạm Đình Đạt, Phó Giám đốc BHXH huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Chúng tôi đã triển khai cài đặt phần mềm VssID cho người lao động để họ có thể tra cứu trên VssiD, biết được quá trình nộp tiền BHXH của mình; nếu đơn vị chưa nộp tiền thì phải có ý kiến với đơn vị cũng như là thông báo với các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo quyền lợi cho bản thân”.

Đích đến của việc tham gia bảo hiểm xã hội là người lao động được hưởng quyền lợi chính đáng, đảm bảo đời sống, yên tâm lao động, sản xuất. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, ngành BHXH tỉnh Sơn La đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho người lao động.

Cùng với việc tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, các cấp, các ngành và người dân Sơn La cũng kỳ vọng lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây sẽ khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập.

Theo đó, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; trong đó có các biện pháp, chế tài xử lý vi phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của người sử dụng phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động...

Điều này có thể hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đặc biệt là trong thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu hồi; đảm bảo quyền tham gia và thụ hưởng BHXH của người lao động. Đây sẽ là bước đột phá thực hiện lộ trình cải cách, để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam./.

Bài liên quan
ĐBQH vẫn băn khoăn việc rút BHXH một lần
Các ĐBQH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề rút BHXH một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ 20 năm đóng BHXH.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất