Giải pháp nào để chống ngập ở Vũng Tàu?

Lưu Sơn/VOV-TPHCM | 17/10/2024, 20:28

Tình trạng ngập úng tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không còn là câu chuyện mới. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do hệ thống thoát nước của thành phố bị nghẽn, hệ thống hồ điều hoà, kênh rạch, cống thoát, hạ tầng giao thông xuống cấp. Cùng với đó là quy hoạch chưa đồng bộ, quá tải, không đáp ứng được nhiệm vụ thoát nước so với thực trạng hiện nay.

Cứ mưa là ngập

Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn TP Vũng Tàu tình trạng ngập úng xảy ra ở hầu khắp các tuyến đường và cả trong khu dân cư khi mưa lớn. 

Ông Trần Quốc Kính, nhà ở hẻm 780, tổ 25, đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 10, TP Vũng Tàu chia sẻ, cứ mỗi khi mưa lớn là nước ngập từ ngoài đường vào tận trong nhà. Các thiết bị điện tử phải kê lên cao mới sử dụng được, nếu không mất an toàn về điện, nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Kính cho biết thêm, cứ mỗi lần mưa lớn thì đơn vị thoát nước cử người đi khơi thông cống rãnh, tuy nhiên biện pháp này chỉ là tình thế, về lâu dài phải có biện pháp chống ngập căn cơ hơn.

Khu vực này mỗi khi mưa lớn thì phương tiện đi lại bị chết máy, công nhân lao động có một số người phải đi xe đạp, hoặc đi bộ ra đường lớn thì đón xe đi làm. Các cháu học sinh gặp nước ngập sâu bị té ngã, ướt hết tập sách. Nước không thoát được dẫn đến hầm gas ứ đọng, không tiêu được, nhiều gia đình không sinh hoạt được, rất là cực.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lan ở đường 30/4, đoạn phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu chia sẻ, cách đây 3 năm thì không có tình trạng mưa lớn là ngập đường.

Thời gian gần đây thì cứ mưa là ngập, đoạn từ cảng Vietsovpetro đến ngã ba cảng PTSC có thời điểm mưa lớn ngập hơn nửa mét, xe gắn máy 2 bánh không dám di chuyển, sợ tắt máy.

Từ ngày về đây ở chỉ bị ngập có 1 lần, nhưng cũng không nhiều, mưa lớn là ngày sau nước cạn liền. Bây giờ mưa lớn thì có xe người ta chạy được, còn tôi thì sợ bị tắt máy, nhiều người tắt máy dẫn bộ lắm. Không phải chỗ này bị ngập đâu, chạy dài lên đến đầu đường, chạy dài lên đến đầu bên kia bị ngập hết. Bà Lan chia sẻ.

Giải pháp hữu hiệu, lâu dài

Qua khảo sát, tại TP Vũng Tàu có 6 khu vực ngập úng nghiêm trọng gồm các lưu vực: hồ Võ Thị Sáu, hồ Á Châu, hồ Bàu Sen, kênh Bến Đình, hồ Bàu Trũng và lưu vực hồ Rạch Bà – Cửa Lắp. 

Cùng với đó là 12 tuyến ngập nặng như: đường 30/4, đường 3/2, Thi Sách, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ba Cu, Lê Hồng Phong… Trong đó khu vực ngập nặng nhất là đường 30/4 đoạn từ cảng Vietsovpetro đến ngã ba cảng PTSC có thời điểm ngập hơn nửa mét.

Trước thực trạng ngập úng liên tục diễn ra trên diện rộng, đơn vị thoát nước đô thị đã cử nhân viên đến những điểm ngập nặng tiến hành khơi thông miệng cống, giải toả lượng nước mặt tại thời điểm mưa lớn.

Mới đây, UBND TP Vũng Tàu cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức bàn, tìm nguyên nhân và bàn giải pháp cả trước mắt lẫn lâu dài để phòng chống ngập úng cho thành phố.

UBND TP Vũng Tàu cho biết, thành phố có 7 hồ điều hoà, thoát nước với diện tích 107ha, tuy nhiên chỉ có 4 hồ đảm bảo thoát nước có diện tích 32,6ha, với diện tích này chưa đủ dung tích chứa, điều hoà thoát nước.

Theo Công ty Cổ phần khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco), đơn vị thực hiện thoát nước tại các đô thị ở Bà Rịa – Vũng Tàu, vì nước không trực tiếp thoát ra biển nên thành phố Vũng Tàu phải cần 219ha để điều hoà, điều tiết, thoát nước.

Ông Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Công ty Cổ phẩn khoa học Việt Nam (Busadco) cho biết, hiện nay thoát nước của thành phố phải qua hệ thống hồ điều hoà, hệ thống này có diện tích quá nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống điều hoà này mà chưa triển khai làm được thì đương nhiên sẽ là một vấn đề. Nếu hiện nay chúng ta không xử lý kịp thì 5-10 năm tới hậu quả khôn lường. Trong khi đó thực tế thành phố Vũng Tàu chỉ có 32,6ha diện tích hồ điều hoà, thoát nước.

Ngập úng diễn ra trên diện rộng ở Vũng Tàu còn do tuyến cống thoát nước được đầu tư chắp vá, không đồng bộ. Toàn bộ tuyến cống được xây dựng từ những năm 1990, cao độ đáy cống không thuận lợi nên bị xuống cấp, sụt lún.

Nghiêm trọng hơn, hệ thống tuyến kênh thoát nước chính của thành phố Vũng Tàu chưa được nạo vét định kỳ, thường xuyên. Nhiều công trình nhà ở lấn chiếm 2 bên dòng kênh tồn tại nhiều năm liền dẫn đến rác thải phát sinh, gây tắc nghẽn dòng chảy… trong đó, đoạn kênh chính qua phường Rạch Dừa có hơn 200 công trình nhà ở lấn chiếm dòng kênh. 

Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho biết, sẽ tiến hành tháo dỡ các công trình lấn chiếm dòng kênh, và sẽ làm dọc tuyến kênh chính qua các phường có công trình lấn chiếm.

"Thành phố sẽ rà lại từng thửa đất, từng cái mương xem trên phạm vi đó đất nào là đất công mà nhà dân nào xây dựng trái phép thì lập hồ sơ xử lý. Sau khi chúng tôi có hồ sơ sẽ tiến hành lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện. Đi dọc kênh chính mà xử lý trên nguyên tắc làm phường này xong thì sang phường kế bên" - ông Thảnh nói.

UBND thành phố Vũng Tàu cho biết, đã kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho xây dựng các hồ điều hoà còn lại là: hồ Bàu Trũng, hồ Cửa Lắp và hồ Rạch Bà. Đồng thời mở rộng, nâng cấp các cống ngăn triều, khôi phục chức năng thoát nước hồ Á Châu. Trước mắt, tiếp tục phối hợp với Sở Xây dựng nạo vét kênh chính và đề xuất chủ trương phương án chống ngập lâu dài cho thành phố.

Bài liên quan
Tồn tại suốt 600 năm, nhưng vì sao Tử Cấm Thành chưa bao giờ bị ngập úng?
Hãy cùng tìm hiểu vũ khí bí mật giúp Tử Cấm Thành chưa từng ngập suốt 600 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia
VOVLIVE - Sáng nay, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao nước ta lên đường thăm chính thức Malaysia đến ngày 23/11 theo lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân.
  • Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: "Bàn làm chứ không bàn lùi"
    VOVLIVE - Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với chủ trương đầu tư dự án với tinh thần bàn làm chứ không bàn lùi. Đây là xu thế phát triển đất nước và là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển.
  • Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xây dựng Trung tâm tài chính tại Đà Nẵng và TP. HCM
    VOVLIVE - Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng.
  • Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Armenia
    VOVLIVE - Chiều 20/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã có buổi tiếp Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Mới nhất