“Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”: Kỳ vọng đột phá

Hà Khánh/VOV-TP.HCM | 30/09/2024, 08:37

VOVLIVE - Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10 Khoá XIII mới đây, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Định hướng, quan điểm này được các chuyên gia đánh giá, nếu làm được, mạnh mẽ hơn sẽ tạo được những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Kỳ vọng nhiều chuyển biến mới

Theo dõi Hội nghị Trung ương 10 Khoá XIII vừa qua, đặc biệt là nghiên cứu bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Giáo sư – Tiến sỹ Mai Hồng Quỳ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá, với quan điểm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển.

Theo bà Mai Hồng Quỳ, việc quan trọng bây giờ là đòi hỏi các Bộ, Ban, ngành phải tiếp tục cụ thể hóa, rõ ràng những vấn đề thuộc thẩm quyền, có những hướng dẫn rất cụ thể để địa phương chủ động, mạnh dạn làm, mạnh dạn quyết định.

Giáo sư Mai Hồng Quỳ phân tích thêm, từ một chủ trương nhưng phải trải qua một giai đoạn hiện thực hóa, luật hóa, điển hình hóa. Thời gian qua, những văn bản về vấn đề này đã có rất nhiều, bây giờ với chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, có lẽ là việc điển hình hóa, cụ thể hóa sẽ tiến hành nhanh hơn:

"Và khi mà có đầy đủ những quy định cụ thể như vậy thì các địa phương người ta sẽ có thể mạnh dạn hơn, người ta sẽ chủ động hơn trong thực hiện thẩm quyền trong tất cả mọi lĩnh vực. Mà hiện nay lĩnh vực nhạy cảm mà cũng đòi hỏi là phải có chuẩn hóa nhất đấy chính là lĩnh vực của đất đai. Với Luật Đất đai mới này, cộng với sự chỉ đạo của người đứng đầu đất nước thì hy vọng sẽ có nhiều biến chuyển hơn", GS Mai Hồng Quỳ cho biết.

Đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa

Còn theo TS Bùi Ngọc Hiền, Trưởng phòng Quản lý khoa học, thông tin, tư liệu (Học viện Cán bộ TP.HCM), ý kiến, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã phản ánh những vấn đề mà hoạt động quản lý Nhà nước của chúng ta đang gặp phải.

Quan điểm của Đảng, quy định trong Hiến pháp, pháp luật về phân cấp, phân quyền cho địa phương cũng như các cấp, cụ thể đến từng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã có nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế.

TS Bùi Ngọc Hiền cho rằng, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã đưa ra quan điểm phải minh định và rành mạch trong phân định trách nhiệm.

Trong bối cảnh phát triển mới, có rất nhiều vấn đề mới đòi hỏi Nhà nước phải có sự đầu tư, quan tâm và nghiên cứu dự báo để kiến tạo ra những định hướng mới, chính sách mới để dẫn dắt sự phát triển. Nhà nước cần đóng vai trò như là chất dẫn, thu hút các khu vực ngoài Nhà nước tham gia vào những lĩnh vực mới phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.

"Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng phản ánh một điểm, đó là trong thời gian vừa qua chúng ta đã chưa thực hiện tốt chỗ này. Đặc biệt theo góc độ chúng tôi nghiên cứu thì những tinh thần ở trong Luật tổ chức chính quyền địa phương chưa khai mở hết những quy định mang tính nguyên tắc chỉ đạo trong Hiến pháp cũng như cập nhật mới về tinh thần để đổi mới, hướng tới quản lý nhà nước hiện đại, hiệu quả trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như Nghị quyết số 27", TS Bùi Ngọc Hiền cho biết thêm.

Cũng theo TS Bùi Ngọc Hiền, với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, rõ ràng chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong hoạt động của Nhà nước, của chính quyền các cấp. 

Thực tế hệ thống pháp luật của chúng ta có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo. Trong các văn bản quy định, các văn bản pháp luật thường xuất hiện xung đột trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các bộ, ngành với UBND các cấp, giữa các cấp chính quyền. Cần phân định rõ ràng, rành mạch quyền hạn, trách nhiệm cùng chế tài trách nhiệm.

Ngoài ra, xét một cách toàn diện, còn nhiều quy định pháp luật chưa thể hiện rõ, minh định trách nhiệm, quyền hạn của các bên, do đó câu chuyện “gặp gì cũng hỏi” trong thực thi công vụ sẽ vẫn còn.

Để giải quyết triệt để cần phải đánh giá mang tính hệ thống, tổng rà soát và phân định một cách thống nhất, rõ ràng và cụ thể hơn. Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế để đảm bảo chữ “an” cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

"Đầu tiên là phải hoàn thiện hệ thống thể chế theo quan điểm chỉ đạo của Đảng và tinh thần của Hiến pháp. Đầu tiên là Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hệ thống văn bản các ngành, lĩnh vực để minh định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, của từng cơ quan, từng đơn vị, trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ, công chức, chế tài trách nhiệm đi kèm. Thứ hai khi đã làm được câu chuyện thể chế thì câu chuyện nâng cao trách nhiệm, nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức cũng là một vấn đề", TS Bùi Ngọc Hiền cho biết thêm.

Giảm thiểu cơ chế xin - cho về công vụ

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP.HCM nhiều lần đề xuất, về mô hình chính quyền đô thị cần nghiên cứu tiếp tục mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền từ Trung ương cho TP.HCM và từ TP.HCM cho TP Thủ Đức và các đô thị trực thuộc khác theo nguyên tắc: vấn đề gì cấp dưới gần dân hơn, làm tốt hơn nên phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn lực cho cấp dưới làm; giảm tối thiểu cơ chế xin - cho về công vụ; cấp trên chỉ nên ban hành chính sách, kiểm tra, thanh tra công vụ, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật.

TS Trần Du Lịch cho rằng, cần mở rộng phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo, nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong lĩnh vực kinh tế, ngân sách và quản lý đô thị là phương thức quản lý nhà nước hiệu quả nhất, trong điều kiện vận hành của kinh tế thị trường. 

"Chúng ta thống nhất một nguyên tắc là làm sao một nền công vụ ít nhất cơ chế công vụ xin - cho. Công vụ xin - cho là cơ chế khổ nhất hiện nay trong bộ máy của mình chứ không phải bên ngoài. Có nghĩa là phải phân cấp rõ và trách nhiệm rõ ràng", TS Trần Du Lịch nói.

Rõ ràng, đã đến lúc, câu chuyện phân cấp, phân quyền cần phải được thực thi một cách mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa, bởi đây là phương thức quản lý nhà nước hiện đại và phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
“Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”: Kỳ vọng đột phá
VOVLIVE - Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10 Khoá XIII mới đây, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Định hướng, quan điểm này được các chuyên gia đánh giá, nếu làm được, mạnh mẽ hơn sẽ tạo được những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Mới nhất