Đề xuất xây dựng hồ sơ công nhận Cụm di tích núi Bài Thơ là di tích quốc gia

Vũ Miền/VOV-Đông Bắc | 16/12/2023, 14:33

Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cần xây dựng hồ sơ đề xuất công nhận Cụm di tích núi Bài Thơ là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là đề xuất tại Hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Văn hóa trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long" được Hội dồng di sản Quốc gia phối hợp thành ủy Hạ Long tổ chức.

Thành phố Hạ Long, thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh là một trong những cái nôi văn hóa của người Việt cổ với 3 nền văn hóa nổi tiếng nối tiếp nhau từ thời tiền - sơ sử, gồm Văn hóa Soi Nhụ, Văn hóa Cái Bèo và Văn hóa Hạ Long.

Đặc biệt, Văn hóa Hạ Long còn là một trong bốn nền văn hóa biển có vị trí rất quan trọng trong nền cảnh văn hóa tiền sử Việt Nam. Theo đó, các trầm tích văn hóa được bồi tụ và thấm sâu vào đời sống qua hàng nghìn năm lịch sử tạo nên hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú về loại hình, giàu có về giá trị, đặc sắc về nội dung, hiện hữu sinh động qua những huyền tích, đền miếu, văn bia, nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán của cộng đồng cư dân Hạ Long.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam khẳng định: "Ở đây, cùng một lúc người ta phát hiện ra 3 văn hóa thời kỳ tiền sử nối tiếp nhau, phát triển trong hơn 1 vạn năm. Từ Văn hóa Soi Nhụ tiến lên Văn hóa Cái Bèo và tiến lên Văn hóa Hạ Long. Từ Văn hóa Hạ Long góp phần phát triển toàn bộ văn hóa cổ của Việt Nam trở về sau. Đó là cái hiếm có, độc đáo mà trong đó, Văn hóa Hạ Long có nhiều giá trị đóng góp rất lớn cho việc nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam".

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hạ Long có 1 di sản thiên nhiên thế giới, 6 di tích quốc gia cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị. Đây là nguồn lực quan trọng trực tiếp góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững của thành phố Hạ Long, trong đó Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long được xem là động lực chính cho sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh nói chung và thành phố Hạ Long nói riêng.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, phân tích làm sáng tỏ thêm về giá trị của các di sản văn hóa và định hướng các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa phục vụ cho sự phát triển bền vững của thành phố Hạ Long trong thời gian tới.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng cần có "cách nhìn xứng tầm" với những di tích trên địa bàn: "Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cần xem xét lập hồ sơ đề nghị cụm di tích của núi Bài Thơ với 11 điểm di tích là di tích quốc gia đặc biệt. Tôi nghĩ là với giá trị tự thân của di tích đã xứng đáng trở thành di tích quốc gia đặc biệt nhưng còn một giá trị, ý nghĩa lớn hơn nữa đó là Cụm di tích núi Bài Thơ là biểu tượng, là tượng đài thể hiện chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Đông Bắc".

Thành phố Hạ Long chỉ mới có tên từ 30 năm nay (1993) nhưng từ khi còn mang tên "Hòn Gai" đã là thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh. Địa phương có vị trí địa chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng với tài nguyên thiên nhiên phong phú. Đặc biệt cuối năm 2019, Hạ Long là thành phố cấp tỉnh có quy mô rộng nhất cả nước khi sáp nhập huyện Hoành Bồ. Việc này, đã giúp thành phố mở rộng không gian và động lực để phát triển trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long chia sẻ: "Chúng tôi đã có cái nhìn tổng thể để đưa ra các giải pháp mang tính toàn diện liên quan đến bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn. Chúng tôi thiết kế, tạo thêm những sản phẩm du lịch mới vừa bảo tồn phát huy giá trị và phát triển kinh tế. Đây là mục tiêu mà chúng tôi cũng hướng tới".

Hội thảo khoa học với chủ đề Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Văn hóa trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long đã giúp thành phố định vị lại nhiều giá trị văn hóa và nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa và con người trong quá trình phát triển. Đây cũng là hoạt động triển khai Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.

Bài liên quan
Đầu năm về Bắc Ninh tham quan các đền chùa cổ kính, linh thiêng
Về Bắc Ninh dịp đầu xuân, du khách có thể tìm hiểu nhiều nét văn hóa Kinh Bắc như nghe quan họ, tham quan các không gian tâm linh, đền chùa cổ kính, linh thiêng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất