Hội nghị thượng đỉnh EU quyết định tương lai quan hệ Anh -EU

Quang Dũng/VOV-Paris | 16/10/2020, 12:01

Câu chuyện nước Anh rời khỏi “mái nhà chung” Liên minh châu Âu (EU) (gọi tắt là Brexit) vẫn chưa đi đến hồi kết và trở thành chủ đề thời sự “nóng” nhất tại châu Âu trong những ngày qua.

Trên lý thuyết, Anh đã chính thức rút khỏi EU từ ngày 31/1 năm nay và có gần 1 năm cho “quá trình chuyển tiếp” để hai bên định hình mối quan hệ trong tương lai ở tất cả các lĩnh vực từ thương mại tới giao thông và hợp tác hạt nhân. Càng gần đến cuối năm, các cuộc đàm phán càng trở nên gấp rút trong bối cảnh vẫn còn quá nhiều khác biệt.

Hội nghị thượng đỉnh 27 nước thành viên EU diễn ra ngày 15/10 (theo giờ địa phương) được xem là thời hạn chót để các bên quyết định liệu có đạt được thỏa thuận nào hay không. Giới quan sát kỳ vọng, hai bên sẽ có sự nhượng bộ lẫn nhau để tránh một cuộc “chia tay” không thỏa thuận sẽ gây bất lợi cho cả hai.

Những diễn biến mới nhất về Hội nghị thượng đỉnh EU

Kết thúc phiên họp đầu tiên trong đêm qua theo giờ Brussels, hai phía Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh đã đạt được một số tiến bộ nhất định để có thể tạo bàn đạp cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Đầu tiên, đó là hai bên đã thống nhất sẽ kéo dài các cuộc đàm phán, mà theo như Trưởng đoàn đàm phán của EU là ông Michel Barnier là EU sẵn sàng đàm phán đến ngày cuối cùng để đạt được thỏa thuận.  Bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, cũng thông báo là đã có tiến bộ đáng kể trong một số lĩnh vực, dù không nêu rõ cụ thể là gì.

Tuy nhiên, về phía Anh, đang có những tín hiệu trái ngược. Trưởng đoàn đàm phán phía Anh là ông David Frost mặc dù vẫn khẳng định quyết tâm của phía Anh về việc đạt được thỏa thuận hậu Brexit nhưng cũng tuyên bố rằng các đòi hỏi mới nhất của EU là rất đáng thất vọng và đáng ngạc nhiên. Phía Anh cũng thông báo rằng trong ngày hôm nay, 16/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ nêu rõ cách tiếp cận mới với phía EU trong các cuộc đàm phán. Trước đó, trong các cuộc đàm phán đang được tiến hành tại Brussel song song với Thượng đỉnh EU, phía EU đã yêu cầu rất rõ là phía Anh cần phải nhượng bộ trong 3 vấn đề mấu chốt. Vấn đề đầu tiên là cạnh tranh thương mại công bằng, tức Anh phải có tiêu chuẩn tương đương EU về trợ cấp nhà nước, về môi trường hay quyền của người lao động. Tiếp đến, EU yêu cầu Anh phải nhượng bộ về cơ chế giải quyết tranh chấp và thỏa thuận về nghề cá. Đây là 3 trở ngại chính trong các đàm phán, trong khi một số lĩnh vực khác được cho là đã thu hẹp đáng kể khoảng cách bất đồng như giao thông hay an sinh xã hội.

Những “nước cờ” trước khi thời gian chuyển tiếp kết thúc?

Trong các cuộc đàm phán từ tháng 3/2020 đến nay, hai phía EU và Anh đều giữ quan điểm rất cứng rắn. Cho đến nay, chưa có bên nào chịu đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào lớn, khiến 10 vòng đàm phán rơi vào bế tắc. Có hai nguyên nhân chính cho sự bế tắc này. Về phía Anh, chính phủ của ông Boris Johnson vẫn đang tiếp tục sử dụng chiến thuật đẩy căng thẳng và bất ổn lên cao cho đến phút chót để buộc EU nhượng bộ, giống như những gì đã diễn ra cuối năm 2019, khi ông Boris Johnson đạt được thỏa thuận Brexit với EU nhờ vào khoảng 3 tuần đàm phán marathon cuối cùng. Do đó, phía Anh vẫn sử dụng chiến thuật một mặt đàm phán, mặt khác đẩy mạnh tuyên truyền về kịch bản “không thỏa thuận” để gây sức ép với EU.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn trong thái độ đàm phán của EU lần này. Khác với thỏa thuận Brexit để xử lý việc Anh rời EU, thỏa thuận lần này mà EU đàm phán với Anh là một thỏa thuận định hình quan hệ chiến lược trong tương lai giữa hai bên. Vì thế, EU có nhận thức rất rõ về việc nước Anh có thể trở thành một đối thủ nguy hiểm cạnh tranh trực tiếp với EU ở ngay cửa ngõ EU. Đó là lí do mà cho đến nay, EU kiên quyết đòi hỏi Anh phải chấp nhận nguyên tắc “sân chơi thương mại công bằng”, tức Anh phải tuân theo các tiêu chuẩn của EU thì mới cho phép Anh tiếp cận thị trường chung châu Âu. EU cực kỳ lo ngại Anh trở thành một quốc gia “phá giá” ở ngay cửa ngõ châu Âu. Tiếp đến, vấn đề nghề cá trở thành trở lực lớn khi một số nước EU, đặc biệt là Pháp, coi đây là lĩnh vực không thể nhượng bộ vì Tổng thống Pháp Macron rất cần sự ủng hộ của lực lượng cử tri trong nghề cá ở Tây Bắc nước Pháp. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác đó là hiện tại EU nhận thấy rất rõ rằng vị thế và uy tín chính trị của ông Boris Johnson trên chính trường Anh đang suy giảm rất mạnh do việc xử lý yếu kém đại dịch Covid-19, không còn ở thế áp đảo như sau cuộc tổng tuyển cử tháng 10/2019. Do đó, EU không muốn nhượng bộ, trong khi phía Anh vẫn muốn theo đuổi đến cùng chiến lược của mình. Vì thế, có thể hai bên sẽ kéo nhau đến những ngày đàm phán cuối cùng để xem bên nào sẽ chịu nhượng bộ nhiều hơn.

Kịch bản chia tay không thỏa thuận

Hiện tại, các lãnh đạo cấp cao của hai bên, từ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson đều tuyên bố rằng kịch bản “Brexit không thỏa thuận” là rất cao. Cả hai bên cũng khẳng định đã chuẩn bị cho kịch bản đó. Nếu kịch bản không thỏa thuận diễn ra, tác động dễ thấy nhất đầu tiên sẽ là sự đình trệ trong việc giao thương hàng hóa giữa hai bên. Các cảng Calais ở Pháp và Dover ở Anh sẽ chứng kiến hàng dài các xe chở hàng tắc nghẽn vì hai bên sẽ phải mất rất nhiều thời gian để thông quan do hai bên không có quy định chung để xử lý. Hải quan của 27 nước EU cũng như của Anh sẽ là lực lượng vất vả nhất. Để giải quyết sự tắc nghẽn đó, nước Anh sẽ phải đàm phán các quy định thuế quan riêng lẻ theo nguyên tắc “có đi-có lại” với 27 nước EU. Khi đó trao đổi thương mại giữa hai bên sẽ bị tác động nghiêm trọng, cả hai đều sẽ phải chịu thiệt hại kinh tế lớn, từ việc xuất nhập khẩu cho đến việc cấm các ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển của nhau.

Tác động nghiêm trọng thứ hai là quyền lợi của các công dân EU sống tại Anh và các công dân Anh đang sống tại các nước EU. Nhiều người có thể bị rơi vào tình trạng không giấy tờ hoặc cư trú bất hợp pháp, bị tước bỏ nhiều quyền lợi về pháp lý, an sinh xã hội và việc làm. Tiếp đến, hàng loạt các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên, về an ninh, hàng không dân dụng… cũng sẽ bị đình trệ. Đó sẽ là kịch bản mất mát với cả hai phía./.

Bài liên quan
Nga khóa van khí đốt sang Áo, EU lại "thấp thỏm" vì an ninh năng lượng
VOVLIVE - Nga hôm qua đã ngừng cung cấp khí đốt cho Áo do tranh chấp về thanh toán nhưng vẫn bơm khối lượng khí đốt ổn định sang các quốc gia châu Âu khác qua Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia
VOVLIVE - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
Mới nhất