Chiều 13/5, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) phối hợp cùng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức Hội thảo “Cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý canh tác lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Hỗ trợ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp”.
Hội thảo thu hút các chuyên gia đầu ngành cả quốc tế và trong nước về các lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, phân bón, đất, môi trường…

Nhiều phát hiện quan trọng
Kết quả nghiên cứu từ nhóm chuyên gia IRRI đã chỉ ra nhiều phát hiện quan trọng về canh tác lúa tại ĐBSCL như: năng suất trung bình đạt khoảng 6,1-6,5 tấn/ha trong vụ Đông Xuân, 5,2-5,7 tấn/ha trong vụ Hè Thu và 5,4 tấn/ha trong vụ Thu Đông.
Về quản lý phân bón, phần lớn nông dân bón hơn 4 lần/vụ, cao hơn mức khuyến cáo tối ưu, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và môi trường. Về khía cạnh môi trường, kết quả phân tích phát thải khí nhà kính theo phương pháp IPCC 2019 cho thấy mức phát thải khác biệt giữa các nhóm nông dân, tỉnh và vùng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các giải pháp như áp dụng kỹ thuật tưới xen kẽ khô-ướt (AWD) và quản lý rơm rạ hợp lý có thể giảm phát thải tới 27% vụ đông xuân, 34% vụ hè thu và lên đến 41 % vụ thu đông.
Dựa trên mô hình phân tích SHAP, các chuyên gia xác định rằng lượng giống gieo sạ, số lần bón phân và thời gian ngập nước trước vụ là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng phân đạm.
Phân tích chuyên sâu về hiệu quả sử dụng phân bón và các yêu tố ảnh hưởng rất quan trọng để xây dựng các giải pháp chiến lược giảm đầu vào tăng đầu ra trong sản xuất lúa.

TS Nguyễn Văn Hùng - chuyên gia cao cấp, Trưởng nhóm Cơ giới hóa và Sau thu hoạch của IRRI chia sẻ: "Bộ dữ liệu thu thập được từ 10.000 nông dân không chỉ cung cấp bức tranh toàn diện về thực trạng canh tác lúa hiện nay mà còn là nền tảng quan trọng để xây dựng các mô hình khuyến nghị phù hợp với từng địa phương và mùa vụ.
Từ đó đề xuất chiến lược đầu tư hiệu quả cho Đề án 1 triệu ha xây dựng các giải pháp kỹ thuật phù hợp với thục trạng của chuỗi giá trị gồm đất, nước, cơ sở hạ tầng, cơ giới hoá, dịch vụ, thị trường … theo vùng, chuyên biệt".
Điều tra sâu từng vùng sản xuất
Các chuyên gia khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế đã trao đổi về cách khai thác dữ liệu dựa trên kết quả nghiên cứu, khảo sát về thực trạng canh tác lúa với quy mô 10.000 nông dân tại 12 tỉnh ĐBSCL trong giai đoạn 2022 - 2024.
TS. Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) đánh giá cao hoạt động của chuyên gia IRRI cũng như chuyên gia từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
“Khi chúng ta đang tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất sang những nông dân trực tiếp tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa với mục tiêu giảm chi phí, tăng chất lượng, tăng hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính thì những cuộc điều tra này cần phải sâu sắc hơn nữa, đến từng vùng sản xuất cụ thể và đưa ra phương án cụ thể thì các cơ quan chuyên môn địa phương, hợp tác xã, nông dân có thể căn cứ vào kết quả điều tra, những giải pháp được khuyến nghị để thực hiện theo”, TS Tùng chia sẻ.
TS Cao Đức Phát - Chủ tịch Hội đồng thành viên IRRI, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhận định rằng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là ‘mỏ vàng’ đối với nghiên cứu, những dữ liệu được các nhà khoa học thu thập được cần nhanh chóng được chuyển hóa thành các hướng dẫn kỹ thuật cụ thể theo vùng và theo mùa vụ, giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL vào năm 2030.
“Chúng ta nên tìm nguồn lực, tạo điều kiện cho các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước triển khai công tác nghiên cứu tương tự cho các vùng trồng lúa khác của Việt Nam”, TS Phát chia sẻ đồng thời cho rằng bộ dữ liệu này có thể hỗ trợ xây dựng chính sách, tổ chức sản xuất thông minh, làm bản lề cho khuyến nông và khoa học lúa gạo nói chung.

Hội thảo đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện về canh tác lúa tại ĐBSCL. Các dữ liệu và phân tích được trình bày không chỉ cung cấp bức tranh tổng thể về thực trạng sản xuất mà còn định hướng các giải pháp kỹ thuật cụ thể.
Dự kiến, những phát hiện từ cuộc khảo sát sẽ được chuyển hóa thành các hướng dẫn kỹ thuật cụ thể theo vùng và theo mùa vụ, đồng thời xây dựng các khuyến nghị về chính sách nhằm giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL vào năm 2030.
Hội thảo cũng chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, Hội Khoa học Đất Việt Nam và Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu cam kết hợp tác giữa các tổ chức trong việc thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững tại ĐBSCL.