HĐND các tỉnh, thành xem xét quyết sách hàng loạt vấn đề quan trọng

Nhóm PV/VOV | 08/12/2022, 20:51

Ngày 8/12, nhiều tỉnh, thành tổ chức kỳ họp HĐND để đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và giải quyết nhiều vấn đề cử tri quan tâm, phản ánh.

TP.HCM không thể bỏ chợ truyền thống

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, HĐND TP.HCM khoá X, sáng nay (8/12) diễn ra hoạt động chất vấn với Giám đốc Sở Công thương TP.HCM.

Có 9 đại biểu đặt ra 15 câu hỏi với Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ. Đại biểu quan tâm đến việc chuẩn bị hàng Tết, điều hành hoạt động xăng dầu, việc bảo vệ người tiêu dùng, nhất là hoạt động trên các trang thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp đang biến tướng, hiệu quả triển khai đề án logistics, vấn đề giá cả tăng cao nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại thấp.

Đại biểu cũng quan tâm đến hiện tượng rau không sạch bằng cách nào đó được đưa vào siêu thị, các hệ thống phân phối, gây hoang mang trong người tiêu dùng.

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân quan tâm đến các giải pháp để hỗ trợ hoạt động của chợ truyền thống trong bối cảnh hiện nay. Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, TP.HCM có 232 chợ truyền thống, hình thành từ rất lâu. Đây là kênh phân phối quan trọng dù các kênh bán hàng hiện đại xuất hiện và phát triển.

Hiện nay, chợ truyền thống có một số khó khăn như diện tích không lớn, hạ tầng thiếu hệ thống thoát nước, vệ sinh, quầy sạp nhỏ, hoạt động kinh doanh xung quanh chợ mạnh mẽ nên cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tiểu thương…

Xác định tầm quan trọng của kênh phân phối truyền thống này, Sở Công thương TP đã triển khai hoạt động hỗ trợ như kết nối thông tin nguồn hàng; phối hợp với Hội Phụ nữ các cấp xây dựng phong trào “Người kinh doanh văn minh”; kết nối với các đơn vị khai thác công nghệ thông tin để ứng dụng trong kinh doanh và hiện có nhiều mô hình chợ truyền thống online…

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm, hiện Sở đang kết nối với các đơn vị để khai thác thực hiện ứng dụng trong kinh doanh chợ. Không chỉ hoạt động cố định theo các khung giờ nhất định trong ngày mà các tiểu thương ở các chợ có thể khai thác không gian hoạt động trong ngày để tăng doanh số bán hàng.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị với tư cách là người đứng đầu ngành công thương TP, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cần tham mưu UBND TP để phát huy hiệu quả của đề án logistics, cơ cấu lại ngành công nghiệp, sớm tham mưu TP trong công tác quy hoạch, mời gọi các nhà đầu tư hình thành các trung tâm thương mại ở cửa ngõ TP.

Bà Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị Sở Công thương phát huy vai trò, chức năng quản lý nhà nước để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; thực hiện nghiêm việc quản lý điều hành xăng dầu theo chỉ đạo của Bộ Công thương và UBND TP. Đặc biệt, Chủ tịch HĐND TP cũng đề nghị ngành công thương quan tâm đến hoạt động của chợ truyền thống.

Lâm Đồng tăng trưởng kinh tế trên 12%

Sáng cùng ngày, tại TP Đà Lạt, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X đã khai mạc kỳ họp thứ 8 nhằm đánh giá nhiệm vụ thực hiện phát triển KT-XH và bàn thảo, định hướng, đưa ra các giải pháp chấn chỉnh một số bất cập trong công tác điều hành, quản lý nhà nước.

Năm 2022, KT-XH của tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát triển mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Toàn bộ 18/18 chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong đó, ấn tượng nhất là mức tăng trưởng kinh tế đạt đến 12,09%, vượt xa so với kế hoạch đề ra là 6 đến 7%; nông nghiệp phát triển ổn định, công nghiệp – dịch vụ tăng trưởng mạnh, du lịch phục hồi nhanh; kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với kế hoạch; thu ngân sách dự kiến cả năm đạt 13.100 tỷ đồng. Công tác giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tốt, an sinh xã hội đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, mặc dù KT-XH đạt được nhiều dấu ấn đậm nét song vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành cần được đánh giá, thảo luận, chỉ ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Ông Trần Đức Quận cho biết, dự báo sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức cũng như những tồn tại, hạn chế ở từng lĩnh vực, từng ngành, nhất là những hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số ngành, địa phương đã kéo dài nhiều năm ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

"Đó là điểm nghẽn, điểm yếu mà chúng ta thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện và rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023" - ông Quận nhấn mạnh.

Kỳ họp cũng sẽ tiến hành cho ý kiến đối với 27 báo cáo, xem xét quyết định thông qua 28 nghị quyết quan trọng, và biểu quyết thông qua những dự án, đề án mang tính chiến lược, có tác động sâu rộng đến sự phát triển của tỉnh như: dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức đối tác công tư; đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt.

Khánh Hòa: Kinh tế phục hồi, tăng trưởng hơn 20%

Năm 2022, kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng tốt, hoàn thành 20/22 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, đó là thông tin được đưa ra tại phiên khai mạc kỳ họp cuối năm, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII, diễn ra vào sáng nay (8/12).

Tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành 20/22, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, một số chỉ tiêu tăng cao so với năm 2021 như: tổng sản phẩm GRDP tăng trưởng 20,7%, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 17%, thu ngân sách hơn 16 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 33%, du lịch đón 2,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt hơn 13.500 tỷ đồng...

Việc tăng trưởng kinh tế đã tạo cơ sở cho tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo, hướng đến mục tiêu xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.

Hiện vẫn còn 2 chỉ tiêu tỉnh Khánh Hòa thực hiện chưa đạt là tỷ lệ che phủ rừng và số xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 8,7%, thu ngân sách hơn 15.400 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết, HĐND tỉnh sẽ dành thời gian thỏa đáng, hợp lý để tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là lần đầu tiên HĐND tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn. Để làm cơ sở cho đại biểu theo dõi các vấn đề chất vấn và cũng giúp cho UBND tỉnh thực hiện lời hứa của mình trước cử tri.

Bình Định giải ngân vốn đầu tư công hơn 90%

Sáng nay (8/12), HĐND tỉnh Bình Định khai mạc kỳ họp cuối năm. Thông tin tại kỳ họp cho biết, tỉnh Bình Định đã giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 90% kế hoạch năm 2022.

Năm 2022, tất cả 19 tiêu chí chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định đều đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định, ước tính tổng sản phẩm địa phương tăng hơn 8,5%. Đến nay, tỉnh Bình Định giải ngân vốn đầu tư công hơn 8500 tỷ đồng, đạt hơn 90% kế hoạch năm.

Các ngành chức năng và chủ đầu tư tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công. 

Tỉnh Bình Định đã và đang đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình trọng điểm, sớm đưa vào hoạt động. Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong năm 2023, địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển toàn diện nông, lâm, nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, tỉnh Bình Định cần tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh và phát huy tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển, cùng cả nước thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế tiếp tục tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GRDP khoảng 7,7,5%. Trong đó, tập trung xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi đối với các thành phần kinh tế. Tập trung đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; chú trọng ứng dụng công nghệ số.

Thừa Thiên Huế: Thu ngân sách ước đạt hơn 12.700 tỷ đồng

Sáng nay (8/12), HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khai mạc kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa VIII nhiệm kỳ 2021-2026.  Thông tin tại kỳ họp cho biết, tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch đầu tư công của tỉnh ước đạt trên 95% kế hoạch.

Năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu chủ yếu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,56%, vượt kế hoạch; thu ngân sách ước đạt hơn 12.700 tỷ đồng, bằng 85% dự toán. Ngành du lịch duy trì với đà phục hồi tốt, đón hơn 2 triệu lượt khách, tăng gần 3 lần so với năm trước, tổng thu từ du lịch ước đạt khoảng 4.500 tỷ đồng.

Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Tỉnh xác định huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế; Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xây dựng chính quyền điện tử, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Như một số ngành, lĩnh vực phát triển chưa như kỳ vọng, một số quy hoạch, đề án, dự án quan trọng chưa được hoàn thành. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương còn nhiều bất cập. Tiến độ giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh cần phân tích, xem xét kỹ nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục để tạo tiền đề phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

HĐND tỉnh Quảng Bình tập trung chất vấn, thảo luận các vấn đề người dân bức xúc

Sáng nay (8/12), HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII khai mạc kỳ họp cuối năm 2022, quyết định các vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết nhiều vấn đề cử tri quan tâm, phản ánh.

Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tăng gần 8%, có 18/21 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch, tổng thu ngân sách hơn 8.000 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%. Ngành du lịch phục hồi nhanh, đã đón hơn 2 triệu lượt du khách, doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 5 lần.

Tuy nhiên, tỉnh này vẫn còn 3 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, cơ cấu nguồn thu ngân sách thiếu bền vững, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt thấp. Đến hết tháng 11 năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Quảng Bình mới đạt gần 55%. Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn, một số dự án trọng điểm không đạt tiến độ đề ra, nợ đọng thuế còn lớn.

Kỳ họp cuối năm, các đại biểu HĐND tỉnh tập trung chất vấn những nội dung cử tri phản ánh đang gây bức xúc trong Nhân dân. Về giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trọng điểm của quốc gia, người dân mong muốn chính quyền khẩn trương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, sớm công bố và chi trả tiền bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng của dự án.

Bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình nêu vấn đề, việc áp giá đền bù giải phóng mặt bằng ở một số địa phương gặp khó khăn, vướng mắc. Cử tri và người dân đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, sớm công bố và chi trả cho người dân. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu tái định cư, khu nghĩa địa trước khi bàn giao giải phóng mặt bằng, đảm bảo cho người dân đủ diện tích đất ở và có đất sản xuất phù hợp để sớm ổn định cuộc sống.

Sơn La bàn giải pháp phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản

Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Sơn La khóa XV diễn ra trong 2 ngày (8 – 9/12) sẽ thảo luận, thông qua nhiều Nghị quyết, quyết định những vấn đề lớn, trọng tâm của tỉnh; trong đó, có các chính sách phát triển nông nghiệp, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.

Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025 là một trong những nội dung quan trọng được quan tâm tại Kỳ họp.

Chính sách hỗ trợ này được áp dụng cho diện tích trồng mới cây chanh leo, dứa, ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương rau để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Đối tượng hỗ trợ là các hợp tác xã, hộ gia đình có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn. Các HTX, hộ gia đình sẽ được hỗ trợ giống 5 triệu đồng/ha đối với phát triển vùng nguyên liệu dứa, chanh leo; hỗ trợ giống 3 triệu đồng/ ha với các loại giống cây ngô ngọt, đậu tương rau, rau chân vịt.

Việc hỗ trợ được thực hiện trực tiếp bằng tiền cho HTX, hộ gia đình sau khi thực hiện hoàn thành nội dung công việc được UBND huyện, thành phố phê duyệt dự án. Các bên tham gia liên kết phải ký kết hợp đồng, thời gian liên kết tối thiểu là 3 năm, quy mô liên kết tối thiểu là 3.000m2.

Kỳ họp cũng sẽ thảo luận nhiều nội dung quan trọng được cử tri và nhân dân tỉnh Sơn La quan tâm như: Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn; nhiệm vụ lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp Mai Sơn, tỉnh Sơn La; quy định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho các chức danh Đội trưởng, đội phó dân phòng; chính sách phòng, chống và kiểm soát ma túy.../.

Cùng với đó là các chính sách kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách năm 2023 và quyết nghị một số chính sách lớn của tỉnh; góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình hành động của Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Bài liên quan
Khai thác trái phép mỏ vàng Bồng Miêu: Khẩn trương truy cứu nếu đủ yếu tố
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khẩn trương truy cứu trách nhiệm hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất