Sáng 7/10, cho ý kiến vào dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban TVQH đề nghị phân cấp, phân quyền mạnh cho doanh nghiệp nhà nước gắn với quy định về kiểm tra, giám sát; đảm bảo nhà nước kiểm soát chặt chẽ đối với nguồn lực đầu tư tại doanh nghiệp nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp.
Khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: phiên họp này, công tác lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm, Ủy ban TVQH sẽ cho ý kiến về 8 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết; xem xét, cho ý kiến đối với các báo cáo về kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước, công tác dân nguyện trình Quốc hội. Ủy ban TVQH cũng sẽ cho ý kiến về 03 vấn đề quan trọng gồm: chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; công tác nhân sự: "Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 rất nhiều nội dung so với các kỳ họp nhưng chúng ta phải lãnh đạo, tổ chức thành công kỳ họp thứ 8. Đây là niềm tin của người dân kỳ vọng vào kỳ họp thứ 8".
Cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban TVQH đề nghị việc sửa đổi Luật nhằm khắc phục tối đa những tồn tại, hạn chế trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị:
"Trong quản trị, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mặc dù doanh nghiệp Nhà nước cần phải tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp; cắt giảm thủ tục hành chính, các quy trình, thủ tục; hạn chế cơ chế xin - cho. Cần phải làm rõ và tách bạch giữa quản lý nhà nước với đại diện quyền sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quyền chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp".
"Rất nhiều vấn đề, hoạt động đầu tư vốn phải trình tự, thủ tục thẩm quyền theo Luật; phải đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, phải bảo toàn phát triển vốn phải bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn; phải bảo đảm phù hợp với chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh và kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cái gì nằm ngoài kế hoạch thẩm quyền phê duyệt, đang rất có lợi là không dám làm, mất hết thời cơ, mất hết tính linh hoạt".
Ủy ban TVQH đề nghị phân cấp, phân quyền mạnh cho doanh nghiệp nhà nước gắn với quy định về kiểm tra, giám sát doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo nhà nước kiểm soát chặt chẽ đối với nguồn lực đầu tư tại doanh nghiệp nhưng nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp; giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.
Giải trình tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh quan điểm xây dựng Luật là chuyển "quản lý và sử dụng vốn nhà nước" thành "quản lý và đầu tư vốn nhà nước": "Luật hiện hành đang thiết kế theo kiểu can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của doanh nghiệp thì dự án dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp này quản lý dòng vốn. Đây là điểm khác của của dự thảo luật. Phân định về mặt thẩm quyền, dưới 51% là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp. SCIC bây giờ thuộc Ủy ban quản lý vốn của Nhà nước và chuyên về quản lý đầu tư trực tiếp, quyết định các vấn đề đầu tư vốn vào công ty cổ phần (trừ 23 Tập đoàn, Tổng công ty hiện giờ đang thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước và một số bộ, ngành). Còn Ủy ban quản lý vốn Nhà nước chỉ quyết định các vấn đề về chiến lược, kế hoạch và quyết định đầu tư trong một số trường hợp cụ thể phụ thuộc vào các tiêu chí, các điều kiện khác nhau".
Chiều 7/10, Ủy ban TVQH cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 và tham gia ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ: "Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất nặng nề. Đảng, Nhà nước đã quan tâm, dành nguồn lực đầu tư xây dựng lại cầu đường, đê kè trường học, hỗ trợ làm lại nhà cửa cho nhân dân; sự chia sẻ ủng hộ chung tay góp sức của nhân dân cả nước của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, của các tổ chức quốc tế đã góp công góp của để khắc phục hậu quả cơn bão. Nhiều cách làm sáng tạo nghĩa cử cao đẹp, hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn, bước đầu ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu đói, không còn sinh kế khá hiện hữu. Đề nghị Đảng, Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ về hạ tầng; về lương thực, cây con giống; vật tư thiết yếu để nhân dân vùng bị thiệt hại có điều kiện tái thiết lại cuộc sống".
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7, Ban Dân nguyện đã tổng hợp được 2.289 kiến nghị cử tri để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 1.942 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 84,8%: "Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo cho việc tổ chức thành công đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16; đề nghị sớm nghiên cứu, ban hành quy định về việc giải quyết kiến nghị, phản ánh, nhất là quy định về việc lấy ý kiến nhân dân đối với quy hoạch sử dụng đất đai, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội để hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động trong việc nắm tình hình, nhất là ở những địa phương tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp để đôn đốc, phối hợp giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở".
Cũng trong hôm nay, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Theo chương trình, ngày mai (8/10), Ủy ban TVQH cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; Cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo; dự án Luật Công nghiệp công nghệ số và Xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024.