Đề xuất thí điểm biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản từ sớm

Ngọc Thành/VOV.VN | 30/10/2024, 13:47

VOVLIVE - Ngoài các biện pháp để khơi thông nguồn lực từ vật chứng, tài sản có giá trị lớn tồn đọng khi bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, Viện KSND tối cao còn đề xuất thí điểm biện pháp ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản liên quan tội phạm ngay từ ban đầu.

Nội dung này thể hiện trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự vừa được Viện KSND tối cao trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, sáng nay 301/0.

Hạn chế tài sản đóng băng, lãng phí nguồn lực

Trình bày tờ trình, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, trong những năm qua, công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng, kinh tế đã đạt được những kết quả to lớn nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo. 

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc đặt ra, nhất là trong việc xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. 

Nhiều vật chứng, tài sản có giá trị lớn tồn đọng khi bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong thời gian dài chưa được xử lý sớm để lưu thông, gây đóng băng, lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. 

Bên cạnh đó cũng còn thiếu các biện pháp để các cơ quan tố tụng thực hiện ngay từ đầu nhằm ngăn chặn sớm việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản trước khi có đủ căn cứ áp dụng các biện pháp tố tụng kê biên, phong tỏa… 

Do vậy, để bảo đảm khơi thông nguồn lực, giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm thu hồi sớm, tối đa giá trị tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt…, Kết luận số 87-KL/TW ngày 13/7/2024 của Bộ Chính trị về Đề án “Xây dựng cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc” đã yêu cầu trong năm 2024, VKSND tối cao xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm này. 

Cũng theo ông Nguyễn Huy Tiến, việc xây dựng cơ chế xử lý sớm tài sản, vật chứng không chỉ áp dụng trong các vụ án mà còn áp dụng đối với các vụ việc. Do vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết đã xác định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. 

Dự thảo nghị quyết cũng quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, gồm: Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; Nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; Cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; Giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; Tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản. 

“Đối với từng biện pháp, đều quy định rõ nội dung, điều kiện áp dụng, thẩm quyền, đối tượng” – ông Nguyễn Huy Tiến nói.

Về biện pháp tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản, Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, thí điểm biện pháp này nhằm ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản liên quan tội phạm ngay từ ban đầu, tạo một bước sớm để kiểm tra, xác minh, khi có đủ căn cứ, điều kiện thì áp dụng ngay các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa theo quy định.

Thực tế cơ quan tố tụng đã đề nghị các cơ quan quản lý hành chính áp dụng biện pháp “tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản”. Do đó, cần quy định biện pháp này trong nghị quyết.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và được thực hiện không quá 3 năm. 

Nghiên sửa các luật liên quan sau thí điểm

Đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc ban hành quy định sẽ nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới. 

Về phạm vi các vụ án, vụ việc được thí điểm, UB Tư pháp cho rằng, việc áp dụng cơ chế thí điểm sẽ có tác động rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền tài sản. Do đó, phạm vi thí điểm giới hạn trong một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như dự thảo là phù hợp.

Dự thảo Nghị quyết quy định 5 nhóm biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự. Trong đó có 4 biện pháp áp dụng đối với vật chứng, tài sản đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; có 1 nhóm biện pháp áp dụng có tính chất “khẩn cấp tạm thời” và có thể áp dụng ngay ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. 

“UB Tư pháp tán thành với quy định về các nhóm biện pháp nêu trên, đây là biện pháp chưa được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ cho thấy, việc thí điểm các biện pháp này sẽ góp phần giải quyết cơ bản những vướng mắc, bất cập hiện nay”, theo bà Lê Thị Nga.

Thống nhất thời gian thực hiện thí điểm như dự thảo, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, trường hợp qua đánh giá kết quả thí điểm, nếu có đủ điều kiện, VKSNDTC có thể nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các luật liên quan. 

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân, Chủ tịch Thượng viện Campuchia
VOVLIVE - Chiều 22/11, tại Thủ đô Phnom Penh, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia
VOVLIVE - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
Mới nhất