Hơn 100.000 lượt CBCS Công an dầm mình trong mưa gió, sát cánh cùng dân vượt qua bão số 3

Theo Quỳnh Vinh/Báo Công an nhân dân | 08/09/2024, 20:33

Trong sáng 8/9, các đơn vị trực thuộc Bộ như: Bộ Tư lệnh CSCĐ; Cục Cảnh sát PCCC&CNCH; Cục CSGT... đang huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương tham gia tìm kiếm người mất tích, CNCH, khắc phục hậu quả mưa bão... Qua đó, góp phần lan toả hình ảnh đẹp của lực lượng CAND "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ",...

Cơn bão số 3 có tên Yagi với cường độ siêu bão đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh phía Bắc như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thủ đô Hà Nội, Thái Bình..., gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương về người và tài sản. Cơn bão qua đi, bên cạnh khung cảnh ngổn ngang, đổ vỡ của nhà cửa, công trình, cây cối..., vẫn ngời sáng những hình ảnh đẹp đẽ, nhân văn của CBCS CAND ứng trực 24/24h, toả ra khắp các địa bàn xung yếu, dầm mưa, sát cánh với nhân dân, giúp dân chống chọi với cơn bão. Và sau bão, họ vẫn tiếp tục ứng trực, xuống cơ sở giúp bà con dựng lại nhà, phát chặt cây đổ, khắc phục hậu quả...

Lan toả tinh thần quyết liệt từ người đứng đầu

Có thể nói, siêu bão Yagi đã được dự báo, nhận định từ rất sớm và chính xác về cả đường đi, mức độ nguy hiểm... Sáng 5/9, bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão, được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 87, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp với bão. Trong đó, yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Bí thư và Chủ tịch UBND các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Thực hiện nghiêm túc các Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong ngày 5/9, Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Công điện gửi Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và Công an các địa phương về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ. Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc và tham mưu triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống bão. Tạm hoãn các cuộc họp không thật cấp bách; tập trung huy động các lực lượng cho công tác phòng, chống bão và mưa, lũ...; giao các đồng chí lãnh đạo trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão, lũ. Thủ trưởng các đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ nếu để xảy ra việc chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm, chậm triển khai ứng phó, phòng, chống bão, mưa, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.

Bộ trưởng Lương Tam Quang yêu cầu chủ động cập nhật thông tin sát diễn biến của bão, mưa lũ; tổ chức hướng dẫn người dân thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, mưa lũ, sạt lở đất gây ra. Khẩn trương phối hợp sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản bảo đảm an toàn, nhất là tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ ngập sâu do sóng lớn, nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không đảm bảo an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn.

Đại tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cùng Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tình hình đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão tối  7/9.

"Bố trí lực lượng thường trực, ứng trực 100% quân số cùng phương tiện triển khai ngay các biện pháp bảo đảm ANTT, phòng, chống bão, lũ tại cơ sở, đặc biệt là tại khu vực xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, không chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ. Phối hợp kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn cháy nổ, ANTT,  an toàn xã hội", Công điện nêu rõ.

Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", "3 sẵn sàng"

Tiếp đó, trưa 6/9, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ Công an (Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đã chủ trì họp triển khai công tác phòng, chống khẩn cấp bão số 3 và mưa lũ.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến yêu cầu, Công an các đơn vị, địa phương bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công an để kịp thời triển khai các phương án phòng, chống lụt bão sát với thực tiễn tình hình của từng đơn vị, địa phương và đặc điểm của từng địa bàn như miền núi, ven biển… nhằm chủ động các phương án, phối hợp các ngành, các cấp, chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", "3 sẵn sàng" để khi bão đổ bộ, gây mưa lớn sẽ có các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chỉ huy tại chỗ, đúng theo chỉ đạo của Bộ. 

Bên cạnh đó, thống nhất đầu mối công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo Công an tỉnh, các đơn vị tham mưu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, rà soát. Tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau bão; đặc biệt là các phương án liên quan đến trước khi bão đổ bộ; chú trọng các điểm xung yếu, đảm bảo an toàn giao thông, các phương án đảm bảo ANTT khi xảy ra mưa lũ, sạt lở đất… gây chia cắt địa bàn. Đồng thời, chủ động các phương án di dời dân ra khỏi vùng xung yếu, có nguy cơ sạt lở, ngập lụt để đảm bảo an toàn; các phương án đảm bảo an toàn trụ sở, cơ quan của lực lượng CAND, các trại tạm giam, nhà tạm giữ, trụ sở độc lập của Công an các đơn vị, địa phương; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, tránh bị chia cắt...

Cần phải nói thêm rằng, bão số 3 là cơn bão rất đặc biệt, hình thành phía Đông của Philipines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hoá, gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là miền núi phía Bắc đã bị tổn thương rất nặng nề do các đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất dồn dập trong tháng 7, tháng 8 năm 2024.

Cơn bão này vào Biển Đông sáng 3/9, di chuyển nhanh và gia tăng cường độ cấp 16, giật cấp 17 vào 10h ngày 5/9, duy trì cấp độ siêu bão thời gian rất dài (30 tiếng), đi vào đất liền trưa 7/9 với thời gian lưu bão kéo dài (trên 12 tiếng). Đến sáng nay, 8/9, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền khu vực Tây Bắc Bộ.

Huy động hơn 100.000 lượt CBCS Công an 

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Bộ Công an đã tham mưu Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA và lãnh đạo Bộ ban hành 3 Công điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiệm vụ bảo đảm ANTT, ứng phó khẩn cấp với bão số 3, mưa lũ; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định, chủ động cập nhật thông tin, nắm chắc tình hình, diễn biến của bão, mưa lũ sau bão; phối hợp các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương tuyên truyền, thông báo cho nhân dân về tình hình, biện pháp ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ.

Đồng thời, tổ chức họp Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA và trực tuyến đến 35 Công an đơn vị, địa phương dự báo bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa lũ; tham gia nghiêm túc, kịp thời các cuộc họp của Trung ương, Đoàn công tác tiền phương của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương tại TP Hải Phòng để chỉ đạo các lực lượng, địa phương ứng phó với bão số 3 và mưa lũ; sẵn sàng kinh phí, lực lượng, trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng, chống lụt bão, cứu nạn, cứu hộ để chi viện cho Công an địa phương khi cần thiết...

Tại Quảng Ninh - địa phương đầu tiên "gặp bão", ngay trong tối 5/9, Đại tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh đã chủ trì cuộc họp khẩn trực tuyến với Công an các đơn vị, địa phương về chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Tối 7/9, trong ngày bão đổ bộ, Đại tá Trần Văn Phúc cùng Đoàn công tác do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh dẫn đầu đi kiểm tra tình hình đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão tại Cảng cá Cái Xà Cong, phường Hà Phong, TP Hạ Long. Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, Công an tỉnh đã huy động khoảng  5.000 CBCS, hàng trăm xuồng, hàng nghìn phương tiện các loại để sẵn sàng ứng phó khi bão Yagi đổ vào.

"Sau khi bão đi qua địa bàn, chúng tôi xác định khi hoàn lưu và mưa lớn xảy ra mới là thời điểm quan trọng, lực lượng Công an Quảng Ninh tập trung xác định những địa bàn xung yếu, có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng CNCH người dân ra khỏi nơi bị kẹt; đồng thời di dời người dân ở nơi nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn, đảm bảo không thiệt hại về người...", Đại tá Trần Văn Phúc chia sẻ. Và ngay sau khi cơn bão đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh tiếp tục chủ trì họp trực tuyến khẩn cấp để triển khai nhiệm vụ khắc phục hậu quả...

Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, ngày 7/9, Đại tá Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã trực tiếp kiểm tra, động viên các lực lượng tham gia công tác phòng, chống bão tại một số trạm bơm thuộc huyện Tiên Lữ, Phù Cừ; các tuyến sông, các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh và công tác thường trực chiến đấu của lực lượng CSGT toàn tỉnh. Tại các địa phương khác: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc..., lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố đều trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra công tác giúp dân ứng phó với cơn bão.

Đối với lực lượng CSGT Công an 36 đơn vị, địa phương (Cục CSGT và 35 địa phương) đã tổ chức huy động 100% quân số trực, ứng trực với 2.398 CBCS CSGT trực tiếp tham gia phòng chống bão, lũ; huy động 1.540 ô tô các loại; 251 phương tiện thuỷ (tàu, xuồng) các loại; 10.364 phương tiện các loại (xe mô tô, áo pháo, cưa máy, dao các loại, dây thép, dây linon...). Tăng cường tuần tra để phát hiện, khắc phục các sự cố giao thông, cùng các lực lượng khác hỗ trợ nhân dân chống bão; đồng thời, rà soát lại toàn bộ các điểm có nguy cơ sạt lở, các khu đoạn, tuyến đường thường xuyên bị ngập lụt để có phương án bố trí lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến, địa bàn; cảnh báo, hướng dẫn, phân luồng giao thông, không cho người và phương tiện đi vào các điểm trên để phòng ngừa xảy ra tai nạn, lũ cuốn người, phương tiện...

Về kết quả, Bộ Công an đã huy động hơn 100.000 lượt CBCS của Công an 35 tỉnh, thành phố dự báo bị ảnh hưởng bởi bão số 3 giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa, tuyên truyền, vận động nhân dân đến nơi tránh trú bão an toàn, sơ tán gần 53.000 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn. Phối hợp Bộ đội Biên phòng kiểm đếm, hướng dẫn hơn 51.000 tàu cá/gần 220.000 người về nơi tránh trú an toàn; bố trí các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng chống bão.

Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai nghiêm túc các công điện, điện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và UBND cấp tỉnh để chủ động ứng phó với bão số 3, hoàn lưu bão; huy động lực lượng đảm bảo ANTT, an toàn giao thông để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt. Điển hình như, chiều 7/9, một nhà dân khu vực chân dốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bị sạt lở, trong nhà có 1 cụ bà bị thương nhẹ. Nhận được tin báo, CBCS Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời có mặt tại hiện trường và đưa cụ bà ra ngoài an toàn.

Cũng trong ngày 7/9, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TP Hải Phòng đã tiếp cận, di chuyển hàng trăm người thoát khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, đặc biệt là cứu được 6 người bị lạc tại tầng thông lưu xuống dưới hầm để xe của tòa nhà Hoàng Huy và giúp đưa 1 người không thể tự di chuyển đang ngồi trên đường Thiên Lôi đến nơi an toàn. Quá trình tuần tra trên đường Lạch Tray, phát hiện 1 phụ nữ mang thai điều khiển mô tô bị gió to làm ngã, Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng đã kịp thời hỗ trợ gửi phương tiện của nạn nhân vào cây xăng gần đó và trực tiếp dùng xe ô tô CSGT chở người phụ nữ về nhà an toàn.

Tại Thủ đô Hà Nội, Công an quận Hoàng Mai đã phối hợp chính quyền địa phương vận động 160 người dân sống tại chung cư đang bị xuống cấp tại A7 Tân Mai di dời đến trường tiểu học Tân Mai đảm bảo an toàn trước cơn bão số 3; Xe chữa cháy Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Nam Từ Liêm trên đường đi làm về đã di chuyển chậm để cản gió, che chắn, hỗ trợ khoảng 30 xe máy qua tuyến đường Trần Hữu Dực - Trịnh Văn Bô an toàn qua gió bão.

Tại Vĩnh Phúc, khoảng 23h35 đêm 7/9, Công an huyện Tam Đảo phối hợp Công an xã Đạo Trù và Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH có mặt hiện trường, giải cứu 3 người bị mắc kẹt tại khu đất của ông Đỗ Văn Sỹ (SN 1973), trú thôn Tân Tiến, xã Đạo Trù bị ngập úng, do dòng nước của con suối bên cạnh tràn vào nhà, cô lập hoàn toàn với các khu vực xung quanh... 

Tiếp tục giúp dân khắc phục hậu quả, ứng phó với mưa lũ

Hiện, Văn phòng Bộ Công an vẫn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai và diễn biến của bão số 3, mưa lũ sau bão để kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khắc phục hậu quả mưa bão. Công an các địa phương tiếp tục giúp dân khắc phục hậu quả, ứng phó với hoàn lưu mưa sau bão. Chẳng hạn, từ 2h sáng 8/9, mưa lớn gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại khu vực gần sông Thương, thị trấn Đồng Mỏ và xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Nước sông dâng cao làm ngập hơn 200 hộ dân, gây mất điện, mất sóng điện thoại và cô lập nhiều khu dân cư. Công an huyện Chi Lăng đã lập các chốt chặn và đặt biển cảnh báo người dân không đi qua các khu vực nguy hiểm; nhanh chóng hỗ trợ di dời người và tài sản. Đặc biệt, đã giải cứu 2 cháu bé tại Khu Ga Bắc, thị trấn Đồng Mỏ khỏi vùng ngập lụt, đưa đến nơi an toàn...

Trong sáng 8/9, các đơn vị trực thuộc Bộ như: Bộ Tư lệnh CSCĐ; Cục Cảnh sát PCCC&CNCH; Cục CSGT... đang huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương tham gia tìm kiếm người mất tích, CNCH, khắc phục hậu quả mưa bão... Qua đó, góp phần lan toả hình ảnh đẹp của lực lượng CAND "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", đồng thời tiếp thêm niềm tin cho nhân dân về  một lực lượng sẵn sàng cạnh bên giúp đỡ người dân, trở thành điểm tựa vững chãi cho người dân trong thiên tai, mưa bão, bởi "lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an"...

Bài liên quan
Người Việt tìm kiếm gì trên mạng 3 tháng qua?
Theo thống kê mới nhất, trên các công cụ tìm kiếm ghi nhận nhiều từ khóa có lượng tìm kiếm tăng đột biến, đặc biệt bão Yagi có mức quan tâm lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tạo nhiều dấu ấn lịch sử
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp, đánh dấu những bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Mông Cổ, Ireland và Pháp, tiếp tục truyền đi thông điệp về một Việt Nam luôn tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế.
Mới nhất