Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Quy định tích tụ đất nông nghiệp dễ bị trục lợi

12/03/2023, 07:59

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho phép cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng nếu không đảm bảo tích tụ được đất nông nghiệp. Theo đại biểu, đây là vấn đề rất dễ bị trục lợi và đẩy người nông dân vào con đường bần cùng hóa.

Đất nông nghiệp là một trong những vấn đề được đưa ra bàn rất nhiều trong thời gian lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại TP.HCM. Với dự thảo luật, việc tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng những cánh đồng mẫu lớn là một trong những mục tiêu hướng tới, song vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, trong đó có kẽ hở trong chính sách của Nhà nước về đất nông nghiệp có thể bị trục lợi.

Dễ bị trục lợi

Về quy định đất nông nghiệp, so với Luật Đất đai năm 2013, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có những quy định mới mang tính tích cực như: tập trung đất, tích tụ đất nông nghiệp, nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân… Từ đó, đáp ứng được nhu cầu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Theo đánh giá của ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, dự thảo Luật có thể giải quyết được tình trạng ngành nông nghiệp làm ăn riêng lẻ, ruộng đất manh mún, nơi thì đất nông nghiệp bỏ hoang, nơi thì không có đất để sản xuất. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong dự thảo Luật không còn bị hạn chế khi bao gồm cả đối tượng là cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Song vẫn cần phải thận trọng, suy nghĩ thấu đáo.

Ông Phạm Chánh Trực cho rằng, dù các nguồn lực kinh tế khác tham gia vào sản xuất nông nghiệp sẽ tạo nên động lực phát triển nhưng có thực sự đáp ứng được việc xây dựng ngành nông nghiệp sản xuất quy mô lớn hay vẫn phân mảnh kiểu “mạnh ai nấy làm”. Đó là chưa kể, dự thảo Luật không quy định chặt chẽ về phương thức đầu tư, hình thức tổ chức sản xuất, trách nhiệm trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn với các thành phần kinh tế nên rất dễ dẫn đến những hệ lụy khác. Đó có thể là hàng ngàn nông dân không có việc làm.

Ngoài vấn đề tích tụ ruộng đất, ông Phạm Chánh Trực cũng kiến nghị, sửa đổi Điều 172 và Điều 176 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Người sử dụng đất nông nghiệp, đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

"Cho phép như vậy là quá lỏng lẻo, thiếu chiến lược lâu dài, không tính đến biến đổi khí hậu. Khi chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trồng cây, vật nuôi khác thì không tránh khỏi vấn nạn giải cứu nông sản. Đây là một vấn đề. Cho phép lấy đất trồng lúa để chuyển đổi cây trồng như trồng cam, quýt, nhưng không thấy nói giới hạn nào cả thì người ta muốn làm gì cũng được", ông Phạm Chánh Trực cho biết.

Nói về dự thảo Luật, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết, nét mới trong dự thảo trong tích tụ ruộng đất sẽ giúp bà con đi lên sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại. Nhưng điều khiến bà con băn khoăn, đó là liệu sửa Luật đất đai đã giải quyết được cái gốc để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, hay lại khiến ngành nông nghiệp mắc kẹt giữa các quy định pháp luật khác.

Một điều khiến bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ sự lo lắng, đó là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) “cho phép cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng nếu không đảm bảo tích tụ được đất nông nghiệp”. Đây là vấn đề rất dễ bị trục lợi và đẩy người nông dân vào con đường bần cùng hóa.

"Ví dụ, ký duyệt dự án làm trường học nhưng để một vài năm không làm được trường học xin chuyển đổi mục đích làm thương mại. Trong khi đó, giá bồi thường cho người dân là giá theo công trình công cộng. Có thể lấy ví dụ đó để thấy được việc chuyển đổi tích tụ đất nông nghiệp, để một thời gian không làm được, không phát triển được, trồng cây thì chết… thì xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong khi đất của nông dân thì đã lấy rồi", bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Nên bỏ hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp

Một trong những nội dung về đất nông nghiệp trong dự thảo Luật được rất nhiều người quan tâm, đó là hạn mức nhận nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định tại Điều 171. Theo đó, với mỗi cá nhân hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Vậy, vấn đề đặt ra là nếu đặt hạn mức thì có còn gọi là tập trung hay tích tụ ruộng đất, hướng tới sản xuất lớn hay không?

Ông Nguyễn Văn Giàu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề về hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà quan trọng là phải có báo cáo đánh giá tác động chuyển dịch kinh tế, đánh giá tác động chuyển dịch lao động và những đánh giá về mô hình sản xuất mới sẽ thay thế những mô hình sản xuất manh mún như thế nào. Những thông tin này sẽ tạo nên sự đồng bộ từ đó ra được chính sách về chuyển nhượng đất nông nghiệp.

"Hiện nay, trong cơ cấu lao động nông nghiệp thì nông dân chiếm ít nhất 62-63%. So với Luật trước đây là 68% không có thay đổi lớn. Tự nhiên chúng ta thay đổi mức chuyển nhượng như vậy là không hợp lý. Mức chuyển nhượng có nhiều yếu tố, chứ không phải là chuyển số học lên là thành công. Nó còn mô hình.... Hiện nay chúng ta có mô hình cánh đồng mẫu lớn, phải có tổng kết. Tôi thấy rằng, chúng ta mới dùng định lượng chứ chưa đi vào chiều sâu", ông Nguyễn Văn Giàu nêu ý kiến.

Những quy định mới về đất nông nghiệp trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã cụ thể hóa các chiến lược, chiến sách của Đảng, Nhà nước với ngành nông nghiệp, cũng như vai trò công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần cân nhắc, hoàn thiện trong việc giao đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất, vấn đề góp vốn bằng quyền sử dụng đất… để từ đó nhằm phát huy hết tiềm năng của đất nông nghiệp cũng như giúp đời sống người dân tốt hơn./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất