Hôm nay, Quốc hội thảo luận tình hình ngân sách Nhà nước

PV/VOV.VN | 05/11/2024, 10:16

VOVLIVE - Sáng nay (5/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng nay (5/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2025 - 2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước.

Thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Thu ngân sách năm 2024 vượt dự toán

Theo báo cáo, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024 là 1.700,99 nghìn tỷ đồng, thực hiện 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2023.

Đánh giá cả năm ước đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, vượt 172,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so dự toán; đạt tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước khoảng 16,5% GDP, trong đó từ thuế, phí đạt 13,1% GDP.

Về chi ngân sách Nhà nước, dự toán là 2.119,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện 9 tháng đạt 59,3%. Ước cả năm đạt 2.281,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so dự toán.

Như vậy, ước bội chi cả năm khoảng 389,4 nghìn tỷ đồng, bằng 3,4% GDP, giảm 10 nghìn tỷ đồng so với dự toán (399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP) do giảm chi nguồn vay của ngân sách địa phương.

Cũng theo báo cáo, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024. Tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước đạt khoảng 16% GDP.

Trong đó, dự toán thu nội địa là 1.668,3 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 85% tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước và tăng khoảng 6,1% so ước thực hiện năm 2024.

Theo đánh giá của Chính phủ, dự toán thu ngân sách Nhà nước được đặt trong bối cảnh còn rủi ro khi kinh tế - xã hội trong và ngoài nước có nhiều biến động, mặt bằng chính sách thu trở lại bình thường, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, tiến độ thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước thời gian qua vẫn chậm... dẫn đến khó khăn khi thực hiện dự toán thu.

Trong khi đó, áp lực chi lớn, chi cho các công trình hạ tầng quan trọng, các nhiệm vụ quan trọng cấp bách về chính trị, đối ngoại, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội. Nhiều bộ ngành phản ánh việc tiết kiệm chi thường xuyên nhiều năm liên tục dẫn tới khó khăn trong tổ chức thực hiện. Nhu cầu vay năm 2025 ở mức 800 nghìn tỷ, cao nhất từ trước đến nay.

Ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển

Về dự toán chi ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Chính phủ dự kiến bố trí đảm bảo các nguyên tắc: ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ở mức tích cực; bố trí chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn; dự toán chi dự phòng, dự trữ quốc gia ở mức hợp lý để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. 

Đồng thời, bố trí đủ chi trả tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và các chính sách an sinh xã hội khác; bố trí chi thường xuyên triệt để tiết kiệm, ưu tiên các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chính trị quan trọng; bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia theo phê duyệt của cấp thẩm quyền; bố trí các chương trình mục tiêu theo ý kiến cấp có thẩm quyền; bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị đang hưởng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Năm 2025, để đảm bảo chi trả tiền lương khu vực công theo lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, ngoài số cân đối bố trí từ nguồn thu ngân sách Nhà nước, dự kiến sử dụng khoảng 110 nghìn tỷ đồng nguồn tích lũy cải cách tiền lương.

Theo đó, dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2025 là 2.548,9 nghìn tỷ đồng.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí một số kiến nghị của Chính phủ về việc hạn chế ban hành các chính sách giảm thu ngân sách năm 2025 nhằm đảm bảo huy động đủ ngân sách cho các nhiệm vụ chi. Đồng thời, tán thành chủ trương chưa điều chỉnh tăng lương, trợ cấp; cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của trung ương và địa phương để triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ cần xây dựng dự toán những năm tới sát thực tiễn trên cơ sở năm 2024 thu ngân sách khả năng vượt 10,1% so với dự toán. Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng yêu cầu các địa phương hụt thu ngân sách cần có giải pháp cắt giảm chi, đảm bảo dự toán cuối năm.

Từ 10h sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản; sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam
VOVLIVE - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong rằng, Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân thấy rõ trách nhiệm trong việc gìn giữ, vun đắp quan hệ hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tìm được người tài để vận hành bộ máy
VOVLIVE - Người phát ngôn Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng nhất khi tinh gọn bộ máy là tìm được người tài để vận hành bộ máy. Làm như vậy mới có được kết quả tích cực.
Mới nhất