>> ĐBSCL “chạy đua” hoàn thành 600 km đường cao tốc
LTS: Như đã đề cập trong bài 1 của loạt bài “Kết nối hạ tầng giao thông, tạo thế và lực để Miền Tây bứt phá”, nhóm phóng viên Cơ quan thường trú VOV tại khu vực ĐBSCL đã nêu rõ sự “bức thiết” của các tuyến cao tốc đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và liên kết vùng ĐBSCL. Trong triển khai để hoàn thành 600 km đường cao tốc ở ĐBSCL vào cuối năm 2025, thực tiễn cho thấy các tuyến cao tốc đang gặp phải tình trạng thiếu nguồn vật liệu san lấp, điều này đã và đang tác động trực tiếp đến tiến độ dự án và nguy cơ khó đạt được mục tiêu như kế hoạch.
Trong bài 2 này, chúng tôi sẽ đề cập sư quyết tâm, vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương để đưa các tuyến tốc ĐBSCL về đích đúng hẹn, tạo sức lan tỏa, động lực phát triển cho vùng Châu thổ Cửu Long.
Ngay sau khi Thủ tướng phát động “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", trên công trường thi công cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cũng đã phát động thi đua hoàn thành lượng cát gia tải toàn bộ dự án cao tốc này. Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận – Bộ GTVT cho biết, đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, bổ sung các mũi thi công, bù lại tiến độ; kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ.
“Sau khi Thủ tướng phát động 500 ngày đêm thì dự án cao tốc Cần Thơ -Cà Mau là phát động thi đua cao điểm 100 ngày đêm từ nay đến 31/12/2024 để hoàn thành khối lượng cát gia tải, sau đó thời gian chờ lún thì mới có cơ sở để hoàn thành toàn bộ dự án vào 31/12/2025. Cho nên kiến nghị chung các địa phương giúp thủ tục các mỏ còn lại trong thời gian nhanh nhất để dự án còn có thời gian triển khai thi công”, ông Trần Văn Thi cho biết.
Sóc Trăng có hai nguồn cát san lấp là cát sông và cát biển, địa phương đã chủ động thuê tư vấn khảo sát 8 mỏ cát sông với trữ lượng được đánh giá khoảng 16 triệu m3. Tuy nhiên, khi làm các thủ tục giao cho nhà thầu và khảo sát thực tế không đạt theo yêu cầu, một số mỏ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để khai thác, chỉ có 4 mỏ đầy đủ các thủ tục để khai thác. Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, địa phương đang cùng với các tỉnh, thành quyết tâm dồn lực để hoàn thành các tuyến cao tốc. Tuy nhiên, với 4 mỏ cát sông còn trữ lượng nếu khai thác đến tháng 6/2025 đạt khoảng 3,3 triệu m3, trong khi nhu cầu cho dự án đi qua địa bàn Sóc Trăng khoảng 6,6 triệu m3.
Trước khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, ông Lâm Hoàng Nghiệp đã đề xuất điều chuyển 3,6 triệu m3 cát biển đang phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sang thi công một số đoạn của dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng để đảm bảo tiến độ.
“UBND tỉnh Sóc Trăng có đề xuất cho phép chuyển từ cát biển, hiện nay thì theo báo cáo thì trữ lượng sẽ dư xin được chuyển về cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ -Sóc Trăng giai đoạn của tỉnh Sóc Trăng và chọn lựa những địa điểm, những đoạn tuyến mà nó phù hợp với điều kiện môi trường sẽ áp dụng cát biển còn lại. Có nghĩa là sử dụng 3,6 triệu m3 để sử dụng cho đoạn cao tốc này”, ông Lâm Hoàng Nghiệp thông tin.
Theo Bộ GTVT, công suất khai thác của các mỏ cát ở ĐBSCL vẫn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thi công, việc khảo sát, đánh giá trữ lượng không đáp ứng yêu cầu đã làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, đặc biệt là các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025. Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án, các địa phương cần xử lý và hoàn thành các thủ tục cấp phép mỏ để cung ứng cho các dự án, bảo đảm đủ khối lượng, công suất, đáp ứng tiến độ, đảm bảo ưu tiên cho những dự án hoàn thành năm 2025.
Là địa phương có nguồn cát và đang chia sẻ với các dự án giao thông trong vùng, Chủ tịch UBND Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, ngoài cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc, địa phương cũng đang triển khai nhiều dự án giao thông trên địa bàn nên nguồn cát san lấp cũng cực kỳ “khó khăn”. Vì vậy, mong muốn được sử dụng cát biển cho một số công trình giao thông trên địa bàn.
“Đối với cát biển thì cũng mong được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thống nhất để các tỉnh có liên quan được sử dụng cát biển, vì cát biển hiện nay đối với các công trình thiếu thì các tỉnh cũng cần để được sử dụng phục vụ cho các công trình đầu tư công, các công trình xây dựng cơ bản của tỉnh. Như báo cáo thì tỉnh hiện nay còn thiếu rất nhiều số lượng cát để xây dựng cho các công trình, trong đó có các công trình, ví dụ như cầu Đình Khao tới đây, rồi công trình kết nối vùng của tỉnh Vĩnh Long”, ông Lữ Quang Ngời cho biết.
Với 14 triệu m3 cát điều chuyển cho các dự án giao thông đang triển khai ở ĐBSCL, Đồng Tháp đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu cho san lấp cho các dự án cao tốc Cao Lãnh – Lộ Tẻ và Cao Lãnh – An Hữu, dự án Cao Lãnh - Mỹ An đi qua địa bàn. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND Đồng Tháp cho biết, địa phương đang đánh giá chất lượng các mỏ cát đảm bảo đủ nguồn cung ứng cho các dự án giao thông.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ GTVT sớm bổ sung nguồn vốn cho các dự án đang thiếu vốn và cần trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông vùng để phát huy hiệu quả các công trình.
“Kiến nghị Bộ GT xem các công trình đầu tư đẩy nhanh được tiến độ bổ sung vốn và tăng cường cho kế hoạch năm 2025 cho các công trình này, trong đó có Đồng Tháp. Vấn đề thứ hai kiến nghị Bộ GTVT sớm trình Thủ tướng Chính phủ. Đầu tiên thì cái điều chỉnh quy hoạch cái mạng lưới giao thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 để phát huy được hiệu quả các công trình”, ông Phạm Thiện Nghĩa kiến nghị.
An Giang có dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua, ngoài các mỏ cát đã cung cấp cho các dự án, An Giang còn thiếu khoảng 3,5 triệu m3 cát cho dự án thành phần 1. Ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, địa phương đang khảo sát để tìm thêm nguồn cung và cố gắng đảm bảo đủ 3,5 triệu m3 cát cho dự án. Tuy nhiên, những công trình trọng điểm do địa phương triển khai sẽ không có nguồn cát nên cần có phương án để đảm bảo các công trình đều được sớm triển khai.
“Các công trình trọng điểm của tỉnh không có nguồn luôn, rất khó khăn, cho nên vừa rồi tỉnh họp yêu cầu sắp tới một số công trình mới yêu cầu nhà thầu khi tham gia phải xác định cho được nguồn cung ở đâu, nếu chờ nguồn cát ở địa phương thì rất khó, chưa nói đến vấn đề sạt lở, vấn đề bảo vệ môi trường. Còn một khó khăn thôi cũng đề nghị có chỉ đạo từ các bộ tháo gỡ đó là hiện nay các nhà thầu, cũng như tỉnh nhận thấy đó là công suất khai thác đã vượt cho nên là không đảm bảo được tiến độ, đây là một điểm khó”, ông Hồ Văn Mừng cho biết thêm.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để đảm bảo nguồn cung vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm, các địa phương đã thăm dò, cấp 49 giấy phép khai thác cát san lấp với tổng trữ lượng khoảng 50 triệu m3 cho các dự án. Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành thông tin, các địa phương đã hết sức nỗ lực, cố gắng để cấp các mỏ cát và chuyển nguồn cát cho các địa phương thực hiện dự án, đặc biệt các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Bến Tre tìm được nguồn và cấp phép thông suốt. Mặc dù vậy về lâu cần nghiên cứu sử dụng nguồn cát biển và cát nhập khẩu để sử dụng cho các dự án.
“Lượng cát về ĐBSCL càng ngày càng giảm do biến đổi khí hậu, do xây dựng các công trình ở trên sông. Cho nên đã đến lúc cần phải nghiên cứu, xem xét sử dụng các nguồn cát khác, trong đó có nguồn cát biển chúng ta đang làm, cần sử dụng thêm cát biển ở những nơi có thể và thêm một nguồn nữa là nguồn cát nhập khẩu, cái này có liên quan đến vấn đề giá cát cho các dự án”, ông Lê Công Thành thông tin.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và sự quyết tâm của các địa phương trong việc hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ, bảo đảm nguồn vật liệu cát, đá, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Chính sự chỉ đạo quyết liệt, sự trông đợi của nhân dân vùng ĐBSCL, việc xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết "đường găng tiến độ" để theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công giúp các dự án tăng tốc, vượt tiến độ hoàn thành theo kế hoạch vào cuối năm 2025.
Trong bài cuối của loạt bài Cơ quan thường trú VOV tại khu vực ĐBSCL sẽ nêu rõ sự quyết liệt của Trung ương, sự quyết tâm của các địa phương để mạng lưới hạ tầng giao thông tại vùng ĐBSCL kết nối, hội nhập, thực sự là đòn bẩy để kinh tế vùng đất “Chín rồng” vươn mình phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh là một trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.