Giả mã ý đồ của Triều Tiên sau quyết định bổ sung lực lượng chiến đấu tại Nga

19/02/2025, 15:20

VOVLIVE - Một số báo cáo cho biết Triều Tiên đã bổ sung thêm binh sỹ, đồng thời chuẩn bị luân chuyển lực lượng đang đồn trú tại Nga. Theo giới phân tích, có một số lý do khiến Bình Nhưỡng bất ngờ thực hiện động thái này.

Quan hệ đối tác Nga-Triều Tiên đang bước vào một giai đoạn mới chưa từng có. Sự thay đổi lớn trong động lực của mối quan hệ này được thể hiện rõ qua quyết định của nhà lãnh đạo Kim Jong Un triển khai hàng nghìn binh sỹ đến chiến đấu cùng với quân đội Nga tại khu vực Kursk của Nga. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng triển khai lực lượng lớn như vậy ở nước ngoài và tham gia chiến đấu trực tiếp trên bộ.

Quân đội Triều Tiên được cho là rút khỏi tiền tuyến vào tháng 1/2025, nhưng hiện họ đã quay trở lại sau khi được huấn luyện thêm. Triều Tiên đang điều động đợt binh sỹ thứ hai đến Nga sau đợt đầu tiên điều động đầu tiên diễn ra vào tháng 11/2024 với 11.000 người.  Các đơn vị chiến đấu đang được chia nhỏ hơn để giảm thiểu nguy cơ thương vong trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine. Tên lửa Triều Tiên được sử dụng trong xung đột cũng đang trở nên chính xác hơn.

Kể từ tháng 11/2024, Bình Nhưỡng được cho là đã vận chuyển vũ khí tới Nga theo cả hai hướng qua biên giới giữa hai nước. Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận giao dịch giữa Nga và Triều Tiên ngày càng giống một cam kết chiến lược dài hạn, phản ánh sự liên kết sâu sắc hơn giữa hai bên.

Vẫn chưa rõ mục tiêu chính xác của nhà lãnh đạo Kim Jong Un phía sau quyết định triển khai lực lượng đến Nga, đặc biệt khi xét đến tỷ lệ thương vong cao của binh sỹ Triều Tiên. Theo nhiều nhà quan sát, ông Kim Jong Un có thể dựa trên sự cân nhắc về chiến lược hơn là kinh tế, với bằng chứng là Bình Nhưỡng sẵn sàng điều động thêm binh sỹ, bất chấp nỗi lo ngày càng gia tăng về sự thiếu hụt quân đội trong nước liên quan đến các đợt triển khai tại Nga.

Ý đồ của Triều Tiên

Theo giới phân tích, quyết định bổ sung quân được đưa ra chỉ 2 tháng sau đợt triển khai ban đầu, có thể được thúc đẩy bởi phép tính hai mặt. Trước hết, các lực lượng Triều Tiên được cho là đã chịu tổn thất nhiều về nhân lực kể từ tháng 11/2024 với tỷ lệ thương vong từ 9 đến 35%.

Thông thường, trong một cuộc xung đột, tỷ lệ thương vong cao vượt quá 10% sẽ làm suy yếu sự gắn kết, tinh thần và khả năng tấn công của các đơn vị, còn tỷ lệ thương vong vượt quá 30% sẽ khiến họ chiến đấu không hiệu quả, buộc phải rút quân hoàn toàn hoặc tăng cường đáng kể binh lực. Nếu Triều Tiên rút quân, thì điều này không chỉ gây bất lợi lớn cho Nga mà còn đánh mất cơ hội để họ có được kinh nghiệm chiến đấu trong một cuộc xung đột hiện đại.  

Thứ hai, việc điều động thêm binh sỹ có thể phản ánh mục tiêu lớn hơn của ông Kim Jong Un là củng cố sự liên kết chiến lược sâu sắc hơn với Nga. Đây cũng có thể là điều kiện để đảm bảo sự hỗ trợ qua lại trong trường hợp xảy ra khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên. Bằng cách bổ sung lực lượng và luân chuyển quân đang chiến đấu trên đất Nga, Triều Tiên có thể đang tìm cách ngăn Moscow xích lại gần phương Tây sau khi xung đột với Ukraine chấm dứt, đồng thời giảm nguy cơ Bình Nhưỡng bị cô lập trong tương lai.

Vũ khí Triều Tiên giúp tăng cường đáng kể hỏa lực của Nga

Một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Moscow và Bình Nhưỡng là quy mô và tốc độ chuyển giao vũ khí quân sự ngày càng tăng. Báo cáo tình báo của phương Tây cho rằng, Triều Tiên đã chuyển giao 20.000 container chứa hơn 5triệu viên đạn 152mm và 122mm, 50 pháo tự hành "Koksan" 170mm do nước này sản xuất và 20 hệ thống pháo phản lực phóng loạt 240mm cho Nga. Được triển khai với số lượng lớn, các hệ thống này có thể tăng cường đáng kể hỏa lực của Nga, vì pháo hạng nặng của Triều Tiên được thiết kế để bắn những loạt đạn lớn có khả năng gây áp đảo và làm tê liệt hệ thống phòng thủ của đối phương.

Triều Tiên nhiều khả năng cũng tăng cường nguồn cung cấp tên lửa cho Nga, trong đó có khoảng 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23/24, ít nhất 5 tên lửa đạn đạo tầm trung KN-15. Mặc dù tình báo Ukraine đã phủ nhận những thông tin trên, nhưng theo các nhà quan sát phương Tây, động thái này không có gì đáng ngạc nhiên.

Giống như Oreshnik, KN-15 có tầm bắn có thể tấn công sâu vào châu Âu. Điều này phù hợp với những nỗ lực hiện tại của Điện Kremlin nhằm sử dụng những vũ khí như vậy để ngăn chặn phương Tây viện trợ cho Ukraine và ý định của Triều Tiên muốn thử nghiệm toàn bộ kho vũ khí quân sự của mình trên chiến trường Ukraine. Một hệ thống khác mà Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ triển khai trong cuộc xung đột là máy bay không người lái tự sát. Triều Tiên được cho là sẽ sớm được chuyển giao cho Nga sau khi yêu cầu ngành công nghiệp quốc phòng trong nước sản xuất hàng loạt vào tháng 11/2024.

Đáp lại thiện chí của Triều Tiên, Nga không chỉ chuyển giao các hệ thống phòng không tiên tiến cho Bình Nhưỡng chẳng hạn như S-400 – mà còn đạt được thỏa thuận cung cấp cho đối tác các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27, một số báo cáo tình báo cho biết.

Mặc dù sự hỗ trợ này chưa thể giúp Triều Tiên bắt kịp năng lực quân sự vượt trội của lực lượng Mỹ-Hàn, nhưng điều đó có khả năng làm thay đổi động lực an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và làm giảm lợi thế trên không của Hàn Quốc.

Thời gian gần đây, Triều Tiên đã công bố tàu chiến lớn nhất từ ​​trước đến nay mà nước này sở hữu, được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng có khả năng triển khai tên lửa hành trình hoặc tên lửa phòng không.

Thiết kế của tàu có nét tương đồng với Dự án Derzky của Nga, làm dấy lên câu hỏi về mức độ hỗ trợ của Điện Kremlin. Mặc dù không có báo cáo nào liên kết trực tiếp sự hỗ trợ của Nga với những tiến bộ trong hải quân Triều Tiên, nhưng việc Bình Nhưỡng lần đầu tiên tham gia với tư cách là quan sát viên trong các cuộc tập trận hải quân gần đây của Nga cho thấy khả năng hợp tác đang diễn ra giữa hai bên trong lĩnh vực này.

Bài liên quan
Ông Kim Jong-un gửi thư cho Tổng thống Putin, cam kết tăng cường hợp tác quân sự
VOVLIVE - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi thư chúc mừng năm mới tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, cam kết củng cố hơn nữa hợp tác quân sự song phương giữa hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Bí thư Khu ủy Quảng Tây (Trung Quốc)
VOVLIVE - Chiều 18/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp ông Trần Cương, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Mới nhất