Gia Lai giảm 189 đơn vị công lập, cắt giảm trên 1.500 biên chế

Nguyên Thảo/VOV-Tây Nguyên | 29/11/2024, 20:34

VOVLIVE - Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Gia Lai đã giảm 189 đơn vị sự nghiệp công lập và tinh giản hơn 1.500 biên chế hưởng lương ngân sách. Kết quả này giúp tinh gọn bộ máy, giảm chi ngân sách, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ công. Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị tổng kết Chương trình hành động số 64 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, tổ chức sáng 29/11.

Hội nghị cũng thảo luận về kế hoạch thực hiện Kết luận số 62 năm 2023 của Bộ Chính trị về triển khai Nghị quyết số 19 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. 

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, từ năm 2015 đến nay, Gia Lai đã tích cực sắp xếp, sáp nhập và giải thể các đơn vị công lập hoạt động không hiệu quả hoặc có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp. Kết quả, tỉnh đã giảm 189 đơn vị sự nghiệp công lập, tương đương 17,5%. Đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh còn 891 đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong lĩnh vực giáo dục – chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hệ thống sự nghiệp công lập – tỉnh đã giảm 86 trường mầm non và phổ thông, cùng 406 điểm trường. Việc này giúp tăng tỷ lệ học sinh/lớp, cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực. Về y tế, tỉnh tổ chức lại các trung tâm y tế huyện thành đơn vị đa chức năng, giảm 24 đầu mối. Các đơn vị văn hóa, thể thao cũng được sắp xếp tinh gọn, giảm hơn 39% đầu mối cấp huyện.

Đồng thời, Gia Lai đã đẩy mạnh tự chủ tài chính tại các đơn vị đủ điều kiện. Đến năm 2024, nhiều cơ sở y tế, giáo dục và trung tâm nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh đã tự đảm bảo một phần hoặc toàn bộ chi phí hoạt động, giảm áp lực ngân sách nhà nước. Đồng thời, tỉnh đã tinh giản 1.548 biên chế, chiếm 5,86% tổng biên chế so với năm 2021.

Mặc dù đạt nhiều kết quả, Gia Lai vẫn đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt trong giáo dục và y tế. Số lượng học sinh và dân số tăng kéo theo nhu cầu sử dụng lao động, làm tăng áp lực lên các cơ sở công lập. Ngoài ra, một số đơn vị sau sắp xếp chưa hoạt động hiệu quả  như kỳ vọng. Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, cho biết:

"Do khó khăn trong xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật và chi phí, việc xác định học phí cho các cơ sở giáo dục xã hội hóa theo quy định còn nhiều bất cập. Vì vậy, tỷ lệ tự chủ tài chính tại các cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt là mầm non, chưa thể nâng cao. Việc thận trọng trong tự chủ là cần thiết vì khi đã tự chủ mà không duy trì được sẽ phải giải thể”.

Với quyết tâm thực hiện nghiêm các yêu cầu của Trung ương, Gia Lai đã hoàn thành phê duyệt các đề án vị trí việc làm tại các đơn vị công lập trong năm 2023, tạo cơ sở cho việc tinh giản biên chế và sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính. Tỉnh cũng đang triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh tự chủ tài chính, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các vướng mắc. Việc thực hiện tuân thủ phương châm sắp xếp và đổi mới hệ thống tổ chức cần bám sát yêu cầu của Trung ương, đảm bảo hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Hồ Văn Niên - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai yêu cầu: “Các cấp uỷ, đơn vị, địa phương tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương chung của trung ương, của tỉnh về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Đề nghị các đồng chí cần quyết tâm, quyết liệt, sâu sát, đồng bộ, đúng quy định, việc tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị, địa phương, đặc biệt tại các đơn vị dự kiến sắp xếp”.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tân Bộ trưởng Tài chính và Giao thông Vận tải sẽ đối mặt với "bài toán khó" gì?
VOVLIVE - Các ĐBQH kỳ vọng, hai tân Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải khi nhận trọng trách mới thì công việc bàn giao phải chất lượng để thấy rõ những vấn đề ưu điểm, đang phát triển tốt, được Chính phủ và nhân dân ủng hộ, để đẩy nhanh tốc độ thực hiện.
Mới nhất