Năm học 2020 -2021, học sinh lớp 2, lớp 6 sẽ sử dụng một trong ba bộ sách: Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo; còn hai bộ Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục bị "xoá sổ" không tiếp tục xuất bản.
Trong khi đó, theo thống kê (ngày 16/5/2020) có hơn 22 tỉnh, thành phố công bố lựa chọn sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Có thể kể tới các tỉnh như Lai Châu, Yên Bái, Khánh Hoà, Quảng Bình, Đắk Nông 100% chọn sách; Bắc Ninh, Quảng Trị 94%; Trà Vinh 91%; Bến Tre 90%; Nghệ An và Quảng Nam 89%; Cao Bằng 88%; Đắk Lắk và TP.HCM 85%; Kiên Giang: 80%.
Theo nhận định từ các thầy cô, chuyên gia, việc hai bộ sách ngừng xuất bản sẽ gây ra lãng phí nhất định. Một số địa phương cũng cho biết, không lựa chọn 2 bộ sách giáo khoa lớp 1 Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục cho lớp 1 năm học 2021 - 2022 tới. Họ mong muốn sự thống nhất, ổn định các bộ sách giáo khoa.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, việc hợp nhất hai bộ sách tạo thuận lợi trong tập trung trí tuệ của các chuyên gia đầu ngành để có những bộ sách đảm bảo chất lượng tốt nhất cho học sinh.
Tuy nhiên, lựa chọn hay thay đổi bộ sách giáo khoa nào đều cần tính đến phương án bền vững, không nên mỗi năm chọn một bộ sách khác nhau. Nhất là những địa phương vùng khó khăn, phụ huynh muốn tiết kiệm tiền, các em sẽ học lại sách của anh chị đi trước, tránh tình trạng lãng phí.
Theo ông, các nhà xuất bản nên rút kinh nghiệm, đồng thời cần giữ vững quan điểm ổn định trong biên soạn, phát hành sách cho các năm học tới, để các địa phương yên tâm lựa chọn và dạy học.
Đại diện Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết, địa phương đang rà soát và tổng hợp số liệu xem các trường có nhu cầu chọn lại hai bộ sách Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục cho lứa học sinh lớp 1 tới đây nữa hay không. Nếu tỷ lệ các trường đề xuất chọn lại hai bộ sách giáo khoa lớp 1 này thì sẽ đỡ lãng phí, Sở GD&ĐT cùng UBND tỉnh tôn trọng ý kiến của các cơ sở giáo dục.
Trong trường hợp trường chọn sang sách khác để liên thông tốt hơn với sách giáo khoa lớp 2, thì cũng phải chấp thuận theo các đề xuất đó. Quan điểm của Sở GD&ĐT Quảng Bình là đảm bảo sự ổn định trong dạy và học, không gây xáo trộn, tâm lý hoang mang cho giáo viên, học sinh, phụ huynh.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Quảng Bình, bộ Cùng học để phát triển năng lực (10 cuốn) giá 194.000 đồng và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (9 cuốn) giá 189.000 đồng. Việc loại bỏ hai bộ sách này đồng nghĩa với lãng phí hàng nghìn bộ sách trên cả nước vì khi các trường sẽ không lựa chọn dạy trong năm học tới nữa, học sinh không thể dùng tái sử dụng.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết, năm ngoái địa phương có khoảng 30.000 học sinh lớp 1. Toàn bộ học sinh lớp 1 của địa phương này đều chọn một đầu sách giáo khoa môn Tự nhiên xã hội thuộc hai bộ sách năm nay "biến mất".
Địa phương đang cho rà soát xem năm học 2021- 2022 các trường chọn lại đầu sách này nữa hay không. Tuy nhiên một số cơ sở giáo dục muốn chọn lại bộ sách giáo khoa khác để dễ liên thông khi lên lớp 2, lớp 6.
Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La tiếc nuối, bởi nếu nhà trường không chọn lại, đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn cuốn sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 1 bị bỏ phí. Nếu năm học này nhiều trường không tiếp tục chọn sách giáo khoa thuộc hai bộ trên, hàng nghìn cuốn sách giáo khoa Tự nhiên xã hội lớp 1 năm ngoái ở địa phương này buộc chuyển sách tham khảo để giảm mức độ lãng phí.
Về nguyên tắc, ở chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhà trường và giáo viên dùng sách giáo khoa nào cũng được. Tuy nhiên thực tế, nhà trường sẽ không chọn những cuốn sách bị "bỏ rơi" nửa chừng vì như thế là tự "làm khó" mình. Thay vào đó, họ sẽ chọn những bộ sách đảm bảo liên thông từ lớp dưới lên trên.
Trong năm học 2020- 2021, Bắc Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ trường lựa chọn sử dụng bộ sách giáo khoa lớp 1 Cùng học để phát triển năng lực nhiều nhất, khoảng 2/3 số trường tên địa bàn chọn bộ sách này.
Ví dụ, sách Âm nhạc có 146 trường lựa chọn (tương đương hơn 25 nghìn học sinh); sách Mỹ thuật có 121 trường lựa chọn (tương đương hơn 21 nghìn học sinh); sách Đạo đức có 120 trường lựa chọn (tương đương hơn 21 nghìn học sinh).
Đại diện Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho biết, sở đang khẩn trương rà soát lại xem năm học này, các trường còn tiếp tục chọn lựa bộ sách giáo khoa này nữa hay không. Với con số quá lớn như vậy, có thể các trường vẫn tiếp tục chọn lựa để đỡ lãng phí.
Một vị trưởng phòng GD&ĐT ở Hà Giang cho rằng, năm học 2021-2022, hai bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Cùng học để phát triển năng lực không còn từ lớp 2, do đó sẽ có nhiều trường, nhiều địa phương không chọn tiếp tục dạy từ lớp 1. Việc này gây ra sự lãng phí với những nơi từng chọn hai bộ sách giáo khoa này.
Học sinh ở vùng cao, vùng khó khăn vẫn tận dụng sách giáo khoa lớp trước cho học sinh lớp sau học lại. Nhiều trường vẫn xây dựng tủ sách dùng chung, sau mỗi năm học lại huy động sách cũ để học sinh khóa sau sử dụng. Giờ đây, hai bộ sách biến mất, đồng nghĩa hàng nghìn quyển sách đang dạy ở lớp 1 năm học 2020-2021 sẽ nằm đắp chiếu trong năm học tới. Đó không phải là khoản tiền nhỏ đối với vùng khó khăn.
Minh Khôi