Đoàn công tác của Chính phủ làm việc tại Kon Tum, Sóc Trăng

Nhóm PV/VOV | 13/05/2023, 17:45

Với mục đích hỗ trợ, giúp địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn duy trì, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/5, nhiều đoàn công tác của Chính phủ do các thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn đã về làm việc với các địa phương.

Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Kon Tum về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Sau khi khảo sát thực tế một số công trình, lĩnh vực trọng điểm, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn công tác của Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong việc vươn lên trở thành một trong những đầu tầu tăng trưởng của Khu vực Tây Nguyên. Năm vừa qua tỉnh Kon Tum đứng thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 19 của cả nước về tốc độ tăng trưởng. Chỉ số PCI tăng 24 bậc so với năm 2021, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên và thứ 37 cả nước. Tỉnh đã bám sát, nghiêm túc triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ giải pháp của Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội.

Trong bối cảnh kinh tế- xã hội có nhiều khó khăn, thách thức, 4 tháng đầu năm nay, tỉnh Kon Tum tiếp tục đạt được những kết quả tích cực nhất là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn gần gấp đôi trung bình của cả nước…

Về định hướng phát triển của tỉnh, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị tỉnh tiếp tục bám sát các định hướng lớn của Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 152 của Chính phủ, các Nghị quyết của Quốc hội, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của Chính phủ năm 2023.

"Kon Tum cần phải lấy 3 nội dung để tập trung phát triển. Một là tiếp tục phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm. Thứ hai là phải tập trung mở rộng phát triển công nghiệp chế biến coi đây là động lực và thứ ba phát triển du lịch là đột phá”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Đề cập những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Kon Tum 4 tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn lưu ý, thu ngân sách của địa phương chỉ đạt khoảng 830 tỷ đồng giảm so với cùng kỳ năm ngoái; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách Nhà nước mới đạt trên 10%; Còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, tài nguyên môi trường, nông lâm nghiệp ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng triển khai các công trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội.

Đối với một số kiến nghị, vướng mắc của tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn công tác của Chính phủ, đề nghị Bộ Kế hoạch đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính nắm bắt kiến nghị quy trình thủ tục phân cấp trong chuẩn bị phê duyệt danh mục triển khai kéo dài dự án đầu tư công báo cáo, kiến nghị Chính phủ có biện pháp phù hợp.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị tỉnh bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 08 xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Đồng thời đề nghị Bộ xây dựng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường xem xét kiến nghị của tỉnh Kon Tum sớm tham mưu quy định cụ thể, thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hạoch đô thị.

Cùng với tích cực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nêu rõ, có trên 292km đường biên giới giáp với nước bạn Lào và Campuchia, tỉnh Kon Tum cần tăng cường công tác quốc phòng an ninh và đối ngoại. Bộ Ngoại giao đồng tình, ủng hộ các dự án tu sửa, bảo dưỡng những  cột mốc có nguy sơ sạt lở và nâng cấp các cửa khẩu theo đề nghị của tỉnh Kon Tum.

Báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum với đoàn công tác cho thấy, tổng sản phẩm quý I của tỉnh ước đạt trên 3.700 tỷ đồng, tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước; Tổng Kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 tỉnh giao trên 4.700 tỷ đồng. Đến hết quý I toàn tỉnh giải ngân được khoảng 379 tỷ đồng, đạt khoảng 12% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 địa phương đã giao và đạt khoảng 10,57% so với kế hoạch vốn Trung ương giao; Thu ngân sách Nhà nước ước khoảng 830 tỷ đồng đạt 18,4% dự toán địa phương giao và bằng 59% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng ngày, đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Sóc Trăng về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu và các tồn tại, vướng mắc tại địa phương.

Báo cáo với đoàn, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm của tỉnh giảm hơn 13,7%. Nguyên nhân chủ yếu do phân ngành chế biến thủy sản giảm hơn 19%; sản xuất trang phục giảm hơn 22%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm hơn 16%; ...

Từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 48% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu hàng hoá thực hiện đạt 450 triệu USD, trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 260 triệu USD (giảm hơn 29%), xuất khẩu gạo đạt 145 triệu USD (tăng hơn 51%), hàng may mặc đạt 40 triệu USD (tăng 25%)...

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Sóc Trăng đến thời điểm này hơn 6.468 tỉ đồng, trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao trên 5.850 tỉ đồng, giải ngân trên 943 tỉ đồng, đạt 16,13% kế hoạch.

Về dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, kế hoạch vốn năm 2023 đã giao cho dự án trên 1.500 tỉ đồng, giải ngân hơn 55,5 tỉ đồng, đạt 3,7% kế hoạch... 

Tại buổi làm việc, tỉnh đã báo cáo 9 nhóm vấn đề còn vướng mắc và có những đề xuất, kiến nghị. Đồng thời, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã trao đổi về những vướng mắc và giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng trong những tháng đầu năm. Với kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm đạt đạt 16,13% kế hoạch là khá thấp nên những tháng còn lại của năm, tỉnh Sóc Trăng cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị tỉnh Sóc Trăng khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số nội dung theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục quán triệt đến cán bộ, công chức nội dung Công điện số 280 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo tháo gỡ khó khăn thuộc thẩm quyền trong giải ngân đầu tư công; quan tâm triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội./.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội: Giải ngân vốn đầu tư công chậm có trách nhiệm của HĐND
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhiều vấn đề đang vướng mắc tại các địa phương có một phần trách nhiệm của HĐND, đơn cử như việc giải ngân đầu tư công chậm.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất