Thắp sáng ước mơ từ lớp xóa mù chữ vùng biên

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên | 21/12/2024, 08:10

Nơi vùng biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, những lớp xóa mù chữ đang thắp sáng hy vọng cho nhiều người dân tộc thiểu số. Họ là những người mẹ, người cha, thậm chí đã lên ông lên bà, sau mỗi ngày làm lụng vất vả vẫn cần mẫn đến lớp buổi tối để mong "bắt được" con chữ để tìm hướng thoát nghèo.

Hơn 3 tháng nay, mỗi buổi tối từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Trần Phú (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) lại sáng đèn và vang vọng tiếng đánh vần. Lớp học có gần 40 thành viên là người dân tộc thiểu số đến từ các làng của xã Ia Dom, huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.  

Tại lớp học, bà Siu H’Phem (làng Mok Đen 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) 54 tuổi, học viên lớn tuổi nhất lớp, nắn nót viết chữ. Bà tâm sự, tuổi đã cao, học hơi chậm nhưng bà chăm chỉ tới lớp, giờ đã biết đọc, tự viết được tên của mình: “Gần 30 năm trước tôi cũng được đi học nhưng phải nghỉ giữa chừng vì lấy chồng, sinh con, cuộc sống nghèo khó khiến tôi không có điều kiện đi học nên lại mù chữ. Đến giờ có lớp học và được sự vận động của các thầy cô nên tôi quyết tâm đi học để tự biết viết tên của mình".

Địu đứa con 5 tháng tuổi trên lưng, chị Rơ Mah H’Với (làng Mok Đen 1, xã Ia Dom) chăm chú nghe cô giáo giảng bài. H’Với cho biết: 26 tuổi, có 3 đứa con, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Lớp học là cơ hội cho chị có thể vượt lên, nên H’Với siêng năng đến lớp vào mỗi buổi tối dù nhà xa trường gần 10km" “Tôi mong muốn đi học để biết chữ, sau này đi làm giấy tờ biết đọc, biết ký tên, được đi học tôi rất vui mừng vì Nhà nước đã mở lớp xóa mù chữ. Ở lớp học các giáo viên chỉ bảo nhiệt tình, vì vậy tôi cố gắng học để mình còn dạy lại con mình, giúp đỡ mọi người".

Cô giáo Trương Thị Cúc, người trực tiếp đứng lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Trần Phú cho biết: hầu hết học viên ở lớp học đặc biệt này đều lớn tuổi, là người dân tộc thiểu số, quanh năm chỉ quen với đồng áng. Giáo viên phải thật tỉ mỉ, kiên trì trong việc giảng dạy để học viên nắm được mặt chữ, rồi biết đánh vần, ghép chữ. “Rất là vui vì các học viên đã nhiệt tình ra đi học , họ rất muốn học, họ muốn biết nhiều cảnh đẹp của Việt Nam khi giáo viên giảng rất chăm chú. Các học viên rất đáng thương, những học viên xóa mù đa số là hộ nghèo, gia đình rất khó khăn nên họ rất mong muốn biết chữ. Việc dạy phải phân hóa đối tượng nhiều, các cô cũng vất vả hơn khi dạy với các lớp bình thường”, cô Trương Thị Cúc chia sẻ.

Tuy vậy, theo cô giáo Phan Thị Tâm, người có nhiều năm dạy xóa mù chữ, giai đoạn đầu giúp bà con biết đọc biết viết thì thuận lợi, nhưng đến giai đoạn sau  sĩ số học viên có sự biến động vì nhiều lý do. Nhiều khi giáo viên phải đến tận nhà chở học viên đến lớp: “Sang học kì 2 học viên nhận thức là đọc được, viết được thì nghĩ là được rồi nên tranh thủ đi làm việc nương rẫy, có một số thanh niên trong độ tuổi lao động đi làm ăn ở Bình Dương cho nên sĩ số giảm xuống. Việc vận động học viên cũng gặp khó khăn bởi vì họ đi làm về muộn, rồi có một số học viên rất nghèo, không có tiền xăng xe để đi học. Giáo viên vào vận động cho tiền sửa xe, vào chở đi, vận động bằng mọi cách, mọi hình thức để học viên được đi học đầy đủ".

Thực hiện chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2021 – 2025, huyện biên giới Đức Cơ đã mở 20 lớp học xóa mù chữ cho hơn 600 học viên. Đức Cơ đã thành lập ban chỉ đạo phổ cập xóa mù chữ tại các địa phương, phân công trách nhiệm cho các thành viên theo từng địa bàn cụ thể; tiến hành theo dõi, kiểm tra, giúp đỡ các địa bàn còn nhiều khó khăn. 

Ông Siu Luynh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, nói: “Khi bà con mình biết đọc, biết viết, việc tuyên truyền đối với bà con dễ dàng hơn rất nhiều, thậm chí là việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân. Qua đánh giá thì những bà con lớn tuổi biết đọc, biết viết họ có thêm niềm vui, cả nhà cùng học, bố mẹ, con cái, ông bà cùng học. Về phía chính quyền địa phương chúng tôi dễ về vấn đề trao đổi thông tin, các dự án đưa về thôn làng, đưa về cho bà con nhân dân”.

Những ánh đèn nhỏ trong lớp học xóa mù chữ đang sáng lên đều đặn mỗi tối, thắp sáng những ước mơ và niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn của bà con dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Đức Cơ, Gia Lai.

Bài liên quan
Nghĩa tình thầy thuốc mang quân hàm xanh ở biên giới Gia Lai
VOVLIVE - Cùng với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng, lực lượng quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai còn tham gia bảo vệ sức khỏe cho nhân dân tại cơ sở. Các thầy thuốc mang quân hàm xanh không chỉ khám, chữa bệnh mà còn bồi đắp niềm tin của bà con với lực lượng Biên phòng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội
Tổng Bí thư nêu rõ quan điểm, điều kiện tiên quyết để Quân đội nhân dân tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đó là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân.
Mới nhất