Hàng loạt công trình nước sạch nông thôn hư hỏng, ngưng hoạt động tại Đắk Lắk

Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên | 13/05/2022, 06:00

Tại tỉnh Đắk Lắk hiện có tới 36 công trình cấp nước sạch tập trung ở vùng nông thôn đã hư hỏng, xuống cấp, ngưng hoạt động. Điều này gây lãng phí ngân sách khi mỗi công trình đầu tư nhiều tỷ đồng, nhưng người dân vẫn chịu cảnh khô khát, không có nước sạch sinh hoạt.

Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại buôn Trap, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar được đầu tư xây dựng từ 2017 đến 2019 thì hoàn thành. Tổng mức đầu tư dự án là 12 tỷ đồng từ ngân sách, cung cấp nước sạch cho gần 500 hộ dân ở buôn Linh, buôn Trap và buôn Thung. Bà H’bun Kbuôr ở buôn Trap chia sẻ, công trình cấp nước chỉ sử dụng được vài tháng rồi ngưng hoạt động suốt 3 năm qua, giờ bỏ hoang cho cỏ mọc.

"Cách đây mấy năm, sau khi công trình hoàn thành thì họ có về lắp đặt đường ống nước cho gia đình sử dụng. Nhưng được vài tháng thôi, sau đấy thì không có nước chảy về nữa. Không còn nước máy sử dụng, gia đình lại quay sang dùng nước giếng thôi. Mùa khô khi giếng cạn, chúng tôi phải đi xin nước hoặc mua nước bình về ăn, uống, còn nước tắm giặt thì lấy xe cày ra chở ở hồ thủy lợi về”.  

Lý giải nguyên nhân công trình nước sạch 12 tỷ đồng chỉ sử dụng vài tháng, bà Phạm Thị Tiềm - Chủ tịch UBND xã Cư M’gar, cho biết, nguyên nhân chính là do công tác quản lý vận hành không hiệu quả. Ban đầu, xã giao cho 3 trưởng buôn tham gia quản lý, vận hành. Được vài tháng, cả 3 người đồng loạt trả lại công trình với lý do không thu được tiền từ bà con để thanh toán tiền điện. Năm 2020, xã thành lập Tổ vận hành Công trình nước sạch buôn Trap. Tuy nhiên, do không có nghiệp vụ và việc thu tiền điện từ người dân gặp khó nên công trình lại tiếp tục ngưng hoạt động.

Bà Phạm Thị Tiềm nói rõ hơn: “Ủy ban xã có kiến nghị giao về cho Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để quản lý vận hành, ở UBND xã chúng tôi thì không đủ chuyên môn quản lý công trình này. Chúng tôi rất lo lắng vì hư chỗ nào, hỏng chỗ nào trong đất mắt thường chúng tôi không biết để khắc phục được. Cho nên cần giao về cho đơn vị có chuyên môn để hoạt động cho có hiệu quả".

Rà soát của Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường Đắk Lắk cho thấy, toàn tỉnh có tới 36 công trình trong tổng số 123 công trình nước sạch tập trung ở nông thôn đã hư hỏng, xuống cấp, ngưng hoạt động. Nguyên nhân do việc đầu tư nhỏ lẻ, người sử dụng ít, trong khi chi phí vận hành cao khiến thu không đủ chi. Các công trình đa số được giao cho cấp xã hay thậm chí ban tự quản thôn buôn quản lý vận hành; cán bộ vận hành không đủ năng lực chuyên môn nên để xảy ra hao hụt, hư hỏng, không sinh được lợi nhuận nên công trình phải ngừng hoạt động.

Theo ông Phạm Ngọc Bình – Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường Đắk Lắk, để khôi phục hoạt động các công trình cấp nước ở nông thôn, đơn vị đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, xây dựng phương án sửa chữa; đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của việc sử dụng nước sạch. Về lâu dài tỉnh cần có chính sách xã hội hóa hoạt động cấp nước sinh hoạt, đầu tư những công trình mang tính căn cơ hơn.

“Trong thời gian tới có đầu tư, thì các đơn vị được giao chủ đầu tư cần nghiên cứu làm sao các công trình cấp nước có quy mô tương đối từ trung bình hoặc lớn trở lên, số hộ phục vụ nhiều hơn, từ đó suất đầu tư giá thành sẽ giảm xuống thấp hơn, đưa vào hoạt động sẽ hiệu quả hơn. Vấn đề giao cho đơn vị vận hành cũng rất quan trọng, cần khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực tham gia đấu thầu để họ cùng tham gia lình vực này để đấu thầu, quản lý vận hành theo quy định"./.

Bài liên quan
Những hình ảnh ấn tượng Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk
VOVLIVE - Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904-22/11/2024) diễn ra tối 22/11 trang trọng, đặc sắc, để lại nhiều ấn tượng với người dân và du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng
VOVLIVE - Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh".
Mới nhất