Thông tin được GS.TS Nguyễn Quốc Kính, Phó Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam cho biết tại chương trình tập huấn về hiến, ghép mô tạng từ người chết não do Bộ Y tế tổ chức, ngày 15/11.
Theo chuyên gia, người chết não, tình trạng sức khoẻ chuyển biến rất nhanh nếu không hồi sức tốt, chức năng tạng nhanh bị suy, bác sĩ không thể lấy để ghép cho các bệnh nhân.
“Do đó, việc hồi sức chết não có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn tạng chất lượng. Để đảm bảo nguồn tạng ghép tốt nhất, các bác sĩ cần hồi sức hô hấp, tuần hoàn, điều trị thiếu máu, hạ thân nhiệt, rối loạn đông máu tốt”, GS Kính nói.
Cùng quan điểm trên, PGS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, cho biết việc hồi sức tạng khi chết não rất quan trọng. Để tạng ghép thành công, tạng được lấy ra phải tốt. Do đó, từ khi chuyển bệnh nhân đến viện, bệnh nhân phải được hồi sức tốt từ hệ thống cấp cứu ngoại viện.
Số người chết não hiến tạng từ 2008 đến 1/11 là 183 ca. Đáng chú ý, riêng 11 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến tạng đạt con số ấn tượng với 28 ca (năm 2023 chỉ 14 ca chết não hiến mô tạng), góp phần làm tăng số tạng hiến từ người chết não.
Số người chết não hiến mô tạng tăng lên, song số người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Thực tế này đi ngược với xu hướng của thế giới, bởi ở nhiều quốc gia, tạng hiến từ người chết não chiếm đa số.
Theo ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, thời gian qua, đơn vị đã giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, Bệnh viện Bãi Cháy thành lập hội đồng đánh giá chết não. Đồng thời cử y bác sĩ của các bệnh viện này đi học tập về kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện Việt Đức, sau khi học xong, có thể sẽ tiếp tục học tập ở nước ngoài để về triển khai ghép tạng vào năm 2025.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chết não hiến mô, tạng. Để làm được điều này, việc quan trọng là phát hiện những người chết não tiềm năng để tổ tư vấn tiếp cận với người thân, gia đình của họ và vận động. Hy vọng mỗi bệnh nhân chết não nếu hiến tạng có thể cứu sống từ 8-10 người”, ông Diện cho biết.
Tại Việt Nam, ca ghép thận đầu tiên, cũng là ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện vào năm 1992 với sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Trong ca ghép đầu tiên này, các giáo sư đầu ngành của các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện 103 và Học viên Quân y đều tham gia.
Đến tháng 7/1993, các giáo sư, bác sĩ trong Học viện Quân y thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên, không cần sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài. Từ một quốc gia đi sau so với thế giới trong lĩnh vực ghép tạng, Việt Nam lại có tốc độ phát triển vượt bậc, liên tục xác lập những thành tựu mới.
Năm 2017, Việt Nam thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên và ghép tim cho bệnh nhi. Năm 2018, ghép phổi và ghép thận thành công từ người cho chết não. Năm 2019 thực hiện đồng thời một loạt ca mổ lấy - ghép đa tạng từ người hiến chết não.