Dự án đường sắt đô thị gây lãng phí nhân lực, vì sao?
Hội thảo phát triển đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 17 - 19/1 với 4 phiên thảo luận các chuyên đề, gồm: Phát triển đường sắt đô thị và đô thị theo mô hình TOD; Giải phóng mặt bằng, gia tăng giá trị đất đai; Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; Quản lý dự án đường sắt đô thị.
Tại chuyên đề Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết theo quy hoạch giao thông vận tải, Thủ đô Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km, trong đó 75,6 km đi ngầm.
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13 km của tuyến đường sắt đô thị số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông và đang triển khai thi công 12,5 km tuyến số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.
“Sắp tới UBND TP. Hà Nội sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, còn TPHCM sắp đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên”, ông Tuấn nói.
Thực tế triển khai dự án đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy một trong những khó khăn, vướng mắc chủ yếu khiến thời gian thực hiện dự án đường sắt đô thị kéo dài, gây lãng phí nguồn nhân lực là do thiếu thống nhất, đồng bộ tiêu chuẩn Quy chuẩn, kỹ thuật.
Từ thực tiễn, theo ông Tuấn, việc các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ có nguyên nhân do chủ đầu tư cũng như các nhà thầu gặp vướng mắc khi áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cả trong và ngoài nước, cũng như khó khăn trong công tác quản lý dự án đường sắt đô thị.
Ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các dự án đường sắt đô thị không đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong quá trình thi công, nghiệm thu công trình cũng như duy tu, bảo dưỡng.
Trong khi đó, Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc, chuyên gia về đường sắt đô thị cảnh báo, việc sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau có nguy cơ lãng phí nguồn lực (không tận dụng được các thiết bị, sản phẩm kỹ thuật như bản vẽ, tính toán, kinh nghiệm thi công…), đội ngũ kỹ sư lành nghề ở dự án này có thể không có kinh nghiệm ở dự án khác.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, việc không có sự thống nhất về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật còn dẫn đến khác biệt trong cách vận hành và khai thác, gây khó khăn trong việc kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị.
Theo TS Nguyễn Thị Hoài An, Khoa Vận tải và kinh tế đường sắt (Đại học Giao thông vận tải), tiêu chuẩn là thước đo, tiềm năng kỹ thuật làm tăng khả năng đổi mới và khả năng cạnh tranh quốc tế, tăng chất lượng vận hành, tăng lợi thế về chi phí.
Bà An kiến nghị việc áp dụng các tiêu chuẩn cần tính đến điều kiện vận hành đặc thù của nước ta như Hệ thống luật pháp, khí hậu nhiệt đới, hạ tầng đô thị, hành vi tham gia giao thông địa phương, các loại phương tiện giao thông khác...
Học học được nhiều kinh nghiệm quý báu
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải có khung tiêu chuẩn thống nhất cho loại hình giao thông này.
Cụ thể là 3 chủ đề trọng tâm: Những khó khăn trong việc áp dụng hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ cho đường sắt đô thị; đề xuất các chính sách ưu tiên, ưu đãi cho đường sắt đô thị, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia; bất cập, vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện dự án hiện nay.
Từ thực tiễn và kinh nghiệm phát triển đường sắt đô thị ở các nước phát triển cũng như các nước đã đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng có điều kiện tương đương Việt Nam, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có giá trị trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý hệ thống đường sắt đô thị.
Các ý kiến đặc biệt nhấn mạnh vào việc xây dựng tầm nhìn dài hạn với sự tham gia và đồng thuận của người dân; hoàn thiện chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị xuyên suốt từ bộ máy chính quyền, cơ chế, chính sách đến nhận thức, tổ chức thực hiện; khuyến khích, huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để xây dựng, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả công tác thiết kế cũng như triển thực hiện dự án.
Phát biểu tại phiên bế mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau thời gian làm việc tích cực, khẩn trương, hội thảo đã hoàn thành tốt đẹp các nội dung và chương trình đặt ra.
Dưới sự chủ trì của UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh và điều hành của hai Sở GTVT, hội thảo đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và cầu thị.
Theo số liệu từ Ban tổ chức, đã có nhiều đoàn đại biểu đăng ký tham gia với số lượng khoảng 200 đại diện đến từ các cơ quan trung ương, địa phương, các tổ chức, cơ quan ngoại giao.
“Đặc biệt, có sự góp mặt của 30 đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt đô thị và giao thông công cộng. Điều đó cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với lĩnh vực phát triển hệ thống đường sắt đô thị công cộng.
Hội thảo đã nhận được tổng số 11 bài báo cáo, tham luận. Qua đánh giá, các tham luận đều có chất lượng tốt, được chuẩn bị công phu, đề cập vào các nội dung cốt lõi, phản ánh thực trạng, xu thế phát triển của hệ thống đường sắt đô thị trên thế giới nói chung và tại hai TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nói riêng”, ông Tuấn cho biết.
Ngoài ra còn một số ý kiến đóng góp của các đại biểu khác, do thời gian giới hạn, chưa có điều kiện để trình bày, sẽ được Ban tổ chức đón nhận và đưa vào báo cáo tổng kết của hội thảo. Các câu hỏi không trao đổi tại hội nghị do thời gian thảo luận không cho phép sẽ được bộ phận thư ký tổng hợp gửi đến các diễn giả để trả lời.
Lãnh đạo TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều đánh giá, các bài phát biểu và ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã thể hiện sự đồng tình và thống nhất cao về vai trò ngày càng lớn của của hệ thống đường sắt đô thị.
Không những làm thay đổi diện mạo và đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia, đường sắt đô thị còn góp phần đáng kể nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chia sẻ các vấn đề nan giải trong quá trình đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.
“Các ý kiến đóng góp sẽ là nguồn tư liệu có giá trị để các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, hoạch định chính sách tham khảo trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển hệ thống ĐSĐT nói riêng và hệ thống giao thông công cộng nói chung, góp phần xây dựng Thủ đô và Thành phố mang tên Bác trở nên văn minh, hiện đại”, ông Tuấn khẳng định.
Đồng thời, thành công của hội thảo đã tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của sự hợp tác giữa hai thành phố lớn: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thay mặt cho Ban Tổ chức, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã gửi lời cảm ơn trân trọng tới lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, tổ chức, cá nhân đã đến tham dự hội thảo.