"Đưa Long Biên trở thành quận đáng sống, chỉ số hạnh phúc cao hơn nữa"

Đ.Hưng/VOV.VN | 09/02/2023, 18:35

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Thời gian tới Long Biên sẽ có nhiều lựa chọn để phát triển với một định hướng phát triển trong giai đoạn mới đưa Long Biên trở thành một quận đáng sống, chỉ số hạnh phúc cao hơn nữa.

Sáng 9/2, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm với quận Long Biên về Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2022 và Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và những năm tiếp theo. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

Báo cáo Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2022 và Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và những năm tiếp theo, ông Đường Hoài Nam, Bí thư Quận uỷ Long Biên cho biết, quận Long Biên được thành lập, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004. Đến nay dân số trên địa bàn là 347.700 người (tăng 1,6 lần so với thời điểm thành lập); Đảng bộ Quận có 49 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với 16.483 đảng viên (tăng 2,15 lần so với thời điểm thành lập). 

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Đảng bộ quận không ngừng lớn mạnh, số lượng đảng viên tăng trên 2,15 lần so với thời điểm thành lập Quận. Các cấp ủy từ quận tới cơ sở luôn đổi mới phương thức lãnh đạo, đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu. 

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tốc tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ở mức cao (từ 15-21%/năm) đảm bảo ổn định, bền vững; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 86,9 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2025 sẽ là 107 triệu đồng/người/năm.

Cơ cấu ngành kinh tế có sự chuyển dịch đúng định hướng, trong đó: năm 2022 Thương mại- dịch vụ tăng nhanh, chiếm 73,4% tỷ trọng; ưu tiên phát triển những ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như: Trung tâm thương mại lớn, dịch vụ Logistic, dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao, tài chính ngân hàng, vui chơi giải trí, du lịch, ẩm thực và lưu trú, kinh doanh ô tô. Lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm tỷ trọng 26,5% (mức tăng bình quân hằng năm tăng 21,8%). Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp sản xuất không gây ô nhiễm môi trường. Sản xuất nông nghiệp giảm còn 0,1% trong tổng cơ cấu; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển dịch vụ - du lịch sinh thái....

Các thành phần kinh tế phát triển mạnh, số doanh nghiệp trên địa bàn tăng nhanh với 10.152 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng gấp 15,7 lần so năm 2004 (647 doanh nghiệp) và trên 11.000 hộ kinh doanh cá thể.

Đến năm 2022, quận Long Biên đã cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung; khớp nối hạ tầng khu vực  với các quận, huyện bạn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; 100% đường giao thông trên địa bàn được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường đô thị. Công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân luôn được coi trọng, cải thiện... Giai đoạn 2021-2025, quận quyết liệt triển khai thực hiện về quản lý đất đai; đặc biệt chú trọng tới khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, sông Đuống. Tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện xử lý, khắc phục vi phạm về đất đai theo kết luận thanh tra…

Chỉ số cải cách hành chính Long Biên luôn duy trì cao, chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân trong nhóm các đơn vị dẫn đầu Thành phố.

Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo sát sao gắn với thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị đã đi vào chiều sâu và có nhiều nét mới; nhiều chỉ tiêu mới, khó được thực hiện hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chuyên đề theo kế hoạch, chương trình công tác được đảm bảo; nhất là trong công tác quy hoạch cán bộ.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo quận Long Biên đã nêu nhiều kiến nghị với Thành phố trong lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, quận kiến nghị Trung ương, Thành phố chỉ đạo di dời 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch. 

Quận cũng kiến nghị Thành phố giao cho quận lập Đề án quản lý 883 ha đất nông nghiệp khu vực ngoài đê (gồm 751,22ha đất nông nghiệp giao cho các hộ dân; 32,6ha đất công ích; 74,2ha đất nông nghiệp khác; 25,07 ha đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản) và 341,2 ha đất chưa sử dụng (bãi bồi ven sông Hồng, sông Đuống).

Xây dựng Long Biên thành quận văn minh, hiện đại, đáng sống

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong đánh giá có được kết quả đạt được hôm nay đã khẳng định Long Biên trong suốt 19 năm qua phát triển rất đúng định hướng. Long Biên có  những lợi thế về hạ tầng, điều kiện tự nhiên, dân số… thời gian tới Long Biên sẽ có nhiều lựa chọn để phát triển với một định hướng phát triển trong giai đoạn mới đưa Long Biên trở thành một quận đáng sống, chỉ số hạnh phúc cao hơn nữa.

Đánh giá cao Long Biên là quận có nhiều cách làm năng động, chủ động, sáng tạo, được thành phố nhân rộng, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, với đặc thù là quận có tốc độ đô thị hóa rất cao, Long Biên cần tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác quản lý đô thị, chỉnh trang đô thị, gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025".

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, biểu dương những kết quả đạt được của quận Long Biên trong 20 năm vừa qua, đặc biệt là 2 năm gần đây. Bí thư nhấn mạnh, mặc dù là quận mới được 20 năm xây dựng và phát triển nhưng Đảng bộ chính quyền và nhân dân quận Long Biên là một tập thể đoàn kết có quyết tâm có hoài bão phát triển, dám nghĩ, dám làm những vấn đề mới để có kết quả như hôm nay. Năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn vướng mắc, quận đã hoàn thành 16/16 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế phát triển nhanh và bền vững, tốc GRDP tăng 16,74% cho thấy tốc độ phát triển rất cao, quan trọng hơn cơ cấu thu ngân sách càng ngày càng lớn…

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng đề nghị: “Bên cạnh những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng phát triển quận cũng còn những tồn tại và hạn chế như chưa khai thác hết được tiềm năng lợi thế của quận, nhất là thương mại và du lịch. Tiến độ một số dự án phát triển còn chậm, chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng đất. Công tác quản lý đô thị, thoát nước còn hạn chế, úng ngập cục bộ… và công tác khắc phục những tồn tại về quản lý đất đai cần quan tâm thực hiện quyết liệt hơn”.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu lãnh đạo quận Long Biên tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 20 năm thành lập quận thiết thực và hiệu quả, đặc biệt tạo không khí phong trào trong nhân dân vui tươi phấn khởi.  Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững gắn với kiến nghị của quận đã đề ra; làm tốt công tác quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý đất đai… tạo môi trường trong quận là điểm đến, nơi đáng sống.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành phố sẽ chọn Long Biên là một trong những nơi ưu tiên làm điểm những vấn đề mới của thành phố trên các lĩnh vực, kể cả giao cho quận làm chủ đầu tư những dự án của thành phố trên địa bàn, qua đây tạo sức bật mới cho quận. Đề nghị, quận chú trọng thực hiện nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền, nhất là khâu cụ thể hóa; qua đó tham mưu, kiến nghị cụ thể đối với hơn 700 thủ tục hành chính đã phân cấp, ủy quyền và các thủ tục còn lại...  

Đối với các kiến nghị, đề xuất của quận Long Biên, Bí thư Thành ủy giao cho Văn phòng Thành ủy phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố trên cơ sở ý kiến tại cuộc làm việc, thống nhất tham mưu Thường trực Thành ủy ra Thông báo kết luận chỉ đạo cụ thể đối với các kiến nghị của quận.

Bí thư Thành uỷ cũng đề nghị quận Long Biện, cùng với quy hoạch cũng cần xem hết sức tổng thể không tạo ra điểm nóng, nếu xảy ra điểm nóng địa bàn thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Tiếp tục nghiên cứu giữ gìn các nét văn hoá tốt đẹp của địa phương, đẩy mạnh cải cách hành chính…./.

Bài liên quan
Đà Nẵng tập trung xây dựng Hải Châu thành quận văn minh, hiện đại
Quận Hải Châu phải đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái thiết đô thị, xây dựng Hải Châu sớm trở thành đô thị văn minh, hiện đại.
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất