Khai mạc chương trình “Hành trình Đỏ” toàn quốc lần thứ XII

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên | 02/06/2024, 20:43

Ngày 2/6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban Tổ chức Hành trình đỏ Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Chương trình vận động Hiến máu tình nguyện "Hành trình Đỏ" toàn quốc lần thứ XII, mở đầu cho hành trình kéo dài 2 tháng sẽ đi qua 51 tỉnh/ thành trong cả nước.

Sau 11 năm tổ chức, “Hành trình Đỏ” với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt” đã ngày càng lan toả và nhận được sự tham gia phối hợp của nhiều địa phương trên cả nước, đã trở thành một chiến dịch truyền thông, vận động và tổ chức hiến máu có quy mô lớn nhất ở Việt Nam. Đến nay đã có 58 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia tổ chức thành công “Hành trình Đỏ”, chương trình đã thu hút hàng triệu người tham dự, tiếp nhận được trên 815.000 đơn vị máu. Năm 2024, chương trình "Hành trình Đỏ" lần thứ 12 sẽ được tổ chức tại 51 tỉnh, thành phố trong tháng 6 và tháng 7, năm nay cũng là năm có số địa phương tham gia tổ chức “Hành trình Đỏ” đông nhất qua các năm.

“Hành trình đỏ” năm 2024 với mục tiêu: Tuyên truyền và tư vấn cho 1 triệu lượt người về hiến máu tình nguyện và bệnh tan máu bẩm sinh; dự kiến tiếp nhận tối thiểu 120.000 đơn vị máu; vận động ít nhất 8.000 tình nguyện viên tại các địa phương là cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ, người tình nguyện tham gia "Hành trình Đỏ" và các hoạt động nhân đạo tại địa phương, đơn vị.

Để thực hiện được mục tiêu này, bà Bùi Thị Hòa, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam yêu cầu: “Tôi đề nghị Ban chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyên tại các địa phương và Ban Tổ chức "Hành trình đỏ" xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình. Đẩy mạnh các hình thức truyền thông một cách sáng tạo và nhạy bén để dẫn dắt, định hướng xã hội về những giá trị tốt đẹp nhân văn của hoạt động Hiến máu nhân đạo. Chú trọng công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, giữa công tác vận động tuyên truyền, vận động và thực hiện quy trình hiến máu, tiếp nhận, sàng lọc, bảo quản, phân phối máu và các chế phẩm từ máu; giữa các khâu trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn, truyền thông, hậu cần để các chiến dịch và sự kiện về máu và đăng ký hiến mô, tạng…thực sự an toàn, tiết kiệm và hiệu quả".

Bài liên quan
Người phụ nữ “trốn” gia đình vượt 90km đi hiến máu trong dịp Tết
Trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh năm 2024, mỗi người đến từ các vùng miền khác nhau, độ tuổi khác nhau, nhưng tất cả họ đều xuất phát từ tấm lòng mong muốn được cho đi, được sẻ chia giọt máu đào cùng cộng đồng, giúp đỡ bệnh nhân đang cần máu mỗi ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước: "Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”
Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại Lễ ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 1/7.
Mới nhất