Nhiều người còn có cảm giác buồn nôn, chóng mặt khi nhìn thấy hình ảnh nhiều lỗ tròn như tổ ong, gương sen, lỗ trên thân cây, hình xăm lỗ trên cơ thể người.
Nguồn gốc căn bệnh
Xuất hiện lần đầu vào năm 2005, hội chứng trypophobia ban đầu không được y học công nhận là một chứng bệnh.
Những người mắc hội chứng trypophobia luôn có cảm giác khó chịu sau khi nhìn vào hình ảnh các lỗ gần nhau. Nhịp tim của họ tăng lên và phần não xử lý thị giác cũng hoạt động tăng đột biến. Một số nghiên cứu cho thấy trên thế giới có khoảng 15% số người, bao gồm 18% nữ và 11% nam, mắc dạng bệnh này.
Paul Hibbard -giáo sư tâm lý thuộc Đại học Essex (Anh) cho biết, những hình ảnh thủng lỗ chỗ có kết cấu có thể nói là rất khó chịu, khiến cho khu vực chịu trách nhiệm phân tích thông tin thị giác không thể làm việc hiệu quả. Để có thể xử lý thông tin, não bộ sẽ yêu cầu nhiều oxy hơn. Tuy nhiên đối với một số người, việc yêu cầu quá nhiều oxy sẽ khiến não bị quá tải, còn cơ thể phản ứng lại bằng các cảm giác như chóng mặt, buồn nôn... để buộc những người này không tiếp tục nhìn nữa.
Nỗi sợ hãi lạ lùng
Hầu như tất cả người bị chứng tripophobia đều có biểu hiện giống như bị stess: nhịp tim nhanh, huyết áp tăng, vã mồ hôi, hơi thở dồn dập. Nỗi sợ sẽ dai dẳng, không thể kiểm soát, xuất hiện cả trong giấc mơ. Đôi khi xảy ra những cơn hoảng loạn giống bệnh nhân tâm thần. Người bệnh sợ những cái lỗ, khiến cho cuộc sống của họ không khi nào bình yên, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đến chất lượng sống.
Hiện ngành y chưa gọi chứng sợ những cái lỗ là “bệnh”, cũng không có trong danh sách bệnh tâm thần. Các nhà khoa học cho rằng trypophobia là một dạng ghê tởm hơn là nỗi sợ. Nó là một dạng phản ứng tổng hợp thái quá trước các yếu tố có thể gây nguy hiểm.
Liệu pháp điều trị
- Điều trị bằng tiếp xúc: Với phương pháp này, người điều trị sẽ tăng dần mức độ tiếp xúc của bạn với yếu tố kích thích gây ra triệu chứng sợ hãi, giúp bạn điều khiển nỗi sợ hãi bằng nhiều dụng cụ khác nhau. Việc tiếp xúc dần dần và lặp đi lặp lại qua thời gian sẽ giúp bạn giảm bớt nỗi sợ hãi. Sau đó dần làm chủ được tình huống khi bạn nhìn thấy hình ảnh có nhiều lỗ nhỏ.
- Liệu pháp nhận thức - hành vi: Liệu pháp này cũng bao gồm việc tiếp xúc từng bước với yếu tố kích thích. Liệu pháp này còn có nhiều kỹ thuật khác có thể giúp bạn giải quyết vấn đề ở nhiều phương diện khác nhau. Cách này cũng sẽ thay đổi quan điểm của bạn về chứng sợ hãi và tác động của nó trong cuộc sống hàng ngày của bạn.
- Sử dụng thuốc: Điều trị theo hướng dẫn chỉ định của bác sỹ tâm lý. Các loại thuốc kê đơn như chống trầm cảm, thuốc trầm cảm, thuốc ức chế bêta. Nhưng lưu ý việc điều trị bằng thuốc chỉ nên sử dụng khi chứng sợ hãi ngoài tầm kiểm soát và ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, không nên lạm dụng quá nhiều. Trong trường hợp nhẹ, cách tốt nhất là dùng liệu pháp tâm lý hay cách khác để hạn chế lo lắng, ám ảnh như tập thể dục, ngồi thiền, tập yoga.
(Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống)