
Đối với Việt Nam, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là cơ hội để bắt kịp xu thế thời đại mà còn là chìa khóa để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một quốc gia hùng cường, thịnh vượng.

Khoa học và Công nghệ - Nền tảng của sự phát triển bền vững
Khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, từ nông nghiệp thông minh, y tế chính xác đến công nghiệp chế tạo hiện đại.
Các tập đoàn công nghệ lớn như Viettel, Vingroup, FPT… đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây… góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp - trường đại học - viện nghiên cứu.

Tại phiên thảo luận dự án Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Quốc hội chiều 13/5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản sẽ từng bước được chuyển về các trường đại học hàng đầu - nơi tập trung đội ngũ giảng viên, giáo sư, nghiên cứu sinh đông đảo và năng động”.
Bộ trưởng khẳng định: Đây là định hướng lớn của Nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần đưa đại học trở thành trung tâm tri thức, nơi hội tụ ba chức năng: Đào tạo - Nghiên cứu - Đổi mới sáng tạo.
Các viện nghiên cứu - đặc biệt là hai Viện Hàn lâm - tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong nghiên cứu cơ bản, dựa trên thế mạnh và định hướng riêng.
Dự thảo Luật cũng chuyển trọng tâm phát triển về doanh nghiệp. Lần đầu tiên, Dự thảo có chương riêng gồm các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư cho nghiên cứu phát triển không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
“Nếu trước đây, ngân sách nhà nước tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp chỉ được khoảng dưới 10% thì thời gian tới sẽ là 70%, 80% với nguyên tắc Nhà nước chi một thì thu hút 3 - 4 đồng của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho hay.
Đổi mới sáng tạo - Động lực đột phá
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang ở điểm gần của quá trình chuyển đổi số. Đây thực sự là cơ hội cho Việt Nam hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường”.
Trong khi khoa học công nghệ là nền tảng thì đổi mới sáng tạo là động lực đột phá. Đổi mới sáng tạo không chỉ là yếu tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn giúp Việt Nam chủ động trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ như MoMo, VNPay, Tiki… đã chứng minh khả năng sáng tạo của người Việt, đồng thời thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Tại buổi làm việc với Bộ KH&CN tháng 4/2025, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, qua 40 năm đổi mới, đất nước đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn. Đại hội XIII của Đảng đã xác định 2 mục tiêu rõ ràng: Đến năm 2030, đất nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, đất nước ta trở thành nước phát triển và có thu nhập cao. Và đến giờ này, Việt Nam không điều chỉnh mục tiêu đó.
“Thời gian còn lại không nhiều, muốn đạt mục tiêu đề ra, chúng ta phải có những động lực mới, chính là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng khẳng định vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho giai đoạn tới. Theo đó, chuyển đổi số đang làm thay đổi mọi mặt đời sống, từ quản trị nhà nước, sản xuất kinh doanh đến giáo dục, y tế. Chính phủ đã xác định chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu với các chương trình như “Chính phủ số”, “Kinh tế số”, “Xã hội số”.
Những thành tựu ban đầu như ứng dụng VNeID, nền tảng thanh toán số, nông nghiệp thông minh… cho thấy tiềm năng to lớn của chuyển đổi số. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Chuyển đổi Số - Con đường tất yếu để bứt phá
Là một trong những người tâm huyết về thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, chuyển đổi số cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ quyết định vận mệnh, tương lai mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức, đất nước. Đây là khát vọng vươn lên phồn vinh ở một quốc gia hùng cường.

“Chuyển đổi số không chỉ là nâng tầm hệ thống thông tin, đổi mới sáng tạo, tăng cường hoạt động để làm nhanh, nhiều hơn mà quan trọng nhất là chuyển đổi con người, xây dựng kỹ năng, năng lực số mới”, ông Trương Gia Bình nêu ý kiến.
Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, nhân loại đang bước vào kỷ nguyên số khi mà mọi tổ chức sẽ trở thành tổ chức số, mọi lãnh đạo sẽ trở thành nhà lãnh đạo số, mọi chi tiêu sẽ trở thành chi tiêu số.
“Thế giới đều hiểu rằng đang có một cuộc dịch chuyển vĩ đại từ thế giới thực sang thế giới ảo. Thực và ảo hòa làm một. Mỗi người chúng ta sẽ thay đổi toàn diện cách thức làm việc, giao tiếp, giải trí. Thậm chí, mỗi con người sẽ là một doanh nghiệp số. Ai không làm chuyển đổi số người ấy sẽ “chết”. Chuyển đổi số hay là chết!”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, để biến khát vọng Việt Nam hùng cường thành hiện thực, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển. Doanh nghiệp phải mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Người dân cũng cần không ngừng học hỏi, thích ứng với kỷ nguyên số.
Với quyết tâm chính trị, nguồn lực con người và tinh thần sáng tạo, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để vươn lên mạnh mẽ, xây dựng một quốc gia phồn vinh, bền vững, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Ngày hội KH&CN Việt Nam 18/5 năm nay có chủ đề: “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng”. Theo đó, xác định tương lai của Việt Nam hùng cường đang được kiến tạo từ hôm nay – bằng tri thức, công nghệ và khát vọng vươn lên.